Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu quy định pháp luật về hợp đồng điện tử, phân tích những hạn chế, bất cập và đề xuất quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Abstract: The article studies the legal provisions on electronic contracts, analyzes the limitations and shortcomings and proposes regulations on electronic contracts in the Law on Electronic Transactions of 2005.
Hợp đồng điện tử tạo ra sự tiện lợi và nhanh chóng bằng việc loại bỏ đi khâu trung gian, giúp các bên trong giao dịch điện tử có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian nhưng vẫn có thể bảo đảm được sự chính xác, minh bạch trong quá trình thực hiện giao dịch. Hơn nữa, vì các thao tác được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên các thiết bị điện tử có kết nối internet nên các bên có thể tiết kiệm được chi phí in ấn, quản lý, lưu trữ tài liệu vì hệ thống công nghệ thông tin đã bảo đảm được vấn đề này. Chính vì những ưu điểm vượt trội so với hợp đồng truyền thống, hợp đồng điện tử được xem là phương thức giao dịch được ưu tiên lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử vẫn tồn tại những rủi ro xuất phát từ kẽ hở trong quy định của pháp luật cũng như quá trình áp dụng các quy định đó vào trong thực tế. Về mặt pháp lý, các quy định về hợp đồng điện tử đã được Luật Giao dịch điện tử năm 2005 điều chỉnh tương đối cụ thể. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài áp dụng, các quy định này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả trong quá trình áp dụng và thực thi loại hợp đồng này. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá, chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật điều chỉnh về hợp đồng điện tử và trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện là điều quan trọng trong bối cảnh sửa đổi Luật Giao dịch điện tử hiện nay.
1. Quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng điện tử
Hiện nay, các quy định điều chỉnh về hợp đồng điện tử được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quy định pháp luật có liên quan. Theo quy định tại Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Trong đó, thông điệp dữ liệu được hiểu là những thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. Nhìn chung, hợp đồng điện tử cũng mang bản chất của hợp đồng, cũng là sự thỏa thuận giữa các bên với mục đích xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử có những đặc trưng riêng sau đây:
Một là, về chủ thể hợp đồng. Trong hợp đồng truyền thống, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng sẽ là bên đề nghị và bên chấp nhận đề nghị, còn đối với hợp đồng điện tử, ngoài hai chủ thể cơ bản này còn có sự xuất hiện của chủ thể thứ ba giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quá trình giao kết hợp đồng thông qua phương tiện điện tử, đó là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng là tổ chức cung cấp hạ tầng đường truyền và các dịch vụ khác có liên quan để thực hiện giao dịch điện tử, bao gồm tổ chức cung cấp dịch vụ kết nối internet, tổ chức cung cấp dịch vụ internet và tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập mạng (khoản 14 Điều 4). Vì việc giao kết hợp đồng được thực hiện qua mạng internet nên chủ thể cung cấp dịch vụ mạng là chủ thể bắt buộc phải tham gia (theo cách gián tiếp); tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử được định nghĩa là tổ chức thực hiện hoạt động chứng thực chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật (khoản 13 Điều 4). Trường hợp các bên tham gia giao dịch điện tử thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử để ký trong hợp đồng thì phải có sự tham gia của chủ thể này, nếu các bên không lựa chọn sử dụng chữ ký điện tử thì chủ thể này không nhất thiết phải tham gia vào quá trình giao kết hợp đồng điện tử (Điều 23).
Hai là, về hình thức của hợp đồng điện tử. Đối với hợp đồng truyền thống, hình thức giao dịch có thể là bằng văn bản, lời nói, hành động hoặc bằng các hình thức khác do các bên thỏa thuận, thì hợp đồng điện tử được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu được quy định tại Điều 10 Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”. Thông tin được xem là thông điệp dữ liệu còn phải đáp ứng được quy định của khoản 12 Điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử”.
Ba là, về quy trình giao kết hợp đồng điện tử. Vì lựa chọn giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử nên các bên chủ thể sẽ không phải gặp trực tiếp như khi giao kết bằng phương thức truyền thống, do vậy, trình tự, thủ tục thực hiện sẽ có đặc thù riêng. Theo đó, quy trình giao kết hợp đồng điện tử được thể hiện thông qua quá trình gửi và nhận các thông điệp dữ liệu khác nhau về ý định của các bên. Nói cách khác, giao kết hợp đồng điện tử được hiểu là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch và hợp đồng sẽ được thiết lập khi một bên đưa ra lời đề nghị và một bên chấp nhận lời đề nghị.
Bốn là, về cách thức xác định thời điểm, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu. Vì hợp đồng điện tử được hình thành trên cơ sở thiết lập từ xa bằng phương tiện điện tử nên cách thức xác định thời điểm, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu cũng sẽ khác so với hợp đồng truyền thống. Theo đó, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: Về phía bên gửi, thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu sẽ là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo; địa điểm gửi sẽ là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tại là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi sẽ là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch (Điều 17). Còn đối với bên nhận, thời điểm nhận sẽ là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định nếu người nhận đã chỉ định trước đó; hoặc là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận nếu không rơi vào trường hợp chỉ định. Địa điểm nhận sẽ là trụ sở của người nhận nếu là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên nếu người nhận là cá nhân. Trong trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm sẽ là nơi có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch (Điều 19).
Năm là, về chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử. Đây cũng là đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống. Theo đó, chữ ký điện tử sẽ được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký (khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Chữ ký điện tử là không bắt buộc đối với các bên nhưng khi các bên đã thỏa thuận về sự hiện diện của chữ ký này thì phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Có nghĩa là, các bên tham gia giao dịch điện tử có quyền thỏa thuận việc sử dụng hay không sử dụng chữ ký điện tử để ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chỉ là bắt buộc trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký.
Về cơ bản, bản chất của hợp đồng điện tử vẫn là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Sự khác biệt của hợp đồng này xuất phát từ cách thức thiết lập của hợp đồng là bằng thông điệp dữ liệu. Chính sự khác biệt này của hợp đồng điện tử sẽ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của họ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, phù hợp với bối cảnh chung của cuộc cách mạng công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
2. Một số bất cập của quy định về hợp đồng điện tử
Từ khi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 ra đời cho đến nay, việc áp dụng các quy định pháp luật về hợp đồng điện tử đã được thực hiện có hiệu quả. Nhiều giao dịch giữa các doanh nghiệp, khách hàng đã được thực hiện thông qua hợp đồng điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua thực thi trong thực tiễn, khung pháp lý điều chỉnh về hợp đồng điện tử vẫn còn tồn tại một số bất cập nhất định cần khắc phục. Cụ thể như sau:
Một là, chưa có quy định về công chứng hợp đồng điện tử. Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014, công chứng được hiểu là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Theo hai quy định này có thể thấy rằng, đối với những giao dịch dân sự mà hợp đồng được thể hiện dưới dạng bằng văn bản và có quy định về điều kiện công chứng là bắt buộc thì hợp đồng đó phải được công chứng.
Đối với hợp đồng điện tử, căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, các giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Điều này cũng có nghĩa là, các giao dịch dân sự thông qua phương thức điện tử cũng có thể được công chứng nếu pháp luật có quy định về công chứng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh vấn đề này. Do đối với hợp đồng điện tử, các bên tham gia giao dịch hoàn toàn trao đổi, đàm phán nội dung hợp đồng và ký kết từ xa thông qua phương tiện điện tử nên nếu có công chứng thì vấn đề đặt ra là, hợp đồng điện tử sẽ được công chứng như thế nào và việc công chứng này có phù hợp với pháp luật hay không[1]? Nếu xét về bản chất thì hợp đồng điện tử vẫn được coi là một giao dịch bằng văn bản và việc công chứng hợp đồng bằng văn bản là điều cần thiết. Ở Việt Nam, các giao dịch điện tử đang phát nhanh chóng, nhu cầu chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng điện tử là hợp lý.
Hai là, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử chưa thực sự rõ ràng. Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định, người có hành vi vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Còn cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử thì cũng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 50). Tuy nhiên, các quy định về xử lý vi phạm trên chưa thực sự cụ thể, gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế. Bên cạnh đó, mức xử phạt chưa thật sự nghiêm khắc, số tiền phạt chưa tương xứng với hành vi và mức độ vi phạm; chưa quy định cách thức xử lý liên quan đến kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động đối với cơ quan, tổ chức khi có hành vi vi phạm gây khó khăn trong việc xác định một chủ thể có thể bị xử lý kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó, dễ dẫn đến việc áp dụng có tính tùy nghi.
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp giải quyết thông qua hòa giải. Trong trường hợp các bên không thể hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật[2]. Tuy nhiên, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đối với giao dịch thông qua hợp đồng điện tử.
Ba là, thiếu quy định về điều kiện thỏa mãn tính pháp lý của chữ ký điện tử. Thông thường, đối với các giao dịch được thực hiện bằng hợp đồng điện tử thì việc ký kết sẽ có 03 phương thức sử dụng chữ ký phổ biến, gồm chữ ký số, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh. Pháp luật hiện hành chỉ điều chỉnh chữ ký số, còn chữ ký scan, chữ ký hình ảnh chưa có quy định cụ thể. Khoản 1 Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu; phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi. Tuy nhiên, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử trên chỉ phù hợp với chữ ký số. Mặc khác, pháp luật chưa quy định thế nào là “phương pháp đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi”[3]. Theo đó, chữ ký số có giá trị pháp lý và được công nhận trong việc gửi các tài liệu cho Tòa án mà không làm phát sinh các vấn đề về tính hiệu lực[4] hay như văn bản được ký bằng chữ ký số không nhất thiết bắt buộc phải đóng dấu[5]. Việc chưa có quy định về chữ ký scan và chữ ký hình ảnh sẽ tạo ra những hạn chế khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, vì trên thực tế hai loại chữ ký này cũng được sử dụng khá phổ biến. Pháp luật cũng chưa quy định cụ thể các công nghệ xác thực điện tử khác như mã OTP, mật khẩu/PIN hoặc dấu hiệu sinh trắc học (như vân tay, giọng nói, khuôn mặt) nếu gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử đã thực hiện và xác nhận sự chấp thuận của khách hàng thì có được coi là chữ ký điện tử hay không.
Bốn là, thiếu quy định về chứng cứ điện tử[6]. Chứng cứ được thể hiện dưới dạng là dữ liệu của hợp đồng điện tử trở thành căn cứ quan trọng để xác định tính xác thực cũng như tính hợp pháp của một giao dịch điện tử. Đối với hợp đồng truyền thống, hợp đồng bằng văn bản sẽ là chứng cứ quan trọng nhất xác định liệu rằng thỏa thuận của các bên có giá trị pháp lý và có được thực hiện trên thực tế hay không. Còn đối với hợp đồng điện tử, vì được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro mặc dù pháp luật đã quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ. Hiện nay, quy định pháp lý về chứng cứ điện tử chưa cụ thể, dẫn đến giá trị chứng cứ của các dữ liệu điện tử mà các bên đã gửi cho nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử có thể không còn toàn vẹn và thậm chí là bị bác bỏ nếu có sự nghi ngờ về tính chính xác và độ tin cậy.
Năm là, chưa có quy định điều chỉnh hợp đồng điện tử mẫu, mà cụ thể là hợp đồng thương mại điện tử mẫu[7]. Hợp đồng theo mẫu là loại hợp đồng có những điều khoản do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương soạn thảo để giao dịch với nhiều khách hàng. Trong những giao dịch mà có sử dụng hợp đồng điện tử mẫu, các nội dung vì đã được soạn sẵn nên nếu khách hàng muốn bổ sung những thông tin được cho là cần thiết sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng truyền thống. Nói cách khác, khách hàng chỉ có thể hoặc chấp nhận, hoặc từ chối việc thực hiện giao kết hợp đồng, khả năng thương lượng về từng điều khoản trong hợp đồng điện tử hầu như rất khó xảy ra. Do vậy, khách hàng sẽ gặp nhiều bất lợi khi thực hiện các giao dịch thông qua hợp đồng điện tử. Các quy định về hợp đồng điện tử mẫu chưa được điều chỉnh cụ thể, từ đó, quyền lợi của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Có thể thấy rằng, mặc dù việc áp dụng các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã mang lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số quy định đã không còn phù hợp với sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ dẫn đến chủ thể thực thi và áp dụng luật sẽ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả của việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử có lúc chưa cao.
3. Kiến nghị hoàn thiện quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên Hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế. Đây được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Do là luật khung, mang tính nguyên tắc, nên trong hơn 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế, có nhu cầu cấp thiết tự thân, tiên phong nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật quy định chi tiết để thực thi và ứng dụng mạnh mẽ giao dịch điện tử, điển hình như lĩnh vực thông tin và truyền thông (chữ ký số), ngân hàng (thanh toán điện tử), tài chính (giao dịch chứng khoán, hoá đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực từ hành chính, dân sự, kinh tế đến xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế[8]. Cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung quy định về công chứng hợp đồng điện tử.
Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ, nội dung hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử đã được quy định cụ thể và chi tiết hơn về điều kiện tiến hành hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử; nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hồ sơ đăng ký; quy trình đăng ký; xác nhận đăng ký; sửa đổi, bổ sung thông tin đã đăng ký; hủy bỏ, chấm dứt đăng ký. Tuy nhiên, Luật Công chứng năm 2014 vẫn chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng điện tử. Điều này có nghĩa, các quy định về công chứng hợp đồng điện tử chưa thật sự thống nhất. Trên thực tế, không phải tất cả các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng thương mại điện tử đều có riêng cho mình chữ kỹ số, con dấu số để bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý khi giao kết hợp đồng, ví dụ như trường hợp giao dịch C2C (Customer to Customer - người tiêu dùng với người tiêu dùng) trên nền tảng sàn giao dịch điện tử thì cả hai chủ thể này thường không có riêng chữ ký số khi giao kết hợp đồng. Do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, đánh giá lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hiện đang mâu thuẫn, chồng chéo để thống nhất lại các quy định về công chứng hợp đồng điện tử.
Thứ hai, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử.
Như đã đề cập, các quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử chưa cụ thể hóa cách thức xử lý và giải quyết. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý các đối tượng vi phạm. Do vậy: (i) Đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, cần bổ sung các quy định về hành vi vi phạm để được áp dụng các hình thức xử lý là kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân; đình chỉ hoạt động đối với cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm hành chính cũng cần phải tăng thêm để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm bởi các mức phạt hiện nay chưa thật sự tương xứng với tính chất mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm. (ii) Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử, cần được tiếp tục quy định cụ thể và chi tiết, vì hiện nay, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định còn chung chung hoặc ít nhất, cần quy định theo hướng minh thị rằng trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật luật dân sự hay luật chuyên ngành nào khác có liên quan.
Thứ ba, cần bổ sung khung pháp lý để điều chỉnh chữ ký scan và chữ ký hình ảnh, đặc biệt là chữ ký điện tử nước ngoài.
Thực tế hiện nay, pháp luật chỉ mới dừng lại ở việc điều chỉnh các nội dung liên quan đến chữ ký điện tử nên đối với những hợp đồng điện tử có sử dụng chữ ký scan hay chữ ký hình ảnh thì các bên gặp trở ngại trong việc đánh giá hiệu lực pháp lý của hai loại chữ ký này. Nội dung quy định về thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài vẫn còn chưa rõ ràng. Do vậy, việc bổ sung các quy định về chữ ký scan hay chữ ký hình ảnh và ghi nhận đầy đủ quy định về thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài là cần thiết. Đồng thời, nên ghi nhận trực tiếp, cụ thể, rõ ràng trong các văn bản luật quy định về thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài như cơ quan tiến hành công nhận, đối tượng được quyền sử dụng chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong những trường hợp các giao dịch có sử dụng các loại chữ ký này, từ đó hạn chế được những rủi ro và các tranh chấp phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng điện tử trên thực tế.
Thứ tư, xem xét ban hành quy định hướng dẫn về chứng cứ điện tử.
Mặc dù có nhiều ưu điểm so với hợp đồng truyền thống nhưng hợp đồng điện tử vẫn có hạn chế ở khía cạnh chứng cứ điện tử, tức là khả năng về tính pháp lý của hợp đồng điện tử chưa thực sự tuyệt đối khi thực hiện thông qua không gian mạng. Do vậy, để khắc phục tình trạng này thì pháp luật cần có những quy định cụ thể liên quan đến các yêu cầu kỹ thuật để bảo vệ thông điệp dữ liệu cũng như xác định, đánh giá một thông điệp dữ liệu có thể trở thành chứng cứ trong một vụ việc hay không[9].
Thứ năm, các nội dung về hợp đồng điện tử theo mẫu cần được quy định cụ thể.
Như đã đề cập, hợp đồng điện tử theo mẫu thể hiện rõ sự bất bình đẳng giữa bên bán và bên mua trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Để bảo đảm lợi ích tối đa thuộc về mình, bên bán thường sẽ soạn sẵn một hợp đồng mẫu với các nội dung không rõ ràng, thiếu các điều khoản quy định về quyền lợi của bên mua và nghĩa vụ của bên bán, từ đó, đặt bên mua vào thế bất lợi. Khi có tranh chấp phát sinh, khách hàng sẽ luôn là bên chịu nhiều thiệt thòi hơn so với bên bán. Do vậy, để hạn chế trường hợp này và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, thì việc xây dựng các quy định pháp luật cụ thể về hợp đồng điện tử theo mẫu là điều rất cần thiết, những nội dung nào là bắt buộc và yêu cầu đặt ra đối với một hợp đồng điện tử theo mẫu để có giá trị pháp lý cũng cần được quy định và hướng dẫn rõ ràng.
Thứ sáu, nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể việc giao kết hợp đồng điện tử qua website theo mô hình C2C.
Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định cụ thể về các giao dịch liên quan đến mô hình C2C. C2C là những giao dịch mà người tiêu dùng có thể giao dịch với nhau trong môi trường trực tuyến và thông qua một bên thứ ba như các website trung gian đấu giá trực tuyến hay bán hàng trung gian[10]. Vấn đề mua bán đấu giá tài sản qua mạng internet là một hoạt động diễn ra phổ biến ở Việt Nam, vì nó mang đến nhiều tiện ích và thuận lợi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và hậu dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể về bán đấu giá tài sản trực tuyến và điều chỉnh các vấn đề cụ thể trong quá trình xác lập các giao dịch liên quan đến đấu giá tài sản qua mạng internet. Bộ luật Dân sự năm 2015 và các nghị định hướng dẫn mới chỉ quy định những vấn đề chung chung về thỏa thuận của các bên, hiệu lực hay việc thi hành, nguyên tắc, trình tự và thủ tục bán đấu giá tài sản mà chưa quy định những vấn đề cụ thể trong quá trình xác lập các giao dịch đấu giá cũng như vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đấu giá tài sản trực tuyến qua website. Chính vì vậy, hoạt động đấu giá chưa được thúc đẩy một cách mạnh mẽ. Hình thức đấu giá tài sản trực tuyến được đưa vào các văn bản pháp lý với mong đợi sẽ giúp cải thiện các vấn đề còn thiếu sót trong hoạt động đấu giá, để hoạt động này trở nên minh bạch hơn, cạnh tranh hơn, hạn chế nhiều bất cập tồn tại trong hoạt động đấu giá truyền thống[11]. Trong hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến, các cơ quan, tổ chức đều có thể đăng ký và niêm yết tài sản đấu giá qua mạng. Khi đã đưa lên hệ thống đấu giá trực tuyến, thì bất kỳ chủ thể nào hay bất kỳ ai cũng có thể truy cập, theo dõi và tham gia vào hoạt động đấu giá. Khi thông tin đã được công bố trên website, thì bất kỳ chủ thể nào đều có thể tìm hiểu thông tin đấu giá cũng như đăng ký tham gia đấu giá. Từ đó, việc vận hành đấu giá trực tuyến sẽ đạt được mục đích giúp cho các giao dịch này trở nên minh bạch, công khai, tránh các hiện tượng gian lận, cấu kết trong đấu giá tài sản. Đặc biệt, hình thức này còn thu hút cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá hơn so với hình thức truyền thống. Bởi vì, cách thức tham gia cũng như đăng ký dễ dàng, người dùng có thể tham gia đấu giá bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được của đấu giá tài trực tuyến, với trình độ công nghệ và kỹ thuật của nước ta hiện nay chưa đủ các điều kiện để xây dựng đấu giá điện tử một cách chặt chẽ, khó có thể áp dụng ngay lập tức trên thực tế. Bên cạnh đó, không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận với nền tảng công nghệ, internet hay các mạng máy tính khác, nên sẽ dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều người không am hiểu về cách thức, phương thức tham gia, tìm hiểu thông tin cũng như không am hiểu về máy tính và internet[12]. Ngoài phạm vi tiếp cận, việc sai sót khi nhập dữ liệu lên các website đấu giá trực tuyến là điều không thể tránh khỏi. Việc trả giá trực tuyến, đôi khi một sai sót nhỏ như gõ nhầm hay gõ thiếu, thừa một con số cũng sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn và không mong muốn cho các bên, dẫn đến sẽ mất khoản tiền đặt trước. Hơn nữa, việc minh bạch hóa trong kết quả đấu giá chưa được kiểm soát chặt chẽ nên không thể loại trừ vấn đề các bên cấu kết, thông đồng, móc nối để làm sai lệch kết quả đấu giá mà những người tham gia không thể phát hiện ra[13]. Vì vậy, cần xây dựng và bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá trực tuyến để khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, pháp luật về hoạt động đấu giá trực tuyến chưa thực sự được quan tâm như hoạt động đấu giá thông qua hình thức truyền thống. Những quy định về hoạt động đấu giá hiện nay vẫn còn nặng về thủ tục hành chính. Vì vậy, để hoạt động đấu giá phát triển, cần hoàn thiện pháp luật về đấu giá theo hai hướng là quy định đấu giá bắt buộc và đấu giá tự nguyện. Hoạt động đấu giá tự nguyện sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch dân sự, phát triển các hoạt động đấu giá, tích cực thúc đẩy các bên tham gia giao dịch. Đồng thời, mở rộng phạm vi quyền của các chủ thể đấu giá tài sản và phương thức đấu giá tài sản thông qua các phương tiện điện tử hay mạng internet.
Bên cạnh đó, cần ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể, hướng dẫn, điều chỉnh các quy trình giao kết hay thiết lập giao dịch trên website giữa các cá nhân với nhau. Trước hết, cần định nghĩa phương thức giao kết C2C là mô hình kinh doanh mà trong đó đại diện phía bên mua và bán đều là các cá nhân. Thông thường, giao dịch này sẽ được thực hiện trong môi trường trực tuyến thông qua một bên thứ ba là các nền tảng bán hàng trực tuyến trung gian hoặc những website đấu giá trung gian[14]. Đồng thời, cần xây dựng các điều khoản quy định cụ thể về trình tự xác lập giao dịch, mua bán tài sản thông qua hình thức đấu giá tài sản trực tuyến, các điều khoản về nghĩa vụ của các bên trong giao dịch như nghĩa vụ cung cấp thông tin, cơ chế hoạt động của các website theo mô hình C2C. Bên cạnh xây dựng những quy định về nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, văn bản pháp luật cần quy định nghĩa vụ của bên trung gian đã thiết lập website trung gian điều phối giao dịch giữa người tiêu dùng với nhau thông qua các giao dịch như mua bán tài sản theo hình thức đấu giá trực tuyến.
Thứ bảy, sửa đổi, bổ sung thời gian và địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu.
Luật Giao dịch điện tử Việt Nam hiện nay quy định địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu là “trụ sở” hoặc “nơi cư trú” của chủ thể là chưa thực sự phù hợp. Bởi lẽ, đối với giao dịch điện tử, do tính chất hiện đại và thuận tiện của môi trường điện tử mà chủ thể có thể khởi tạo, gửi và nhận thông điệp dữ liệu tại bất cứ nơi nào. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu cũng tồn tại hạn chế nhất định. Pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay ghi nhận thời điểm gửi là khi thông điệp nhập vào hệ thống thông tin và nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo là chưa thực sự phù hợp. Vì trong môi trường điện tử, các yếu tố kết nối (như đường truyền mạng) không phải lúc nào cũng ổn định hoặc thiết bị điện tử có lỗi hệ thống thì việc thông tin được truyền đi có độ trễ nhất định từ đó việc xác định thời điểm gửi sẽ gây bất lợi đối với chủ thể. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính thì nếu thời điểm gửi thông tin có sai sót cũng sẽ dẫn đến những rủi ro nhất định. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần sửa đổi và hoàn thiện quy định về thời điểm và địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu thông qua việc nghiên cứu pháp luật quốc tế.
Thứ tám, xây dựng quy định đối với “tài sản ảo”.
Trong quá trình tham gia hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể có thể hình thành các giá trị tích lũy trên môi trường điện tử và các giá trị tích lũy này có thể trao đổi, mua bán được được gọi là “tài sản ảo”. Vì vậy, nếu không có khung pháp lý bảo hộ đối với loại tài sản này, thì khi các chủ thể tham gia giao dịch và xảy ra rủi ro. Do đó, việc ban hành thiết chế để bảo hộ đối với tài sản “ảo” là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng khi xây dựng những quy định này, bởi vì tài sản “ảo” có tính chất phức tạp, mang tính kỹ thuật cao nên Việt Nam cũng cần nghiên cứu kỹ khi tiến hành bảo hộ.
Thứ chín, cần rà soát, hệ thống hóa pháp luật về giao dịch điện tử.
Hệ thống quy định pháp luật về hợp đồng điện tử ở nước ta bao gồm các quy định điều chỉnh liên quan đến giao dịch thương mại điện tử không nằm riêng trong một văn bản luật cụ thể mà nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Điều này có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật, từ đó gây khó khăn cho việc áp dụng các quy định này vào thực tế. Do vậy, cần rà soát lại hệ thống pháp luật điều chỉnh về giao dịch thương mại điện tử, hơn nữa, có thể tham khảo quy định pháp luật từ các quốc gia khác nhau để tiếp thu, chọn lọc và sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình quốc gia, đồng thời loại bỏ những quy định mang tính lỗi thời, không phù hợp.
ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên
Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
1. Nguyễn Thanh Hà (2021), “Cần khung pháp lý cho hợp đồng điện tử Việt Nam”, https://diendandoanhnghiep.vn/can-khung-phap-ly-cho-hop-dong-dien-tu-tai-viet-nam-196418.html, truy cập ngày 27/8/2022.
2. Điều 52 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
3. Lê Hữu Nghĩa (2021), “Một số bất cập về pháp luật giao dịch bằng hợp đồng điện tử tại Việt Nam”, https://journalofscience.ou.edu.vn/index.php/soci-vi/article/view/1924, truy cập ngày 05/02/2023.
4. Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử.
5. Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
6. Nguyễn Thanh Hà (2021), “Bốn giải pháp hoàn thiện những ách tắc liên quan đến hợp đồng điện tử”, https://diendandoanhnghiep.vn/bon-giai-phap-hoan-thien-nhung-ach-tac-lien-quan-den-hop-dong-dien-tu-196808.html, truy cập ngày 26/8/2022.
7. Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Duy Thanh (2019), “Hợp đồng thương mại điện tử: thực trạng và hướng hoàn thiện”, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210304, truy cập ngày 26/8/2022.
8. Trung tâm thông tin Bộ Tư pháp, “Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi: Mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội”, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo.aspx?ItemID=5302, truy cập ngày 05/02/2023.
9. Nguyễn Thanh Hà (2021), “Bốn giải pháp hoàn thiện những ách tắc liên quan đến hợp đồng điện tử”, https://diendandoanhnghiep.vn/bon-giai-phap-hoan-thien-nhung-ach-tac-lien-quan-den-hop-dong-dien-tu-196808.html, truy cập ngày 05/02/2023.
10. Phương Lâm, “C2C (Consumer to Consumer) là gì? Định nghĩa và ví dụ”, https://vietnambiz.vn/c2c-consumer-to-consumer-la-gi-dinh-nghia-va-vi-du-20190808110626953.htm, truy cập ngày 05/02/2023.
11. Từ Minh Liên, “Những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, https://stp.quangbinh.gov.vn/3cms/nhung-vuong-mac-kho-khan-trong-trien-khai-thi-hanh-luat-dau-gia-tai-san.htm, truy cập ngày 05/02/2023.
12. Hòa Đình, “Thực thi Luật Đấu giá tài sản và những vấn đề phát sinh từ cuộc sống”, https://tapchitoaan.vn/thuc-thi-luat-dau-gia-tai-san-va-nhung-van-de-phat-sinh-tu-cuoc-song, truy cập ngày 05/02/2023.
13. Từ Minh Liên, “Những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản”, https://stp.quangbinh.gov.vn/3cms/nhung-vuong-mac-kho-khan-trong-trien-khai-thi-hanh-luat-dau-gia-tai-san.htm, truy cập ngày 05/02/2023.
14. Nguyễn Văn Thịnh, “Mô Hình C2C Là Gì? Đặc Điểm, Lợi Ích Và Mô Hình Kinh Doanh C2C”, https://isaac.vn/mo-hinh-c2c/, truy cập ngày 05/02/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 374, tháng 2/2023)