Ngày 26/12/2019, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp cơ sở về “Bảo vệ quyền nhân thân dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của TS. Trần Thị Quang Hồng - Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật kinh tế, Viện Khoa học pháp lý; đại diện một số phòng, ban thuộc Viện Khoa học pháp lý và các cơ sở đoàn thuộc Đoàn Bộ Tư pháp. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng mang tính đột biến khi áp dụng công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu, điện toán hóa sản xuất và chế tạo mà không cần đến sự tham gia trực tiếp của con người. Chính vì vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ trở thành một xu thế tất yếu cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội, chính trị toàn cầu trong thời gian sắp tới. Trong kỷ nguyên số, những vấn đề pháp lý quốc tế có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến pháp luật quốc gia và ngược lại. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập pháp trong và ngoài nước trong thời gian vừa qua đối với sự bùng nổ của cách mạng 4.0 là những quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền nhân thân. Những rủi ro tiềm ẩn của người sử dụng (user) khi tham gia môi trường không gian ảo là không thể tránh khỏi và những cơ chế, chính sách để hạn chế những rủi ro này cũng như bảo vệ nguời dùng cần được nghiên cứu và ban hành kịp thời, tạo ra khung pháp lý hoàn thiện cho các bên tham gia.
Tại Hội thảo, TS. Trần Thị Quang Hồng có những chia sẻ về cách mạng công nghiệp 4.0 và những khía cạnh pháp lý về bảo vệ quyền nhân thân, trong đó, đồng chí tập trung phân tích, giải đáp những vấn đề như: Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; sự tác động của cuộc cách mạng này có dẫn đến chủ thể, nội dung và cách thức bảo vệ quyền nhân thân có những thay đổi hay không? Nếu có thì tác động ở mức độ nào?...
Cũng tại Hội thảo, khi bàn về vấn đề bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm khi bị xâm phạm trong không gian mạng internet, đồng chí Đặng Thị Lưu, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng, trong pháp luật Việt Nam, các biện pháp bảo vệ gồm biện pháp tự bảo vệ, biện pháp yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ hoặc các biện pháp pháp lý khác theo quy định của pháp luật hành chính, pháp luật hình sự, pháp luật về an ninh mạng hay pháp luật về báo chí. Việc nhận diện mỗi biện pháp với những đặc thù của nó có ý nghĩa trong việc giúp chúng ta lựa chọn biện pháp bảo vệ quyền tối ưu nhất khi bị xâm phạm quyền trong môi trường internet.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu về vấn đề bảo vệ quyền nhân thân dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, đại diện Ban Nghiên cứu pháp luật quốc tế, Viện Khoa học pháp lý đã chia sẻ một số phương án hành động cụ thể nhằm tạo ra được khung pháp lý vững chắc, tránh những hậu quả không tốt về sau, khi việc quản lý chặt chẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung Luật An ninh mạng năm 2018 theo hướng quy định rõ hơn về việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của người sử dụng; bổ sung thêm quy định về tội phạm an ninh mạng trong Bộ luật Hình sự;…
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo còn cùng nhau thảo luận, trao đổi về một số vấn đề liên quan khác như: Dự án thành phố thông minh có xung đột gì với vấn đề bảo vệ quyền riêng tư không; có nên chuyển hóa quyền đối với dữ liệu cá nhân thành một quyền tài sản hay không; các phương thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân; thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân tại Toà án nhân dân hiện nay...
Các tin khác
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Mong cử tri đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để thể hiện quyền làm chủ của nhân dân Thư của Bộ trưởng Hà Hùng Cường gửi cán bộ, biên tập viên, công chức, viên chức Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai công tác năm 2013 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Cụm thi đua số II tổ chức Hội nghị phát động phong trào và ký giao ước thi đua năm 2013: “Thi đua thiết thực, năng động, sáng tạo, phát triển và đoàn kết” Tọa đàm của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật: “Công chứng các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất” Hoàn thiện pháp luật về công tác theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam