Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ra đời, khắc phục triệt để những vấn đề tồn tại trong công tác trợ giúp pháp lý, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý.
Tại Điện Biên, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được Quốc hội thông qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo thực hiện như: Kế hoạch số 3348/KH-UBND ngày 14/11/2017 triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 08/12/2017 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đồng thời, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai các nội dung cơ bản về pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành với gần 300 đại biểu là Lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Phòng Tư pháp cấp huyện, pháp chế các sở, ngành, công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các luật sư, cộng tác viên, người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn...
Đặc điểm kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên cho thấy, có đến trên 80% thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chiếm khoảng 85% tổng số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Nhu cầu được trợ giúp về pháp luật là rất lớn do nhận thức pháp luật của các đối tượng được trợ giúp pháp lý còn hạn chế, các dân tộc có tập tục lạc hậu lại sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên điều kiện để tiếp cận pháp luật, chính sách của Nhà nước còn có những trở ngại. Vì vậy, quá trình triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm. Thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ trung ương đến địa phương, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg). Song song với Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg là nội dung quan trọng thể hiện chuyển trọng tâm công tác trợ giúp pháp lý tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, chú trọng vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng; nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; tăng cường công tác truyền thông về cơ sở góp phần triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý toàn diện, đồng bộ tại địa phương. Từ đó, chính sách trợ giúp pháp lý được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục sự dàn trải, thiếu đồng bộ so với thời kỳ trước. Qua 04 năm triển khai Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và thực hiện 3.415 vụ việc, 676 việc cho 4.108 lượt người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trong đó, số vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình là 1.588 vụ việc. Tiếp nối kết quả đạt được trong công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, năm 2022, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý tiếp tục xây dựng kế hoạch, dự toán để triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ban hành kèm theo Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 12/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1767/QĐ-BTP ngày 27/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai các hoạt động như: Rà soát và báo cáo kết quả về người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, diện người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; cập nhật thông tin về tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý đăng tải trên Cổng thông tin của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; rà soát, báo cáo hoạt động của các chi nhánh trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hàng năm, Sở Tư pháp đã xây dựng chương trình công tác năm, trong đó có nhiệm vụ công tác trợ giúp pháp lý, chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện hàng tháng; phê duyệt các chương trình, kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã từng bước kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đến tháng 6/2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được bố trí đủ 22 viên chức theo đúng số lượng người làm việc được giao (tăng 01 biên chế so với giai đoạn 2015 - 2017). Trung tâm có Giám đốc, 02 Phó Giám đốc; 19 viên chức (trình độ chuyên môn: Đại học chiếm 89,47%, cán bộ kỹ thuật chiếm 5,26%). Có 11 trợ giúp viên pháp lý, tăng gần gấp 03 lần so với trước khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực (trong đó, có 03 trợ giúp viên pháp lý hạng II), có 11 luật sư đang thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng, 04 viên chức đang tập sự trợ giúp pháp lý, 01 viên chức đang tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, dự kiến sẽ cử 01 viên chức tham gia khóa đào tạo nghề luật sư trong thời gian tới.
Việc bố trí chi nhánh đều bảo đảm theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và thực sự cần thiết đối với tỉnh Điện Biên do địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn. Các chi nhánh đã chủ động triển khai công việc thuộc nhiệm vụ được giao, tiếp nhận và giải quyết các vụ việc phát sinh tại địa bàn, thực hiện truyền thông ở cơ sở…
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm và trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Do đó, ngay khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thi hành, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 15/6/2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện được 2.828 vụ việc tham gia tố tụng (trợ giúp viên pháp lý thực hiện 1.418 vụ, luật sư thực hiện 1.410 vụ), trong đó, vụ việc hiệu quả, thành công là 909 vụ (chiếm 32%, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 728 vụ, luật sư thực hiện 181 vụ). So với số vụ việc tham gia tố tụng của 05 năm trước (từ năm 2012 đến năm 2017) thì số vụ việc tham gia tố tụng của 05 năm sau khi triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 tăng gấp 2,4 lần. 100% trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt theo quy định của Bộ Tư pháp với số lượng vụ việc tham gia tố tụng trung bình 01 trợ giúp viên pháp lý thực hiện 30 vụ việc/năm.
