Tại Hội thảo, các đại biểu đã bàn luận về các vấn đề chính như nhận định về tư pháp, quyền tư pháp và việc phân công, phối hợp, kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp.
Phân tích sâu hơn về vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp thì ở đó tồn tại các ý kiến có những điểm tương đồng, bổ sung cho nhau và những điểm khác biệt, chẳng hạn như: (i) Cần phân biệt giữa hoạt động tư pháp và quyền tư pháp: Hoạt động tư pháp gồm nhiều hoạt động khác nhau để giúp thực hiện quyền tư pháp, còn quyền tư pháp là quyền xét xử, đưa ra phán quyết cuối cùng; (ii) Quyền tư pháp và quyền xét xử không đồng nhất với nhau, bởi quyền tư pháp ngoài quyền xét xử còn bao gồm các quyền khác; (iii) Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp; (iv) Tòa án chỉ là cơ quan có vai trò chính, chủ yếu thực hiện quyền tư pháp. Bên cạnh đó, còn có những vấn đề đáng lưu ý đó là hiện nay, một số hoạt động không của Tòa án nhưng lại có bản chất như là phán quyết (ví dụ như quyết định xử phạt vi phạm hành chính), do đó, có ý kiến cho rằng, cần có lộ trình đưa những vấn đề có tính phán quyết chuyển cho Tòa án, trong trường hợp chưa thể chuyển được thì cần xử lý theo hướng bán tư pháp, tức là, cơ quan ra “phán quyết” không phải là Tòa án nhưng về thủ tục thì phải theo thủ tục tài phán.
Về vấn đề phối hợp trong thực hiện quyền tư pháp, có ý kiến cho rằng, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về nguyên tắc phối hợp, nhưng các luật lại chưa thực sự cụ thể hóa được nội dung này, tức là đã thiếu cơ chế phối hợp cụ thể về phượng tiện pháp lý. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, “phối hợp” ở đây cần được hiểu là “hỗ trợ”, không phải là “đồng thuận” và người chủ trì phải được quyền quyết định để tránh tình trạng vì sự “phối hợp” của cơ quan khác mà gây khó khăn trong việc quyết định của đơn vị chủ trì thực hiện.
Về kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp, cần thống nhất rằng, kiểm soát ở đây là kiểm soát quyền lực, không phải là kiểm soát hành vi. Đối với việc thực hiện kiểm soát của Quốc hội cũng đã tồn tại những hạn chế như dù quy định Quốc hội có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Tòa án nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội nhưng cho đến nay chưa có một văn bản nào bị bãi bỏ hoặc đình chỉ, trong khi đó, hoạt động bãi bỏ là hoạt động tài phán, còn ban hành văn bản là hoạt động nghị sự nên việc bãi bỏ này là không phù hợp; bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến tại Hội thảo thì một số hoạt động cụ thể thực hiện việc kiểm soát của Quốc hội như hiện nay có thể được coi là đã can thiệp vào việc xét xử của Tòa án, do đó, điều này cần được xem xét, chỉnh lý để đảm bảo tính độc lập tư pháp.
Về kiểm soát của Chính phủ đối với tư pháp (Tòa án), nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện kiểm soát quyền lực của Chính phủ đối với Tòa án là chưa đủ mạnh, chưa thực chất, thậm chí có quan điểm còn cho rằng là “chưa có gì”. Điều này được thể hiện khá rõ khi trong quy định của các luật thì thẩm quyền, vai trò của Chính phủ trong quản lý, quy định về cán bộ, công chức, viên chức, các chế độ, chính sách đối với đội ngũ này… đã bị thu hẹp, thiếu thực chất so với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Vấn đề quản lý tổ chức và con người là thuộc hệ thống hành pháp, cho nên cần được tách ra khỏi hệ thống Quốc hội, Tòa án.
Một trong những đề xuất của Hội thảo đối với vấn đề kiểm soát quyền tư pháp rất đáng được quan tâm đó là cần cải cách triệt để mô hình Viện kiểm sát chuyển thành Viện công tố, hoạt động độc lập nhưng thuộc Chính phủ.