Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận hướng tới mục đích đưa quy định pháp luật về quyền bề mặt đi vào cuộc sống; định hướng cho việc sửa đổi pháp luật đất đai.
Chế định quyền bề mặt có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời (từ thời kỳ La Mã), đến nay đã được thừa nhận và áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, quyền bề mặt có thể được xác định là manh nha hình thành từ khá sớm, nhưng đến Bộ luật Dân sự năm 2015 thì được ghi nhận chính thức, rõ ràng, với tư cách là một quyền khác đối với tài sản. Theo đó, quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Như vậy, quyền bề mặt là một quyền phái sinh, phát sinh trên cơ sở và phụ thuộc vào quyền sở hữu của người khác. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, tính khả thi chưa cao, nguyên nhân có thể từ chính những quy định của Bộ luật Dân sự (còn hạn chế) hoặc/và do còn thiếu sự hỗ trợ trong quy định của pháp luật liên quan.
 |
 |
Đối với quy định về quyền bề mặt trong Luật Đất đai, tại Hội thảo, có hai luồng quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng, quyền bề mặt đã được đề cập trong Luật Đất đai, chỉ là không sử dụng thuật ngữ “quyền bề mặt”, có thể coi quy định về quyền sử dụng đất chính là quy định về quyền bề mặt; còn theo quan điểm thứ hai, quyền bề mặt chưa được ghi nhận trong Luật Đất đai (mặc dù cũng có quy định quyền mà một phần mang bản chất của quyền bề mặt chẳng hạn như trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê một lần). Bên cạnh đó, còn có những ý kiến nghi vấn quyền bề mặt phái sinh từ quyền sử dụng đất hay từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu?
 |
 |
Không thể phủ nhận, việc ghi nhận một cách rõ ràng, cụ thể cũng như có cơ chế bảo đảm thực thi quyền bề mặt là hết sức cần thiết. Chế định quyền bề mặt sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể phân lớp, lựa chọn khoảng không gian có nhu cầu sử dụng để khai thác tập trung, có hiệu quả, tránh lãng phí; giúp giải quyết được “bài toán khó” về việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng…
 |
 |
Tại Hội thảo, nhiều đề xuất, giải pháp được đưa ra nhằm góp phần định hướng sửa đổi pháp luật đất đai, tháo gỡ khó khăn để quy định về quyền bề mặt được thực thi hiệu quả trong thực tiễn, có thể kể đến như: Cần phải có cơ chế ghi nhận và bảo vệ quyền của chủ thể có quyền bề mặt theo hướng tuân thủ lý thuyết về vật quyền và bảo đảm sự thống nhất với Bộ luật Dân sự; quy định minh thị quyền bề mặt là tài sản (bất động sản) tương tự như quyền sử dụng đất, được thực hiện chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để lại thừa kế, cho thuê, cho mượn, thế chấp, góp vốn bằng chính quyền về mặt (mà không chỉ là tài sản được tạo lập trên bề mặt); xác định rõ phạm vi không gian của quyền bề mặt (việc xác định có thể căn cứ vào các yếu tố như quy hoạch sử dụng đất từng khu vực…, phạm vi này cần được thể hiện trên bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính); quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người có quyền sử dụng đất trong mối quan hệ với chủ thể có quyền bề mặt cũng như chủ thể có vật quyền khác (quyền địa dịch, quyền hưởng dụng); quy định về việc xây dựng, thực hiện cơ sở dữ liệu có liên quan đến quyền bề mặt như quy hoạch bề mặt, khung giá, giá từng vị trí khoảng không trên bề mặt, trong lòng đất; quy định chủ thể có quyền bề mặt phải đăng ký và quy định quy trình, thủ tục, ban hành các mẫu hồ sơ, phí, lệ phí… cơ chế đăng ký đối với quyền bề mặt;…
Uyên Nhi