Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm khẳng định, thiết chế đăng ký tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc công khai, minh bạch thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, gắn liền với quyền dân sự của mỗi cá nhân, tổ chức khi xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản là đòi hỏi tất yếu trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Để Luật Đăng ký tài sản đạt được hiệu quả khi đi vào cuộc sống, thì việc học hỏi pháp luật của các quốc gia khác là vô cùng cần thiết, đặc biệt là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản như Nhật Bản.
Tiếp theo, các đại biểu đã nghe phần trình bày của ông Katsumi Arai (Nguyên Cục trưởng Cục các vấn đề pháp lý khu vực Yokohama, Bộ Tư pháp Nhật Bản) về ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa pháp lý của Luật Đăng ký tài sản, kinh nghiệm của Nhật Bản về hệ thống đăng ký bất động sản; phần trình bày của Giáo sư Hiroshi Matsuo (Khoa Luật, Đại học Keio Nhật Bản) về ý nghĩa pháp lý của Luật Đăng ký tài sản xét từ quan điểm của pháp luật so sánh và quan điểm của Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015; phần nhận xét của các đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản về khía cạnh pháp lý khi xây dựng Luật Đăng ký tài sản, hệ thống đăng ký tài sản tại Việt Nam và trao đổi ý kiến với các giáo sư Nhật Bản.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận sôi nổi những vấn đề khác như: Đăng ký tài sản là gì? Lợi ích của việc đăng ký tài sản? Những tài sản nào thì phải đăng ký? Luật Đăng ký tài sản nên quy định những nội dung gì? Đăng ký tài sản nên được công khai như thế nào?...