Tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội là một vấn đề còn khá mới mẻ không chỉ ở Việt Nam và cả trên thế giới. Tại các văn bản luật của Việt Nam, chưa có quy định chính thức nào quy định về tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội mà chỉ có quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đại biểu tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng, xây dựng tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội là điều rất khó khăn, nhưng chúng ta cần phải làm và có thể làm được. Có đại biểu còn cho rằng, chúng ta chưa nên cầu toàn mà có thể bước đầu chỉ xây dựng mang tính tương đối và đi từng bước để hoàn thiện dần. Từ những nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn trong nước và một số nước trên thế giới, các đại biểu cũng đã đưa những nhận xét và gởi mở nhiều giải pháp, kinh nghiệm có giá trị tham khảo để xây dựng tiêu chí đánh giá này. Cụ thể:
Theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, ở nghĩa hẹp thì pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chí hoạt động của người đại biểu, nhưng về nguyên tắc, tất cả các quy định của pháp luật đề cập đến hoạt động và liên quan đến hoạt động của đại biểu đều góp phần khắc họa nên tiêu chí đánh giá hoạt động của người đại biểu. Ở một mức độ nào đó, tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng là tiêu chí đánh hoạt động của họ. GS.TS. Nguyễn Đăng Dung cũng nhấn mạnh, cần coi làm đại biểu như là một nghề, phải có đạo đức nghề nghiệp, mọi hoạt động phải nhằm vào mục đích tôn trọng quyền con người, không nên đảm nhiệm các công việc xung đột lợi ích với nhau. Ngoài ra, ông còn cho biết, việc đánh giá hoạt động của người đại biểu không ai chính xác bằng cử tri, được bầu làm đại biểu khóa tiếp theo là một tiêu chí chính xác nhất cho việc đánh giá chất lượng hoạt động của người đại biểu, dù rằng vẫn có trường hợp ngoại lệ. Việc đưa ra khái niệm cùng nội hàm của những tiêu chí rất khó có thể thống nhất, nhưng ở cấp độ sơ thảo có thể đưa ra định nghĩa về tiêu chí đánh giá hoạt động đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân như sau: Tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu là những yêu cầu, những đòi hỏi mà trong quá trình hoạt động làm nhiệm vụ đại biểu người đại biểu phải đáp ứng. Đáp ứng được các tiêu chí sẽ là phần thưởng cho đại biểu ứng cử vào nhiệm kỳ sau và trong trường hợp ngược lại sẽ là những cơ sở cho việc bãi miễn đại biểu.
GS.TS. Phan Trung Lý thì khẳng định, dù chúng ta chưa có quy định chính thức về tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc Hội và từ “đánh giá” gần như không xuất hiện ở các văn bản, nhưng chúng ta vẫn có đánh giá đại biểu Quốc hội. Việc đánh giá này chủ yếu được thông qua sự tín nhiệm của nhân dân. Có đánh giá chính thức và phi chính thức: Đánh giá chính thức được thể hiện qua các báo cáo, qua việc tiếp xúc cử tri, lấy phiếu tín nhiệm, bầu cử, bãi nhiệm, hội nghị…; còn về đánh giá phi chính thức, chẳng hạn như qua báo chí đánh giá chung toàn khóa hay của từng kỳ họp, từng đại biểu… Ông đã nhấn mạnh, dù khó nhưng chúng ta cần phải xây dựng được bộ tiêu chí đảm bảo cả về mặt định tính và định lượng.
Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS. Vũ Công Giao đã gợi mở một số khuyến nghị mang tính chính sách khi xây dựng các tiêu chí đánh giá hoạt động Quốc hội và đại biểu Quốc hội ở nước ta từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới (như Úc, Canada, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan), cụ thể: (i) Việc thiết kế các tiêu chí và xác định các phương pháp đánh giá cần có sự tham gia rộng rãi của nhiều chủ thể, trong đó không chỉ có các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội mà còn bao gồm đại diện các tổ chức xã hội và của giới học thuật. Điều này là để bảo đảm tính toàn diện, phù hợp, hiệu quả của các tiêu chí và phương pháp sẽ được sử dụng. (ii) Cần tập hợp, phân tích và tích hợp các tiêu chuẩn đánh giá đã có (cụ thể hoặc hàm ý) trong các văn bản pháp luật chuyên ngành vào bộ tiêu chí đánh giá sẽ được xây dựng. Điều này là để tránh xung đột giữa bộ tiêu chí đánh giá với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. (iii) Có thể xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá áp dụng chung, hoặc lồng ghép các tiêu chí vào các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tùy điều kiện hoàn cảnh mà có thể sử dụng vào một trong hai cách tiếp cận này, miễn là bảo đảm tính toàn diện, khả thi và hiệu quả của các tiêu chí và hoạt động đánh giá. PGS.TS. Nguyễn Công Giao cũng cho biết, hiện nay trên thế giới có một xu hướng là xây dựng các bộ quy tắc ứng xử (ở một số nước gọi là bộ quy tắc đạo đức) dành cho công chức nói chung và các nghị sỹ nói riêng. Hiện Việt Nam chưa có bộ quy tắc ứng xử dành cho các đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định pháp luật về tiêu chuẩn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội có thể thấy một số quy định đã mang tính chất các quy tắc ứng xử tương tự như ở nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, các quy tắc nêu trên chưa cụ thể và vẫn còn thiếu khá nhiều các quy tắc ứng xử cần thiết gây nên những khó khăn, bất cập. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia, xét tổng thể, bộ quy tắc hành xử của đại biểu Quốc hội cần nhấn mạnh đến các phẩm chất/yêu cầu như: Không vị kỷ, tính liêm chính, trách nhiệm giải trình, công khai, trung thực.
