Khai mạc hội thảo, TS. Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật khẳng định: Mặc dù thời gian qua các thiết chế truyền thông đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tuy nhiên vẫn chưa phát huy mạnh mẽ được vai trò của mình. Điều này một phần xuất phát từ việc năng lực và sức mạnh của thiết chế truyền thông chưa được khai thác một cách toàn diện và bài bản, chưa được tiến hành thường xuyên nên chưa được nhiều người biết và hiểu rõ. Mặt khác, các quy định của pháp luật về thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân cũng chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong công tác bảo vệ quyền con người và quyền công dân, hay nói cách khác, thiết chế truyền thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hội thảo “Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam hiện nay” được tổ chức là nhằm mục đích tìm hiểu sâu hơn quan niệm, nhận thức cũng như thực trạng vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời lắng nghe các ý kiến tham luận, trao đổi về các vấn đề này của các chuyên gia, phóng viên, nhà báo… từ thực tiễn của tỉnh Thái Nguyên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về: Vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân; Thực trạng về công tác truyền thông bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tính hai mặt của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân…
Trong phần thảo luận tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Nguyên (Trưởng Phòng Phóng viên, Báo Thái Nguyên) cho biết: Báo Thái Nguyên là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tiếng nói của Đảng, chính quyền, diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thực hiện tôn chỉ mục đích của mình, Báo đã trở thành kênh thông tin hai chiều tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Về tổng thể, Báo Thái Nguyên luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị và phản ánh trực tiếp những vấn đề thời sự mang tính “hơi thở cuộc sống” đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhân dân. Để bảo đảm các quyền lợi cơ bản về quyền con người, quyền công dân, Báo đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục như: Hỏi đáp pháp luật, Công tác xã hội, Địa chỉ những tấm lòng từ thiện… Quan niệm và vấn đề giới hạn mà các phương tiện truyền thông được khai thác, đăng tải nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng chí Trần Quốc Nguyên cho rằng: Nếu các cơ quan quản lý báo chí mà quản lý quá chặt và cụ thể thì sẽ khó có thể có được những tác phẩm báo chí mang đậm “sắc màu của cuộc sống” ; tuy nhiên nếu buông lỏng quản lý sẽ dẫn đến tình trạng các trang báo đăng tải các bài viết mang tính chất “thị trường”, “câu khách”, chủ yếu nhằm gợi tính tò mò của bạn đọc, mà không mang giá trị nhân văn cao đẹp.
Hội thảo cũng được nghe báo cáo tham luận của đồng chí Lê Huy Hòa (Trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên) liên quan đến tính hai mặt của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Theo đó, đồng chí Lê Huy Hòa khẳng định: Các thiết chế truyền thông đại chúng luôn chịu sự tác động từ hai phía: Thứ nhất là của pháp luật, của các cơ quan quản lý mà thiết chế truyền thông là công cụ; thứ hai là từ công chúng báo chí. Hiệu quả hoạt động báo chí phụ thuộc trực tiếp vào các mối liên hệ ấy. Thực tế cho thấy hiện nay báo chí ngày càng tham gia trực tiếp vào việc tuyên truyền về quyền con người một cách chính diện và dân chủ hơn. Đài PTTH Thái Nguyên trong những năm qua với sự phát triển mạnh mẽ đã đổi mới các chương trình truyền hình, nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo tính thời sự, thông tin nhiều chiều, đáp ứng được nhu cầu về thông tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó các phóng sự truyền hình của chương trình Thời sự và Hộp thư truyền hình luôn là những tác phẩm có tính giám sát và phản biện xã hội cao, tập trung tuyên truyền về con người, thực hiện quyền con người, bảo vệ con người thu hút chú ý của khán giả xem truyền hình. Cuối cùng, đồng chí Lê Huy Hoàng khẳng định: Nhà báo phải là người tỉnh táo khi xử lý hài hòa các vấn đề mà công chúng báo chí gợi mở nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật và tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí mình công tác; đồng thời cần lắng nghe dư luận, phân biệt được giữa dư luận xã hội và tin đồn để có những tác phẩm có giá trị, gần gũi với công chúng.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cho rằng, vấn đề quyền con người xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các phương tiện truyền thông chính là công cụ hữu hiệu và mạnh mẽ tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên có những hoạt động liên kết với Báo Thái Nguyên, Đài PTTH Thái Nguyên xây dựng các kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ý kiến phát biểu của TS. Dương Văn Hậu (Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật), ThS. Phan Hoàng Ngọc (Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên), ThS. Đinh Xuân Quang (Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên), ThS. Lưu Bình Dương (Khoa Luật - Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên) và một số ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đã làm sâu sắc hơn vai trò của các thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời nhấn mạnh yếu tố đạo đức và pháp luật là hai yếu tố lớn chi phối các nhà báo, những cán bộ làm công tác truyền thông. Để có được các tác phẩm báo chí, các sản phẩm truyền thông phản ánh chính xác, khách quan sự vật, hiện tượng, vừa hấp dẫn người dân, lại vừa có giá trị tư tưởng, nhân văn đòi hỏi bản thân những người làm truyền thông cũng cần được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về vấn đề quyền con người, quyền công dân.
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Đặng Vũ Huân cho rằng, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự nở rộ của các trang mạng xã hội thì truyền thông với vai trò định hướng dư luận xã hội ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Việc xây dựng một thiết chế truyền thông đủ mạnh để bảo vệ quyền con người, quyền công dân đòi hỏi không chỉ có sự nỗ lực, cố gắng từ phía Nhà nước, từ phía những người làm công tác truyền thông, báo chí, mà còn cần sự đồng thuận của chính người dân - những công chúng báo chí. Cuối cùng, TS. Đặng Vũ Huân gửi lời cảm ơn đến những đại biểu đã tham dự hội thảo và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ là căn cứ để nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung đề tài.
Quỳnh Vũ