Điểm mới đáng chú ý
Trước giờ khai mạc Kỳ họp, vào 7h15 sáng 22/5, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội (QH) sẽ đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào 8h00, QH tiến hành họp phiên trù bị. Tại phiên họp, các đại biểu QH nghe Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến Chương trình Kỳ họp. Sau đó, QH tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp. Vào 9h00 cùng ngày, QH họp Phiên khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà QH. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình QH Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Kỳ họp thứ 5 được tiến hành theo hình thức họp tập trung tại Nhà QH. Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày. Theo Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường, điểm mới lần này là chia Kỳ họp làm 2 đợt và có thời gian nghỉ giữa Kỳ họp kéo dài 1 tuần để các cơ quan của QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được thống nhất thông qua và ban hành. Dự kiến, QH họp đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6 và đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 23/6.
Là Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khối lượng công việc lớn, dự kiến, tại Kỳ họp, QH sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Các dự án Luật mà QH dự kiến thông qua gồm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Kỳ họp, QH cũng giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2024. Xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và một số nội dung khác. Đáng chú ý, tại Kỳ họp, cùng với việc tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, QH sẽ tiến hành công tác nhân sự.
Tiền đề để tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển
Thời gian qua, với tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa”, theo sự chỉ đạo của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, các cơ quan của QH, các cơ quan của UBTVQH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình chuẩn bị các dự án Luật, Nghị quyết, đề án trình QH. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, các đại biểu QH chuyên trách, liên tục tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm nội dung trình QH bảo đảm chất lượng.
Đánh giá cao công tác công tác chuẩn bị cũng như những nội dung được xem xét, quyết định tại Kỳ họp, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng dự kiến Chương trình Kỳ họp đã được xây dựng công phu, hợp lý và hiệu quả. Thời gian Kỳ họp được cân nhắc kỹ, rút ngắn tối đa để tiết kiệm thời gian, chi phí; đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng các nội dung và phù hợp với điều kiện, tình hình công việc chung của đất nước. Nhấn mạnh về công tác lập pháp, đại biểu đánh giá, khối lượng công việc liên quan đến công tác lập pháp tại Kỳ họp là tương đối đồ sộ.
Trong đó, một nội dung đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri là dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đánh giá dự thảo Luật trình QH lần này đã có nhiều sửa đổi, tiếp thu, hoàn thiện tích cực so với dự thảo trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thể hiện sâu rộng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư đất; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất…
Đại biểu Phạm Văn Hòa tin tưởng, Kỳ họp sẽ diễn thành công tốt đẹp với những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân. “Nội dung QH cho ý kiến tại Kỳ họp lần này đều là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải sớm giải quyết, phản ánh đúng yêu cầu của thực tế xã hội hiện nay. Do đó, kết quả của Kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu về kinh tế - xã hội”, Đại biểu nói
Đặc biệt, Đại biểu chỉ rõ, qua thảo luận tại Kỳ họp, QH sẽ có giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Xuất phát từ lợi ích đất nước, trên cơ sở thực tiễn hoạt động sinh động, kinh nghiệm của mỗi đại biểu trong từng ngành, lĩnh vực, Kỳ họp sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, đưa ra các quyết sách đúng đắn đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước”, Đại biểu khẳng định.
Minh Ngọc
Nguồn: baophapluat.vn