Thời gian qua, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm, làm xuất hiện và phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế GIG. Kinh tế GIG có thể hiểu là một mô hình kinh tế mới với cách thức và việc làm dựa trên việc mọi người có công việc tạm thời hoặc làm các phần riêng biệt, mỗi phần việc này được trả lương riêng và không chỉ làm việc cho một nhà tuyển dụng.
Đánh giá về nền kinh tế GIG, các đại biểu tham dự Hội thảo chỉ ra những ưu điểm nổi bật như: Tạo sự linh hoạt trong công việc, người lao động có thể làm việc từ xa hoặc làm việc ở nhà; nền kinh tế GIG giúp các công ty tiếp cận lực lượng lao động có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc dễ dàng, linh hoạt hơn; nền kinh tế GIG được hình thành trên cơ sở các hợp đồng ngắn hạn, công việc làm tự do, tự quản, thay vì làm việc lâu dài, chịu sự kiểm soát, trả lương thường xuyên… nên các dịch vụ rẻ hơn, hiệu quả hơn…
![](/uploads/images/2021/10/gig%203.jpg) |
![](/uploads/images/2021/10/gig%204.jpg) |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích những hạn chế của nền kinh tế GIG. Theo đó, xu hướng nền kinh tế GIG có thể khiến nhân viên toàn thời gian khó phát triển toàn diện trong sự nghiệp vì nhân viên tạm thời thường nhận lương rẻ hơn và linh hoạt hơn về khả năng tuyển dụng. Tính linh hoạt trong nền kinh tế GIG đồng nghĩa với việc người lao động phải sẵn sàng săn lùng hợp đồng tiếp theo, khiến cho sự an toàn của một công việc có lương thưởng ổn định, các thói quen hàng ngày đặc trưng cho công việc bị xóa bỏ. Người lao động phải gánh chịu nhiều hơn rủi ro thị trường đối với những thăng trầm kinh tế, xu hướng thay đổi và sở thích của người tiêu dùng hơn trước do tính chất lỏng lẻo của các giao dịch và mối quan hệ kinh tế; mối quan hệ lâu dài giữa người lao động, người sử dụng lao động, khách hàng và nhà cung cấp bị xói mòn, điều này làm mất đi lợi ích từ việc xây dựng niềm tin lâu dài, thông lệ và sự quen thuộc với khách hàng và nhà tuyển dụng.
![](/uploads/images/2021/10/gig%207.jpg) |
![](/uploads/images/2021/10/gig5.jpg) |
Trước hiện tượng kinh tế mới này, nhiều học giả thuộc các chuyên ngành khác nhau đã nghiên cứu, phân tích, nhận diện và dự báo xu hướng của nền kinh tế GIG là một xu thế tất yếu trên thế giới và cả Việt Nam. Do đó, rất cần có những nghiên cứu chuyên sâu về các mối quan hệ phát sinh trong nền kinh tế GIG, từ đó ban hành hoặc sửa đổi các vấn đề pháp lý điều chỉnh, qua đó bảo vệ lợi ích cho các bên, đặc biệt là người lao động. Hội thảo đã nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, chuyên gia làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý liên quan tới nền kinh tế GIG./.
Vũ Hải Việt