Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, theo một số tài liệu về tài phán tư pháp đối với các hoạt động hành chính thì có 26 căn cứ để xem xét các quyết định của cơ quan công quyền, qua đó, có thể thấy rằng, tài phán tư pháp đối với các hoạt động của cơ quan công quyền ở một số quốc gia là rất phát triển cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chưa có tài phán đối với văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản quy phạm dưới luật nói riêng mặc dù ba đạo luật về tố tụng là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã có những quy định để mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, để tiếp tục có những cơ sở lý luận và thực tiễn cho hướng nghiên cứu này, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đánh giá các mô hình tài phán đối với văn bản quy phạm pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị bước đầu làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tài phán phù hợp ở Việt Nam, góp phần kiểm soát hiệu quả chất lượng các văn bản quy phạm dưới luật.
Khái quát một số vấn đề chung về việc kiểm soát tính hợp hiến, tính hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đồng chí Lê Thiều Hoa - Viện Khoa học pháp lý cho rằng, quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần được tuân theo một quy trình, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, đó cũng chính là cơ sở để kiểm soát tính hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo cách thức ủy quyền lập pháp. Hiện nay, có hai phương thức kiểm soát, đó là phương thức kiểm soát bằng con đường hành chính và phương thức kiểm soát bằng con đường tư pháp. Ở Việt Nam, thiết chế kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật bằng con đường hành chính đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh; cơ chế bảo hiến hiện nay còn phân tán, chưa hiệu quả; chưa có cơ chế giám sát tư pháp bằng các phán quyết của Tòa án đối với các văn bản quy phạm dưới luật…
Tham khảo một số mô hình tài phán đối với các văn bản quy phạm dưới luật của các nước trên thế giới, TS. Phan Thị Lan Hương - Trường Đại học Luật Hà Nội giới thiệu mô hình của Hoa Kỳ và Nhật Bản, đồng thời nhận định, ở Việt Nam hiện nay, không có một mô hình tài phán độc lập đối với các văn bản quy phạm dưới luật như Hoa Kỳ và Nhật Bản, do vậy, cần nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách, độc lập thực hiện chức năng kiểm soát trước khi ban hành theo mô hình Văn phòng lập pháp Chính phủ của Nhật Bản; nghiên cứu quy định cho các cá nhân, tổ chức quyền kiến nghị Tòa án xem xét tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Tòa án mới chỉ xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính cá biệt, tham khảo mô hình của Hoa Kỳ thì Tòa án còn xem xét tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề liên quan như: Quy trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam; án lệ trong tài phán đối với văn bản quy phạm dưới luật; thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án; vấn đề mở rộng phạm vi nghiên cứu về tài phán đối với văn bản quy phạm pháp luật nói chung; kinh nghiệm cho Việt Nam từ mô hình tài phán đối với văn bản quy pháp pháp luật của Liên bang Nga, Úc; phân tích vấn đề tài phán đối với văn bản quy phạm pháp luật ở Hoa Kỳ qua một vụ việc cụ thể tại thành phố Boston…