Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh, 30 năm qua (1986 - 2016) là một giai đoạn lịch sử quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp phát triển của dân tộc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đã thực sự đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, nền tảng để đổi mới toàn diện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân trong nước và quốc tế ghi nhận. Trong công cuộc đổi mới đó của đất nước, báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và chính báo chí cũng được hưởng những thành quả của đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí. Đồng thời, báo chí cũng đã tự đổi mới hoạt động để theo kịp sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Mặt khác, trước tình hình quốc tế diễn biến khó lường, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, báo chí cũng đang bộc lộ những bất cập, yếu kém, bên cạnh cơ hội mới, báo chí cũng đối mặt với nhiều thách thức phải vượt qua.
Nhằm kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới đất nước, đổi mới báo chí, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định rằng, việc tổ chức Hội thảo này là hết sức cần thiết, vừa có ý nghĩa chính trị sâu sắc, vừa mang đậm chất nghề nghiệp thiết thực và hữu ích. Theo đó, ông Thuận Hữu đề nghị các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận đánh giá những bài học kinh nghiệm thành công và những khuyết điểm, yếu kém; tư vấn, kiến nghị những giải pháp thiết thực, nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Trên cơ sở đó, góp phần thúc đẩy nền báo chí cánh mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
Trong bài phát biểu dẫn đề Hội thảo, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu lên thành tựu to lớn, những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong 30 năm qua, đồng thời chỉ ra những điểm còn hạn chế của báo chí, từ đó đề nghị Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề chính về lý luận và thực tiễn để tiếp tục phát huy thế mạnh và hạn chế khuyết điểm còn tồn tại của báo chí nước nhà.
Những thành tựu của báo chí: Nhìn lại chặng đường đất nước 30 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp quan trọng mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó, đội ngũ những người làm báo nước ta không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan định hướng tư tưởng, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, báo chí nước ta tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nội dung, hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú, công nghệ và phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần tích cựu vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Trong 30 năm qua, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, các chính sách phát luật và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ. Nhiều cơ quan báo chí tích cực chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhiều cơ quan báo chí phát huy ưu thế các ấn phẩm, chương trình bằng tiếng nước ngoài, đưa thông tin lên internet để phục vụ đồng bào ở xa Tổ quốc và bạn bè nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.
Mặt hạn chế của báo chí: Bên cạnh thành tích đạt được, những năm qua, báo chí cũng bộc lộ một số khuyết điểm như: Nhiều thông tin còn thiếu tính định hướng, nặng về mặt trái; khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm được khắc phục; còn nhiều thông tin vi phạm thuần phong, mỹ tục vẫn được một số ấn phẩm phụ, chuyên trang đăng tải; nhiểu chương trình liên kết của các đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội.
Những nội dung chính cần thảo luận: Trên cơ sở nhìn nhận thành tựu đã đạt được và những điểm còn hạn chế của báo chí, Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung cụ thể để từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại. Cụ thể:
Một là, tổng quan những vấn đề lý luận và nghiệp vụ báo chí, bao gồm những vấn đề: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về báo chí qua 30 năm đổi mới; vai trò và đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của đất nước; sự phát triển của lý luận báo chí 30 năm qua và những vấn đề đặt ra hiện nay (nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội đối với báo chí truyền thống); sự vận động và phát triển của các loại hình báo chí...
Hai là, những vấn đề thực tiễn hoạt động báo chí như: Về công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin, những sai phạm, bất cập thường gặp trong tác nghiệp, trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đối với báo chí, những kinh nghiệm và bài học nghiệp vụ trong tác nghiệp báo chí, xử lý mối quan hệ báo chí và mạng xã hội; những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay; xu hướng phát triển của báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam.
Ba là, những vấn đề đặt ra về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay, việc thực hiện 10 điều trong quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam vừa được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.
Sau đó, các đại biểu nghe phần trình bày tham luận, phát biểu ý kiến và trao đổi sôi nổi xoay quanh những nội dung chính nêu trên.