Công tác đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp triển khai theo quy định. Sở Tư pháp đã tổ chức đánh giá chất lượng của 150 vụ việc, qua đánh giá cho thấy, không có vụ việc không đạt chất lượng; trên 80% vụ việc đạt chất lượng tốt.
Trong 05 năm qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tổ chức 140 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 225 xã, 663 thôn, bản, thu hút được 29.218 lượt người tham dự. Tại các buổi truyền thông, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã cấp phát miễn phí hàng nghìn tờ gấp pháp luật và mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý cho người dân. Phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý, xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số trên đài phát thanh xã của các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Làm tốt việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua việc viết bài trên các chuyên trang, chuyên mục; xây dựng phóng sự; truyền thông qua các ứng dụng facebook, zalo...
Nhằm triển khai có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn, như: Các cơ quan tiến hành tố tụng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ... để đưa chính sách trợ giúp pháp lý đến với đông đảo nhân dân. Năm 2021, Sở Tư pháp và Công an tỉnh đã ký Quy chế phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Dự kiến trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ ký quy chế với từng ngành tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận sớm với hoạt động trợ giúp pháp lý, hiện thực hóa quyền trợ giúp pháp lý đã được pháp luật ghi nhận.
Có thể nói, hoạt động trợ giúp pháp lý tại Điện Biên trong 05 năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng vụ việc, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng lên. Nhận thức về chính sách trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, ngày càng được nâng cao; công tác trợ giúp pháp lý đã đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự..., được người dân tin tưởng, ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 05 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn nhất định như: Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp nên ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý; kinh phí địa phương chưa thể đáp ứng để thực hiện đồng bộ các hoạt động trợ giúp pháp lý trong khi số lượng người được trợ giúp pháp lý lớn (chiếm 80% dân số); sự phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả; đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý còn ít nên chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý cũng như yêu cầu về thời gian của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (số lượng trợ giúp viên pháp lý chưa nhiều, cộng tác viên trợ giúp pháp lý còn ít và trình độ còn hạn chế, đội ngũ luật sư trên địa bàn chưa thực sự chú trọng việc tham gia trợ giúp pháp lý…).
Để khắc phục những khó khăn trên, tỉnh Điện Biên đã đưa ra một số mô hình, cách làm nhằm triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý như sau:
Thứ nhất, cần quan tâm bảo đảm nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý. Công tác bảo đảm nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý được Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan quan tâm, chỉ đạo nhằm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người dân, góp phần khẳng định uy tín, hiệu quả của công tác trợ giúp pháp lý, nhất là khẳng định vị thế của trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh. Trong từng giai đoạn, để phù hợp và đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước huy động nguồn lực là đội ngũ luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Đối với đội ngũ luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thẩm định sát sao vụ việc do luật sư thực hiện để bảo đảm hiệu quả, không có tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ngày càng nhiều, từ năm 2018 đến tháng 6/2022 các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn đã chuyển 2.230 vụ việc trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Để phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã ký Quy chế phối hợp với các cơ quan trong việc triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Năm 2021, Sở Tư pháp cũng đã ký quy chế với Công an tỉnh với trọng tâm xác định vai trò của từng cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Năm 2022, Sở Tư pháp tiếp tục xây dựng dự thảo và tiến tới ký Quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh về thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Quy chế phối hợp với Tòa án ngoài nội dung xác định trách nhiệm của cá nhân, của ngành trong công tác phối hợp, còn tập trung vào nội dung phối hợp để bố trí trợ giúp viên pháp lý trực trực tiếp tại trụ sở một số Tòa có số lượng án nhiều, xa trung tâm, địa bàn chưa có luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý và chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Nhằm tiếp tục phát huy kết quả 05 năm qua, để công tác trợ giúp pháp lý ngày càng được phát triển, đáp ứng kịp thời và có chất lượng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân trên địa bàn tỉnh, Điện Biên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng đến đào tạo nguồn lực người thực hiện trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý - nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý...
Bên cạnh đó, để công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững đến được với đông đảo người yếu thế trong xã hội hơn nữa, Bộ Tư pháp cần tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có giải pháp để quản lý, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý; có chính sách đặc thù để hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.