Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Văn Quảng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc xác định vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức của một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp là việc làm cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đội ngũ công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ. Hiện nay, các đơn vị của Bộ Tư pháp đã cơ bản hoàn thành các Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình, tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ mới nên còn nhiều vấn đề cần trao đổi, thảo luận.
Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức, là căn cứ để xác định biên chế và thực hiện quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vị trí việc làm phải được xác định rõ ràng, cụ thể và đầy đủ để làm cơ sở xác định chỉ tiêu biên chế. TS. Trần Văn Quảng cũng cho biết, Đề án vị trí việc làm mà các đơn vị chuẩn bị hầu như không có vị trí cán sự mà yêu cầu công việc các đơn vị rất cần cán sự văn thư, lưu trữ. Ông Quảng cũng lưu ý, các đơn vị phải xác định rõ vị trí việc làm và những tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương đương, phù hợp với từng vị trí việc làm, không phải vị trí nào cũng yêu cầu cán bộ đạt trình độ đại học.
Cùng trao đổi về vấn đề này, theo TS. Tạ Ngọc Hải - Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ khi xác định tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức các đơn vị nên xác định tiêu chuẩn tối ưu cho các vị trí, không nên xác định tiêu chuẩn quá cao sẽ khó khăn cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vào vị trí đó sau này. Các đơn vị cũng không nên lấy tiêu chuẩn hiện tại làm căn cứ cho việc xác định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viêc chức trong Đề án vị trí việc làm, nếu cán bộ ở vị trí làm việc đó vượt quá tiêu chuẩn đề ra thì sẽ tốt hơn trên thực tiễn.
Vinh Nguyên