Từ việc nghiên cứu một số quan niệm, thực tiễn về đánh giá hoạt động của nghị sỹ ở Pháp, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn đã đưa ra một số kết luận và giá trị tham khảo cho Việt Nam như:
- Đánh giá hoạt động của nghị sỹ là một hoạt động không chính thức như là một kênh phản biện xã hội để cung cấp cho xã hội, cử tri các thông tin đánh giá, xếp hạng các nghị sỹ trong các hoạt động của mình. Chưa có một hoạt động đánh giá chính thức nào được tiến hành bởi các cơ quan nhà nước khác hoặc chính Nghị viện, bởi những lo ngại về những rủi ro về chính trị mà nó đem lại hay tính phức tạp, nhạy cảm của việc đánh giá.
- Hoạt động của nghị sỹ gắn với các nhiệm vụ, quyền hạn của Nghị viện, trong đó bao gồm các mảng hoạt động cơ bản: Thảo luận, lập pháp, giám sát và đại diện.
- Các chủ thể tham gia đánh giá chủ yếu là các viện nghiên cứu, báo chí và các nhà khoa học. Họ có thể chỉ tập hợp và cung cấp các thông tin chính thức hoặc cũng có thể xây dựng các tiêu chí và tiến hành đánh giá các hoạt động của các nghị sỹ. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu chủ yếu đề xuất các tiêu chí đánh giá các hoạt động này.
- Có rất nhiều quan điểm, thực tiễn về tiêu chí đánh giá và tiến hành các hoạt động đánh giá hoạt động của nghị sỹ. Sự tham gia, thời gian cống hiến cho công việc là yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ để xem xét đánh giá nghị sỹ, mà còn cần phải xem xét tính hiệu quả của các hoạt động của nghị sỹ. Hầu hết các đánh giá dựa trên phương pháp định lượng.
Về việc xác định tiêu chí đánh giá hiệu quả của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp, TS. Lã Khánh Tùng (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, việc xác định này là rất khó khăn, bởi vì: Mọi hoạt động chính trị, bao gồm cả hoạt động của đại biểu Quốc hội, có liên quan đến những lợi ích, thường chúng lại có sự xung đột nhau. Hoạt động chính trị cũng gắn với các lợi ích đảng phái, các đảng luôn đặt yếu tố trung thành, cam kết với lợi ích của đảng lên đầu tiên. Bên cạnh đó, lợi ích của cử tri đã bầu ra cũng thường là một ưu tiên. Trong khi đó, tiêu chí chủ yếu là xác định về mặt kỹ thuật để có thể đo đếm được thường xét từ lợi ích quốc gia, lợi ích của toàn bộ xã hội. Bước đầu có thể nghiên cứu thêm về một số chỉ số sau để đánh giá hiệu qủa hoạt động lập pháp của đại biểu Quốc hội: Số lần tiếp xúc cử tri, phản hồi ý kiến của cử tri (hướng đến xây dựng, hoàn thiện pháp luật); số lần tham dự các hội nghị, tọa đàm, tham vấn liên quan đến các dự thảo luật; số lần làm việc với chuyên gia để tìm hiểu vấn đề liên quan đến các dự thảo luật; thời lượng dành cho việc nghiên cứu, soạn thảo pháp luật; số lần nêu sáng kiến lập pháp; số lần phát biểu khi xây dựng chương trình lập pháp; số lần phát biểu khi thảo luận về dự thảo luật; số góp ý về dự thảo luật được cơ quan liên quan tiếp thu; sự hiện diện tại hội trường khi thông qua luật…
Đối với việc xây dựng tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giám sát, theo TS. Nguyễn Thị Minh Hà (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc này cần phải đặt trong tổng thể điều chỉnh những quy định của luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, về hoạt động giám sát chung của Quốc hội, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp và đồng bộ thì việc đánh giá đại biểu Quốc hội cũng trở nên khó khăn và không chính xác. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn không thể làm được ngay trong thời gian tới, cho nên việc xây dựng tiêu chí này cần dựa trên cơ sở những quy định của pháp luật hiện hành và việc nghiên cứu thực trạng hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội.
Trong bài tham luận của mình, thì về tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách, NCS. Đặng Phương Hải (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, vai trò đặc thù của đại biểu Quốc hội chuyên trách là nòng cốt để giải quyết hai yêu cầu cơ bản: Trực tiếp triển khai thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội; làm đầu mối để tổ chức các hoạt động cho các đại biểu Quốc hội trong Đoàn, duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Đây là những tiêu chí cơ bản để xác định đại biểu Quốc hội chuyên trách có hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của mình và là cơ sở để trả lời các câu hỏi về vị trí, vai trò, về địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách: Anh là ai? Anh đứng ở đâu? Anh làm gì? Đây là những vấn đề của hiện tại, phải giải quyết ở hiện thực tương lai và là cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong lộ trình chuyển từ đại biểu Quốc hội chuyên trách sang đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp ở nước ta.
Ngoài ra, còn một số ý kiến đáng chú ý khác như: Tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội quan trọng là phải biết lắng nghe, hiểu thực chất dân muốn gì; nhiều hoạt động cần được công khai hóa để dân được nghe và bình luận; cần cải cách chế độ bầu cử ở nước ta…