Sự cần thiết thực hiện khảo sát thực trạng thi hành các quy định về tội phạm môi trường ở Việt Nam
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Điều này đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành pháp luật về môi trường trên thực tế, trong đó có hoạt động thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm môi trường, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Bộ luật Hình sự với tư các là công cụ pháp lý quan trọng nhất trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Xuất phát từ yêu cầu khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực thi các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội phạm môi trường, cũng như đáp ứng yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thể chế hóa đầy đủ quản điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung khá toàn diện các quy định về tội phạm môi trường.
Trong những năm gần đây, xuất phát từ mặt trái của việc phát triển kinh tế thị trường, tình hình vi phạm pháp luật môi trường nói chung, tội phạm về môi trường ở Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang có sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nói chung, trong đó có công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội về môi trường nói riêng, bên cạnh những kết quả bước bầu đạt được, còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Thực trạng
Tại hội thảo các đại biểu đại diện cho các cơ quan như Nhóm nghiên cứu - Viện Khoa học pháp lý, Tổng cục Môi trường, Cục Cảnh sát môi trường lần lượt trình bày các tham luận về tình hình tội phạm môi trường liên quan đến đối tượng họ quản lý.
Trước hết, đại diện Nhóm nghiên cứu - Viện Khoa học pháp lý trình bày kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu trên địa bàn 02 tỉnh Hải Phòng và Cà Mau. Mục tiêu của cuộc khảo sát nhằm làm rõ thực trạng thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (bổ sung năm 2009) về tội phạm môi trường, qua đó đánh giá công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội phạm môi trường, từ đó kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm môi trường trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp theo đại diện Tổng cục Môi trường trình bày tham luận về công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường liên quan tới hầu hết các nhóm đối tượng trong xã hội, nên mặc dù có hệ thống quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, tuy nhiên những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra thường xuyên trên nhiều lĩnh vực. Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra tại hầu hết các hoạt động sản xuất, sinh hoạt như trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhập khẩu, y tế và sinh hoạt. Hoạt động thanh, kiểm tra được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát hiện và giải quyết kịp thời những vướng mắc, khắc phục các vi phạm về bảo vệ môi trường, bảo đảm pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng trên khắp cả nước. Hoạt động thanh, kiểm tra cũng góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong thực hiện quyền và nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, phát hiện những vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, từ đó có những đề xuất, kiến nghị điều chỉnh các quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy phạm. Trong giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 4.197 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước, phát hiện và xử phạt đối với các tổ chức vi phạm với số tiền phạt trên 226 tỷ đồng; xử lý, đình chỉ đối với 38 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tước giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại đối với 06 đơn vị. Hoạt động thanh, kiểm tra thời gian qua cho thấy các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường tập trung vào các nhóm hành vi sau: Vi phạm về hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường; vi phạm về thải chất thải chưa qua xử lý hoặc không đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường; vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, vi phạm về quản lý môi trường khác. Tham luận đã nêu ra nguyên nhân của các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, những khó khăn, vướng mắc trong thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
Đại diện Cục Cảnh sát môi trường trình bày tham luận về công tác phát hiện, xử lý tội phạm môi trường ở Việt Nam hiện nay. Theo ông, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong lĩnh vực môi trường: Nhiều cơ sở sản xuất không thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có xây dựng nhưng không vận hành để giảm chi phí… Trong lĩnh vực tài nguyên: hoạt động khai thác cát, sỏi, vàng, đá trái phép vẫn dẫn ra nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Vi phạm chủ yếu là khai thác ngoài khu vực được cấp phép, vượt độ sâu… Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: tình hình vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến với tính chất, mức độ, quy mô phức tạp , ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng người dân… Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ , Bộ Công an đã quyết định thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường thực hiện chức năng , nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên cả nước . Việc ra đời lực lượng Cảnh sát môi trường thể hiện rõ sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường , đáp ứng sự kì vọng của nhân dân. Qua 10 năm hoạt động, lực lượng Cảnh sát môi trường đã đạt được những kết quả: Trước hết, đã nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và đề xuất ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an và trực tiếp ban hành nhiều kế hoạch, điện chỉ đạo đấu tranh chuyên đề gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Kết quả từ năm 2013 đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện, điều tra, khám phá trên 71.375 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên, an toàn thực phẩm; chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khởi tố trên 1.210 vụ, 1.829 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 47.874 vụ, phạt tiền trên 787.079 tỷ đồng... Tham luận cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý đối với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Qua đó, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong thời gian tới.
Đại diện Toà án nhân dân thành phố Hà Nội trình bày tham luận về thực tiễn công tác xét xử của Toà án đối với các tội phạm môi trường. Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tiếp tục có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Số lượng các vụ án về môi trường được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử đã tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng so với tình hình thực tế thì tỷ lệ còn thấp và chưa đáp ứng nhu cầu phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Tham luận đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc xét xử các tội phạm về môi trường, đồng thời nêu bật nguyên nhân của những khó khăn và vướng mắc đó; công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 2015; công tác hướng dẫn xét xử của Toà án đối với tội phạm môi trường và Bộ luật Hình sự năm 2015; đề xuất, kiến nghị những giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành các quy định Bộ luật Hình sự về tội phạm môi trường trong thời gian tới.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu về những chia sẻ rất thực tế thực trạng tình hình tội phạm môi trường hiện nay, góp phần hoàn thiện công tác chuẩn bị và những điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm môi trường.