Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết (NQ) số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm và cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của NQ 42
Báo cáo tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của NQ 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng NQ 42 và thủ tục kéo dài thời hạn áp dụng NQ 42.
“Việc ban hành NQ kéo dài thời hạn áp dụng của NQ 42 là vấn đề cấp bách về kinh tế để tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của đại dịch COVID-19…”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh.
Trường hợp được phê duyệt việc kéo dài thời hạn áp dụng NQ số 42, để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua NQ kéo dài thời hạn áp dụng NQ 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo NQ 42. Trong thời gian áp dụng NQ, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo NQ 42.
Tuy nhiên, để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được cũng như tác động, ảnh hưởng của những quy định thí điểm trong NQ 42, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng; đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại NQ; đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu; phân tích ảnh hưởng của việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại NQ 42 đối với công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Nhất trí bổ sung NQ kéo dài thời hạn áp dụng vào Chương trình năm 2022
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ về kéo dài thời hạn áp dụng của NQ 42 để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi NQ 42 hết hiệu lực thi hành. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc kéo dài thời hạn áp dụng của NQ 42 là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế…
Nhiều ý kiến cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc báo cáo UBTVQH cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với NQ kéo dài thời hạn áp dụng NQ 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua NQ tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022 theo thẩm quyền quy định tại Điều 146 và Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu…, tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm. Chủ tịch QH cũng lưu ý, khi kéo dài thời hạn áp dụng của NQ 42 cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện NQ để đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả Trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện NQ.
Đối với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch QH đề nghị kéo dài toàn văn NQ, bổ sung thêm căn cứ kéo dài. Thời hạn kéo dài chỉ tối đa đến 31/12/2023, khớp với NQ số 43/2022/QH15 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch QH yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày NQ 42 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản…
Tại Phiên họp, sau khi thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết về việc bổ sung NQ kéo dài thời hạn áp dụng NQ 42 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với 100% các Ủy viên Thường vụ có mặt biểu tán thành và giao Ủy ban Pháp luật của QH chuẩn bị dự thảo NQ.
Cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), UBTVQH tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thực hiện quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và thẩm quyền, trách nhiệm của PVN trong hoạt động đầu tư kinh doanh; thực hiện phân cấp triệt để cho PVN trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng, cụ thể… Chủ tịch QH đề nghị, dự án Luật phải giải quyết được mâu thuẫn hiện nay trong điều tra cơ bản về dầu khí để phân định rõ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động nào nhưng lại vừa thu hút đầu tư tư nhân trong điều tra cơ bản; làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về dầu khí và vai trò, địa vị pháp lý của PVN; giải quyết căn cơ các vấn đề về tài chính dầu khí… |
(Theo Báo pháp luật Việt Nam điện tử)