Các báo cáo tham luật tại Hội thảo đã tập trung trao đổi một số vấn đề trong Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình hiện nay vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau như: Chế định kết hôn; chế định tài sản chung của vợ chồng; chế định ly thân; chế định mang thai hộ…
1. Về chế định kết hôn
1.1. Về độ tuổi kết hôn
Hiện nay, Dự thảo Luật đưa ra hai phương án: Phương án 1: Nam, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên; Phương án 2: Nam từ đủ hai mươi tuổi, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên;
Đa số các ý kiến của đại biểu đều thống nhất lựa chọn Phương án 2 như Luật hiện hành, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải quy định thêm cụm từ “từ đủ” 20 tuổi với nam, 18 tuổi với nữ trong điều luật. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều chỉ rõ sự hợp lý trong việc các nhà làm luật khi xây dựng Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình đã áp dụng các căn cứ và các quy định của Bộ Luật dân sự về: Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân (Mục 1 Chương 3 – Cá nhân) cụ thể các quy định về: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân (Điều 17); Nguời thành niên, người chưa thành niên (Điều 18); Năng lực hành vi dân sự của người thành niên (Điều 19) để xây dựng Dự thảo và kiến nghị có thêm cụm từ “từ đủ” là phù hợp, bởi lẽ, chỉ khi công dân đủ 18 tuổi, không bị mất, hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì mới có thể chủ động, tự mình tham gia vào các quan hệ xã hội, quan hệ pháp luật được.
1.2. Về chế định kết hôn đồng giới
Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều không đồng ý về chế định: Kết hôn đồng giới (mặc dù trên thế giới đã có một số nước thừa nhận), vì quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở Việt Nam và không đồng ý với việc xây dựng các quy định của luật chung chung như: “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, mà nên xây dựng điều luật rõ ràng, cụ thể theo hướng “cấm” hoặc “không cấm”, đã “không thừa nhận” cũng có nghĩa là “cấm” và như vậy phải có “chế tài” để xử lý một quan hệ không được pháp luật thừa nhận.
Việc kết hôn đồng giới cũng sẽ dẫn tới rất nhiều hệ quả phức tạp mà pháp luật và xã hội sẽ rất khó giải quyết như: Việc phân chia tài sản giữa những người đồng giới khi không còn chung sống, việc những người đồng giới khi sống chung với nhau nhận nuôi con nuôi, chăm sóc con nuôi sẽ như thế nào? có đảm bảo cho đứa trẻ khi được nhận nuôi phát triển theo đúng quy luật của tạo hóa đã sinh ra hay không? có xẩy ra tình trạng lạm dụng, buôn bán trẻ em hay không? trong trường hợp người đồng giới đang có thời gian sống cùng nhau, nhưng một trong hai người lại “trở lại với bản năng giới tính vốn có khi sinh ra” và có tình cảm với “người khác giới” và đi đến việc kết hôn theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ giải quyết ra sao?
2. Về chế định tài sản chung vợ chồng
Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình đã có những quy định tiến bộ như: Vợ chồng có thể thỏa thuận phân chia tài sản trước khi kết hôn (khoản 1 Điều 26i - Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, hoặc phân chia theo quy định của pháp luật). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc quy định phân chia tài sản theo thỏa thuận trước khi kết hôn là chưa phù hợp vì trước khi kết hôn, vợ chồng thường không có tài sản hoặc có tài sản nhưng rất ít thì việc phân chia tài sản theo thỏa thuận sẽ không có ý nghĩa nhiều trong việc giải quyết tranh chấp sau này nếu có.
3. Về chế định ly thân
Lần đầu tiên được ghi nhận trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, đây là điểm tiến bộ so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, điều này đã phần nào thể hiện được chính sách của Nhà nước ta trong việc tôn trọng quyền của công dân, đặc biệt là tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng nếu có mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, nhưng họ lại không muốn ly hôn, và họ cần có thời gian để suy ngẫm, nhìn nhận lại tình cảm và quan hệ vợ chồng, tìm ra những khuyết điểm, lỗi của mỗi người, các bên vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình và thời gian ly thân đó sẽ có thể giúp họ xóa tan đi những xung đột và có thể hàn gắn trở về sống hòa thuận với nhau; mặt khác cũng để tránh cho những quyết định nông nổi của vợ chồng trong lúc nóng giận vội vàng đưa nhau ra Tòa án để yêu cầu xử việc ly hôn, nhưng sau khi đã được Tòa án xử cho ly hôn họ lại muốn về ở với nhau thì lại phải đăng ký lại “Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn (Khoản 2 Điều 11 – Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình). Đặc biệt, đưa chế định ly thân vào luật là giải pháp rất hữu ích cho cộng đồng người Công giáo vì theo giáo lý, họ không được phép ly hôn. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp sau một thời gian sống ly thân họ lại quay về sống với nhau cùng xây dựng hạnh phúc, nuôi dạy con cái.
Quy định về ly thân còn giúp làm minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện trong thời kỳ ly thân, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình.
4. Về chế định ly hôn
Nếu như Dự thảo luật quy định: Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký hộ tịch) thực hiện theo thẩm quyền, thủ tục quy định của pháp luật về hộ tịch (Điều 11 - Đăng ký kết hôn), nhưng theo quy định của luật hiện nay khi giải quyết ly hôn lại do cơ quan Tòa án giải quyết, đây cũng là điểm bất cập, nên chăng các nhà làm luật nên xem xét việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng thẩm quyền cho cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền – cơ quan hộ tịch đã công nhận đăng ký việc kết hôn thì có quyền thụ lý giải quyết việc ly hôn, xác định việc thuận tình ly hôn, hủy quyết định công nhận kết hôn đã cấp và xóa đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn; các vấn đề về tài sản, con cái sẽ thực hiện theo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Dân sự hiện hành.
5. Về chế định mang thai hộ
Đây có thể nói là vấn đề nhạy cảm nhất, phức tạp nhất nhưng cũng thể hiện tính nhân văn trong chính sách về gia đình của Nhà nước ta khi sửa đổi luật hôn nhân và gia đình. Việc quy định vấn đề mang thai hộ là thể hiện trách nhiệm của các cơ quan đối với đời sống xã hội của mỗi người dân, đặc biệt là những cặp vợ chồng hiếm muộn. Mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ có cơ hội làm cha, làm mẹ khi chế định này được quy định trong luật.
Dự thảo Luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng đây là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có cơ hội để thực hiện được quyền làm cha, làm mẹ. Đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này, nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng việc quy định như trong Dự thảo là chưa cụ thể, chi tiết và chưa chặt chẽ, thậm chí là chưa đúng với bản chất của mang thai hộ như: Người mang thai hộ phải là những người thân thích? Tuy nhiên nếu cặp vợ chồng đó là trẻ mồ côi thì ai là người thân thích, việc xác định người thân thích sẽ phải như thế nào? quyền thừa kế của trẻ mang thai hộ khi chưa được sinh ra, đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ nhưng bên nhờ mang thai hộ lại không nhận thì giải quyết như thế nào…
Ghi nhận sự đóng góp của các luật sư tại buổi Hội thảo này, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã khẳng định: Thông qua buổi Hội thảo này cho thấy vai trò của các Luật sư là rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng và quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung./.
Việt Tiến