Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn luận về những vấn đề như vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, sự phối hợp giữa các phương tiện thông tin đại chúng với Ngành Tư pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và giải pháp nhằm phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác này.
Bên cạnh việc chia sẻ nhiều cách làm hay, hiệu quả, các đại biểu cũng đã nêu lên những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đưa ra giải pháp, kiến nghị hết sức tâm huyết, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này. Một số giải pháp có thể kể đến như:
- Cần có kế hoạch, phương án để có sự tương tác nhiều hơn và bền vững giữa Bộ Tư pháp với cơ quan thông tin đại chúng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Bộ Tư pháp (cụ thể là Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) đóng vai trò là trung tâm kết nối (chuyên gia pháp luật, luật sư), huy động nguồn lực xã hội để giúp cơ quan thông tin đại chúng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trên thực tế, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, trong khi đó, việc phổ biến pháp luật hiện nay thường mang tính chung chung, thuần túy mà hầu hết người dân lại có nhu cầu tư vấn về những tình huống, vụ việc cụ thể, hơn nữa, rất nhiều người dân còn có những khó khăn trong việc tiếp cận với các kênh phổ biến pháp luật của Nhà nước, nên họ đã lựa chọn gọi điện trực tiếp đến cơ quan thông tin đại chúng để được hướng dẫn, giải đáp. Do đó, cơ quan thông tin đại chúng rất cần đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư có uy tín để hỗ trợ tư vấn về những vướng mắc trong những vụ việc cụ thể của người dân (mặc dù hiện nay, nhiều luật sư cũng đã tham gia phối hợp tư vấn miễn phí, nhưng đội ngũ chuyên gia vẫn luôn cần được bổ sung).
- Bộ Tư pháp (cụ thể là Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) trực tiếp thực hiện tư vấn về những vụ việc cụ thể cho người dân, trực tiếp giải đáp trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật của các cơ quan thông tin đại chúng sẽ tạo được độ tin cậy cho người dân (vì đây là giải đáp của cơ quan nhà nước), đồng thời thể hiện được “tiếng nói” của Bộ Tư pháp (để thực hiện được việc này thì Bộ Tư pháp có thể cũng cần xây dựng riêng cho mình một đội ngũ chuyên gia hỗ trợ).
- Đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng pháp luật ngay từ khi còn nghiên cứu, dự thảo để định hướng dư luận kịp thời, tránh tình trạng luật bị vô hiệu hóa về sau.
- Bên cạnh việc khẳng định vai trò định hướng của các cơ quan báo chí chính thống, cũng cần tận dụng thế mạnh lan tỏa, tạo hiệu ứng truyền thông của mạng xã hội để truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Có cơ chế khen thưởng, động viên những nhà báo tích cực, có đóng góp quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, có thể tổ chức khen thưởng 05 năm một lần.
- Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, tạo độ chính xác, tin cậy cho các tin bài.