Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Về phía Bộ Tư pháp, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Mai Lương Khôi và lãnh đạo các đơn bị thuộc Bộ tham dự Hội thảo.
Cùng tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, đoàn thể, chuyên gia, các nhà khoa học và đông đảo nhà báo, phóng viên báo, đài truyền hình trung ương, địa phương đến đưa tin về Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cùng hệ thống pháp luật phát triển toàn diện, dựa trên nền tảng Hiến pháp và các đạo luật. Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, đòi hỏi công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng cần có những bước phát triển vững chắc hơn. Việc tổ chức Hội thảo nhằm tiếp tục nhận diện đầy đủ, sâu sắc hơn nữa những giá trị, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; đánh giá thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người về nhà nước và pháp luật ở Việt Nam, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp vận dụng những tư tưởng quý báu của Người trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trong thời gian tới. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều bộ, ban, ngành, trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học với hơn 30 chuyên đề, tham luận tập trung thảo luận một số điểm chính sau:
Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là một trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ sau. Cốt lõi trong tư tưởng của Người về nhà nước và pháp luật là các quan điểm, triết lý chính trị, đạo đức và pháp lý về một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được vận hành bởi hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.
Hai là, với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung, trong đó, tiêu chuẩn hàng đầu là “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Ba là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phải kiên quyết chống cho được “giặc nội xâm” là nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, điều mà Đảng, Nhà nước ta đang kế thừa và nỗ lực bằng những hành động thiết thực với quyết tâm cao.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Người cho rằng, pháp luật là công cụ cần thiết để “giữ gìn quyền lợi của Nhân dân”, duy trì trật tự xã hội và “phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”.
Tại buổi Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã được nghe các nhà khoa học, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương trình bày các tham luận về: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước; tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, của hệ thống Tòa án nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm Hồ Chí Minh về bản chất, vai trò, giá trị của pháp luật và mối quan hệ pháp luật với dân chủ, đạo đức; tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và vận động Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng…