Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo được chia thành 02 phiên: (i) Phiên thứ nhất về tổng quan đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số. PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Trương Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội; ThS. Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Luật Việt Nam đồng chủ trì Phiên thứ nhất. (ii) Phiên thứ hai về đào tạo các học phần - sự tác động của chuyển đổi số. PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Trương Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội; ThS. Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Luật Việt Nam đồng chủ trì Phiên thứ hai.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đã đặt ra nhiều vấn đề mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo chuyên ngành luật như: sự xuất hiện về các vấn đề pháp lý mới; yêu cầu kỹ năng công nghệ số dành cho người học luật sử dụng công nghệ legaltech, phần mềm phân tích dữ liệu, các công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo để nghiên cứu, thực hành pháp lý hiệu quả hơn… Do đó, việc thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích hợp các nền tảng trực tuyến, mô phỏng pháp lý và trải nghiệm thực tế ảo, phát triển tư duy pháp lý linh hoạt và sáng tạo… là mục tiêu mà các cơ sở giáo dục, đào tạo luật hướng tới. PGS.TS. Trần Quang Tiến mong muốn, Hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi ý tưởng và khuyến khích tư duy sáng tạo, các ý kiến và kết quả tại Hội thảo có thể được sử dụng để định hướng chính sách đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các thầy giáo, cô giáo là giảng viên của các trường đại học, cơ sở đào tạo chuyên ngành luật, các chuyên gia chia sẻ về nội dung: (i) đào tạo luật trong điều kiện số hóa - một số vấn đề lý luận và thực tiễn; (ii) vai trò của việc xây dựng khung năng lực số cho sinh viên ngành luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam; (iii) chuyển đổi số trong đào tạo ngành luật trình độ đại học tại Việt Nam - thực trạng và một số giải pháp; (iv) giảng dạy luật dân sự trong bối cảnh chuyển đổi số - một số vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện; (v) giảng dạy luật hình sự trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay - thách thức và giải pháp; (vi) luật cạnh tranh và chuyển đổi số - thách thức và cơ hội trong đào tạo.
TS. Lê Văn Bính, Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lê Văn Bính, Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, công nghệ số tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển của giáo dục nói chung và đào tạo chuyên ngành luật nói riêng. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ số vào các hoạt động giáo dục (dạy và học) còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như kỹ năng, khả năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của cả người dạy và người học, nhận thức và tài chính phục vụ cho công tác chuyển đổi số còn hạn chế… do đó, các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực pháp lý cần xây dựng một lộ trình phù hợp với đơn vị mình, với mục tiêu đổi mới.
Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc sử dụng các công cụ công nghệ số trong giảng dạy không chỉ giúp tăng sự tương tác và tham gia của sinh viên mà còn giúp nâng cao hiệu quả của quá trình học tập. Hiện nay, nguồn tài liệu, học liệu phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu ngành luật rất đa dạng, phong phú gồm tài liệu giấy, tài liệu điện tử, tài liệu số được kết nối và chia sẻ từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế, tài liệu không chỉ tập trung vào giáo trình, văn bản luật, sách chuyên khảo, luận văn, luận án… mà còn có cả tình huống pháp luật, các loại hợp đồng, bản án, án lệ… do đó, để việc giảng dạy đạt hiệu quả, các giảng viên cần thường xuyên cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu, nhất là nguồn tài liệu điện tử, giáo án điện tử, sách điện tử vào giảng dạy và nghiên cứu, giúp sinh viên truy cập tài liệu một cách dễ dàng, hiệu quả và tiết kiệm. Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với nguồn tài liệu phong phú mà còn phát triển các kỹ năng công nghệ số cần thiết cho công việc trong tương lai.
Trao đổi tại Hội thảo, TS. Lưu Hải Yến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình thay đổi toàn diện từ cách tư duy, phương thức làm việc, quản lý của cá nhân, tổ chức, do đó, để thực hiện quá trình này đòi hỏi phải có sự thay đổi cả nhận thức và hành động của từng giảng viên, sinh viên, học viên cũng như những chủ thể có trách nhiệm quản lý, các cơ sở giáo dục, đào tạo. TS. Lưu Hải Yến cũng nêu lên một số khó khăn trong chuyển đổi số việc dạy và học như: khó khăn liên quan đến hạ tầng và các thiết bị hiện đại; khó khăn liên quan đến kỹ năng nghiệp vụ, tư duy và khả năng thích ứng với chuyển đổi số của giảng viên và học sinh; khó khăn liên quan đến chi phí đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nguồn nhân lực công nghệ số phục vụ công tác giảng dạy… Do đó, các cơ sở đào tạo cần bảo đảm các điều kiện tối thiểu về điều kiện học tập trong môi trường số, thường xuyên đào tạo, nâng cao khả năng sử dụng các thiết bị số, ứng dụng số và phương pháp dạy học hiện đại cho đội ngũ giảng viên… Đồng thời nên có các biện pháp nhằm khuyến khích sự sáng tạo, năng động, chủ động của giảng viên như tổ chức các cuộc thi về phương pháp giảng dạy hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khen thưởng kịp thời những giảng viên có sự đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy trong môi trường số…
Trao đổi tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những lợi thế, ưu điểm, việc sử dụng công nghệ trong việc truy cập, tra cứu thông tin cũng cần phải có sự rà soát, kiểm tra trước khi sử dụng thông tin, tránh trường hợp thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chưa rõ ràng hoặc chưa được kiểm chứng… Bên cạnh đó, công nghệ số góp phần hỗ trợ, giúp cho việc dạy và học được thuận tiện hơn, hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn, tuy nhiên, việc giao lưu, trao đổi, chia sẻ trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên cũng đem lại những giá trị nhất định cho cả người dạy và người học mà công nghệ số không thể thay thế được. Dó đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo luật cũng cần cân đối, hài hòa trong việc ứng dụng công nghệ số vào việc đào tạo trực tiếp và trực tuyến để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho đất nước.
Minh Trí