Phát biểu khai khạc hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành Tư pháp cho biết, để xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần ưu tiên thực hiện đến năm 2025 nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021 - 2030 đã được xác định tại Quyết định số 1895/QĐ-BTP ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của Ngành Tư pháp đến năm 2025. Ông Nguyễn Đỗ Kiên hy vọng rằng, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận sôi nổi, trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến hữu ích để góp phần hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch, trong đó chú trọng các mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao bình đẳng giới trong công tác trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở theo chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu của Bộ, Ngành Tư pháp.
Dự thảo Kế hoạch đã xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới cần hoàn thành đến năm 2025 để xác định các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện phù hợp; các nhiệm vụ, giải pháp phải mang tính khả thi, rõ trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở gắn kết hài hòa, chặt chẽ, bảo đảm bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được quy định tại Quyết định số 1895/QĐ-BTP, Quyết định số 127/QĐ-BTP ngày 27/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 của Ngành Tư pháp và lồng ghép một cách đồng bộ, nhất quán vào các chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, Ngành Tư pháp. Đồng thời, việc Dự thảo Kế hoạch xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về bình đẳng giới cần hoàn thành đến năm 2025 góp phần tạo tiền đề cho việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới đến năm 2030 theo sự phân công của Chính phủ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để nữ giới và nam giới thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bảo đảm bình đẳng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở của nạn nhân bạo lực gia đình, cần có sự phân tích đánh giá về tình hình và kết quả lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác trợ giúp pháp lý và công tác hòa giải cơ sở. Theo đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá về bình đẳng giới trong công tác trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở; đồng thời, thảo luận về những mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao bình đẳng giới trong công tác trợ giúp pháp lý và hoà giải cơ sở gắn với việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới của Ngành Tư pháp đến năm 2025 trong Dự thảo Kế hoạch về bình đẳng giới của Ngành Tư pháp đến năm 2025.