Năng lượng tái tạo hay còn được gọi là năng lượng sạch, là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên được hình thành liên tục như ánh sáng mặt trời, gió thổi, nước chảy… Mặc dù năng lượng tái tạo còn là một khái niệm mới, một chủ đề mới nhưng lại là nguồn năng lượng hứa hẹn trong tương lai sẽ thay thế cho nguồn năng lượng “bẩn” và không thể tái tạo lại như than đá, khí đốt. Năng lượng tái tạo đang dần mở rộng một cách nhanh chóng ở cả những quy mô lớn và nhỏ phục vụ cho từng người dân. Mặc dù là nước có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhưng việc khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thực hiện chính sách và các quy định của pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo trong thực tế đời sống đã và đang bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, thiếu kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận liên quan đến việc phát triển năng lược tái tạo như: (i) Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta hiện nay và những vấn đề đặt ra; (ii) Những vấn đề lý luận về năng lượng tái tạo và pháp luật phát triển năng lượng tái tạo; (iii) Phát triển bền vững năng lượng tái tạo: Tiềm năng phát triển và những rào cản đối với Việt Nam; (iv) Thực trạng pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta hiện nay và kiến nghị hoàn thiện; (v) Đánh giá chính sách, pháp luật về thủy điện và đề xuất giải pháp hoàn thiện; (vi) Cơ chế mua bán điện FIT tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp;...
Các tham luận và các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ về tầm quan trọng của nguồn năng lược tái tạo, kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong xây dựng và phát triển năng lượng tái tạo, thực trạng rào cản về thể chế, rào cản pháp lý và rào cản kỹ thuật, sự cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam thời gian qua và hiện nay. Năng lượng tái tạo sẽ không thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với nguồn năng lượng thông thường cho đến khi có các chính sách, pháp luật mới được ban hành thông thoáng và một hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu thực tế trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình sản xuất năng lượng tái tạo.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng (trong đó có năng lượng sạch và năng lượng tái tạo), xác định ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong và ngoài nước. Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phải rà soát các quy định của pháp luật không còn phù hợp, là rào cản đối với phát triển năng lượng tái tạo, bên cạnh đó cần phải thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo thành chính sách, pháp luật mới phù hợp với thực tiễn, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo.