Thời gian qua, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện, góp phần quan trọng bảo đảm điều chỉnh trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Để pháp luật thực sự là nền tảng, là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi công dân, bảo đảm nhân dân được tiếp cận thông tin, tiếp cận chủ trương, dự thảo chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước công tác truyền thông chính sách không chỉ là một công đoạn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, mà dần trở thành xu hướng, yêu cầu trong xây dựng và thực thi chính sách, nhất là những chính sách có tác động lớn đến xã hội, là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều.
Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407). Đây là văn bản quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác truyền thông chính sách.
Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu về đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền làm chủ của nhân dân, trong đó, trước hết phải nói đến quyền làm chủ về thông tin, đặc biệt là thông tin chính sách, pháp luật với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Qua hơn 01 năm triển khai là Đề án 407 cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia, bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam... và các ý kiến đóng góp, trao đổi cởi mở của các đại biểu tham dự Hội thảo về những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong quá trình huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, việc truyền thông dự thảo chính sách nói chung, huy động các nguồn lực tham gia công tác này nói riêng tiếp tục được xác định là giải pháp cần thiết, quan trọng cần được quan tâm, triển khai, một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, cần phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo các giải pháp cụ thể, phù hợp để phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách; khuyến khích, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia tích cực, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật.
Hai là, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, thể chế để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực nói riêng theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội, nhất là cơ quan thông tin, báo chí, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học; hướng dẫn để thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Ba là, xác định những kênh huy động nguồn lực xã hội chính, đồng thời xác định cơ quan, tổ chức mà cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chú trọng phối hợp trong quá trình truyền thông dự thảo chính sách (cơ quan thông tin, báo chí; doanh nghiệp; người dân, đối tượng chịu sự tác động của chính sách; Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư; chuyên gia, nhà khoa học…) để các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, thực hiện. Đồng thời, huy động sự tham gia của các lực lượng vũ trang ở địa bàn cơ sở (bộ đội biên phòng, công an…) trong công tác truyền thông dự thảo chính sách.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật
Năm là, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tham gia, đổi mới phương pháp tiếp nhận, xử lý, phân tích, chắt lọc thông tin về ý kiến tham gia của người dân, các nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng chính sách, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, cầu thị trong việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến tham gia của người dân trong xây dựng chính sách.
Sáu là, đa dạng hóa các cách thức, biện pháp thực hiện truyền thông dự thảo chính sách gắn với huy động nguồn lực xã hội tham gia, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; truyền thông trên các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là các kênh thông tin đa phương tiện. Chú trọng truyền thông dự thảo chính sách cho đối tượng đặc thù, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo./.
Hải Việt