Tham dự hội thảo gồm có các chuyên gia đến từ Viện Nhà nước và pháp luật, Chương trình Nhà nước và pháp quyền Châu Á; các chuyên gia pháp luật, nhà báo đại diện cho tổ chức, cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Bà Gisela Elsner - Giám đốc Chương trình Nhà nước và pháp quyền Châu Á và PGS. TS. Nguyễn Đức Minh - Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật đồng chủ trì hội thảo.
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của internet, truyền thông xã hội cũng phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của truyền thông xã hội đã mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội, nhờ có truyền thông xã hội mà con người có thể kết nối, trao đổi với nhau dễ dàng hơn, không phụ thuộc vào khoảng cách hay tình trạng sức khỏe... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, truyền thông xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng, cho xã hội bởi những thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, khả năng kiểm chứng thông tin và đạo đức của chủ thể đưa tin.
|
|
Hiện nay, số lượng người sử dụng truyền thông xã hội ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới rất lớn. Ngoài cá nhân thì đã có tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, thu thập ý kiến, thăm dò, tương tác với các đối tượng cần hướng tới, với người dân. Trước thực trạng đó, một câu hỏi được các đại biểu đề ra để thảo luận tại hội thảo là: Có cần phải ban hành một đạo luật riêng để quản lý truyền thông xã hội hay không?
Bàn về vấn đề này, đại biểu Alfatika Aunuriella Dini đến từ Khoa Luật, Trường đại học Gadjah Mada, Indonesia cho rằng không cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh truyền thông xã hội, vì truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ và thay đổi liên tục. Nhà nước có thể quản lý các vấn đề về truyền thông xã hội thông qua các luật chuyên ngành. Đại biểu cũng chia sẻ, ở Indonesia các quan chức nhà nước thường sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ để kết nối với người dân như chia sẻ thông tin, thu thập ý kiến, hoạt động lập pháp, vận động mang tính tương tác và huy động cử tri. Với cơ quan nhà nước, “LAPOR” là ứng dụng truyền thông xã hội đầu tiên được nhà nước phát triển để thực hiện xử lý báo cáo và đã được áp dụng ở hơn 400 cơ quan của Chính phủ ở Indonesia. Đây là nền tảng truyền thông xã hội được thiết kế riêng cho hệ thống xử lý báo cáo, hoạt động như một phương tiện trung gian giữa công dân và các cơ quan nhà nước.
|
|
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm, đó là vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia mạng xã hội. Khi một người dân tham gia mạng xã hội, có rất nhiều thông tin cá nhân có thể bị rò rỉ khi họ đăng tải các dòng trạng thái hay khi tham gia giao dịch, mua bán qua các mạng xã hội. Các thông tin đó có thể là ngày tháng năm sinh, nơi học tập, nơi làm việc, địa chỉ gia đình, các thành viên trong gia đình… thậm chí là cả thông tin về thẻ tín dụng. Tất cả những thông tin đó nếu bị lợi dụng để sẽ ảnh hưởng đến bản thân người sử dụng, gia đình, bạn bè họ. Như vậy, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia truyền thông xã hội là vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.
Vinh Nguyễn