Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề như: Quyền của người khuyết tật - Khái quát những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn; Bảo đảm quyền của người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và những vấn đề đặt ra; Bảo đảm quyền của người khuyết tật trong pháp luật lao động Việt Nam; Bảo đảm quyền giáo dục của người khuyết tật - Một số thách thức ở Việt Nam; Bảo đảm quyền của người khuyết tật trong tư pháp hình sự Việt Nam; Quyền của người khuyết tật tự kỷ ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra.
Bàn về khái niệm khuyết tật, có ý kiến cho rằng, từ quy định khái niệm “khuyết tật” trong Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật có thể thấy, một điểm quan trọng là, “khuyết tật” không xuất phát từ bản thân những khiếm khuyết ở mỗi người mà chỉ xuất hiện khi có sự tương tác giữa những người mang khiếm khuyết với những rào cản trong cộng đồng. Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ở đây là nỗ lực xóa bỏ những rào cản xã hội chống lại tình trạng khiếm khuyết của bất kỳ ai. Bên cạnh đó, nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với nhân phẩm của tất cả mọi người bất kể tình trạng của họ, chúng ta có thể cân nhắc đến việc thay đổi cách gọi “người khuyết tật” bằng cụm từ chính xác hơn là “người sống chung với khuyết tật”.
Cũng theo Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật, người khuyết tật có những quyền cơ bản giống như những người không khuyết tật trong xã hội, trên tất cả các lĩnh vự dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Mặc dù các quyền cơ bản đó là của tất cả mọi người, song cần được áp dụng một cách phù hợp với đặc trưng dễ bị tổn thương của người khuyết tật. Ngoài ra, họ còn có một số quyền áp dụng riêng cho người khuyết tật dựa trên đặc thù của người khuyết tật như quyền được hòa nhập và hỗ trợ để hòa nhập vào cộng đồng; quyền được hỗ trợ trong việc đi lại, quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng.
Uyên Nhi