Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra thách thức không nhỏ về pháp lý đối với Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Tại Hội thảo này, các đại biểu đề cập đến một số khía cạnh về sở hữu, hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Những ý kiến, bình luận nhằm hướng tới mục đích nhận diện rõ về bản chất của sự vật, hiện tượng phát sinh dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, hiện trạng hệ thống pháp luật điều chỉnh tại Việt Nam (đã có hay chưa; có bất cập, hạn chế nào…), đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật trong tương lai (trước mắt, lâu dài). Theo đó, một số nội dung nổi bật được nêu và bàn luận tại Hội thảo như:
- Về “tài sản mã hóa”:
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành nên các loại “tài sản” phi truyền thống và có nhiều tên gọi khác nhau như “tài sản ảo”, “tiền ảo”, “tiền mã hóa”, “tiền kỹ thuật số”... (gọi chung là tài sản mã hóa). Dưới góc độ kỹ thuật, tài sản mã hóa có một số đặc tính cơ bản như: Vô hình, được xác thực thông qua mã hóa, sử dụng công nghệ sổ cái phân tán, phi tập trung, được điều chỉnh bởi nguyên tắc đồng thuận. Dưới góc độ pháp lý, thuật ngữ “tài sản” không được dùng để chỉ một vật hữu hình hay vô hình, nó chỉ phản ánh quan hệ pháp lý gắn với vật đó, tức là mối quan hệ giữa một người với một vật (vật quyền).
Tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tài sản mã hóa cần được quan niệm là tài sản. Bởi lẽ, tài sản suy cho cùng cũng chính là hướng tới giá trị lợi ích, bất kể đối tượng nào mang lại giá trị lợi ích thì đều có thể là tài sản. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam thì chưa nên coi đây là phương tiện thanh toán hợp pháp. Để quản lý và phát huy giá trị của tài sản mã hóa thì có thể chia tài sản này thành 02 loại: Có tính chất giống với chứng khoán và có tính chất như một loại hàng hóa. Như vậy, nếu một giao dịch mà một bên trao tài sản mã hóa, còn một bên trao nhà, ô tô… thì đây chỉ là giao dịch trao đổi hàng hóa mà không phải là giao dịch mua bán.
Chính vì vậy, các đại biểu kiến nghị cần sửa đổi quy định về tài sản trong luật thực định hay phải có quan niệm nhất quán điều chỉnh pháp luật theo hướng coi “tài sản mã hóa” là tài sản.
- Về dữ liệu cá nhân: Có thể thấy, pháp luật hiện hành chưa khẳng định rõ ràng dữ liệu cá nhân có phải là tài sản hay không, mặc dù trên thực tế, dữ liệu cá nhân vẫn có thể được coi là một loại tài sản vô hình, có giá trị kinh tế và con người có thể nắm giữ, chi phối. Do đó, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận, từ chỗ coi quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền nhân thân sang tư duy là quyền đối với một loại tài sản.
- Về bảo hộ quyền tác giả đối với đối tượng do trí tuệ nhân tạo tạo ra: Đối với nội dung này thì vấn đề được đặt ra là các sản phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo có được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay không và nếu được bảo hộ thì chủ thể nào sẽ nắm giữ các quyền sở hữu trí tuệ này. Trên thế giới, vấn đề này còn có những cách nhìn nhận khác nhau. Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng do trí tuệ nhân tạo tạo ra. Chính vì vậy, trong tương lai, chúng ta cần đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật từ những nghiên cứu, đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các thành tựu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này.
Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu còn có những đánh giá, bình luận về các vấn đề khác như mô hình 3D, hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.