Những chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp
Trong 06 tháng đầu năm, Bộ, Ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác và đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, thực hiện nhiệm vụ được giao, toàn Ngành Tư pháp đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật: Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; thông qua 07 luật[1] và cho ý kiến 08 dự án luật khác[2]; số lượng văn bản “nợ đọng” giảm so với cùng kỳ 2017, trong đó, Bộ Tư pháp không để nợ văn bản nào. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật qua kiểm tra cho thấy, các văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền giảm so với cùng kỳ năm 2017 và được xử lý kịp thời; tổ chức được các hội nghị triển khai kế hoạch, kết hợp với việc tập huấn rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho các tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp; công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật cũng được thực hiện nghiêm túc và đã thông qua kết quả pháp điển với các chủ đề trọng tâm.
Thứ hai, việc triển khai các luật do Quốc hội mới ban hành được các bộ, ngành, địa phương quan tâm; tổ chức rà soát, xây dựng đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với các luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật sáng tạo, hiệu quả, bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này cũng được quan tâm thực hiện; nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bước đầu đã được quan tâm triển khai thực hiện, một số địa phương có tỷ lệ cao về số xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017 như: Hà Tĩnh; Bắc Ninh; Đà Nẵng...
Thứ ba, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài được chú trọng. Công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thi hành án dân sự tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án. Trong 06 tháng đầu năm, kết quả thi hành án dân sự về tiền đạt mức cao; Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều vụ việc phức tạp; công tác triển khai tập huấn phần mềm quản lý thi hành án dân sự và bước đầu thực hiện thí điểm có hiệu quả phần mềm tại 15 địa phương từ ngày 01/4/2018.
Thứ tư, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp đang được kiện toàn phù hợp với yêu cầu cải cách, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong 06 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-BTP ngày 01/3/2018 về quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức của Bộ Tư pháp và Quyết định số 273/QĐ-BTP ngày 12/02/2018 về quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ Tư pháp, theo đó, việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được các cơ quan tư pháp quan tâm thực hiện và công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức của Ngành cũng được chú trọng.
Thứ năm, toàn Ngành đã tập trung nâng cao chất lượng và giải quyết được khối lượng lớn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó, quan tâm thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước, cụ thể: (i) Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tiếp tục đạt kết quả tích cực; Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch tại 28 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương[3]; (ii) Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết 03 năm thực hiện Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt, 100% số Phiếu được cấp đúng hoặc sớm hơn thời hạn theo quy định; (iii) Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 04 về đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản được duy trì và đẩy mạnh;...
Thứ sáu, Bộ, Ngành Tư pháp chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cùng với việc kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong hoạt động; tiếp tục thực hiện lộ trình xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực này, bảo đảm phát triển bền vững; đồng thời chuẩn hóa quy trình, thủ tục cấp phép, thể hiện: (i) Quản lý nhà nước đối với hoạt động của luật sư, công chứng và đấu giá tài sản được tăng cường, trong 06 tháng đầu năm 2018, số tiền thuế hoặc đóng góp cho ngân sách nhà nước từ các hoạt động này là tương đối lớn; (ii) Bộ Tư pháp đã tiếp tục hoàn thiện thể chế để triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý[4]. Trong 06 tháng đầu năm, số vụ việc được các Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện giảm so với cùng kỳ năm 2017, sở dĩ số vụ việc và số lượt người được trợ giúp giảm mạnh do các địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện trợ giúp đối với vụ việc tham gia tố tụng theo đúng tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý; (iii) Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các địa phương và các cơ quan, tổ chức các Hội nghị đối thoại và các lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, đã thu hút gần 1.000 lượt đại diện doanh nghiệp tham dự.
Thứ bảy, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế; đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước, thỏa thuận, cam kết quốc tế; hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, nhất là với các nước láng giềng, phù hợp với Đề án định hướng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017 - 2020; quản lý nhà nước đối với hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục được tăng cường.
Thứ tám, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018, Bộ Tư pháp và các địa phương đã chú trọng ban hành và triển khai các kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm. Trong 06 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tăng cường triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 315 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 269 triệu đồng; Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị đã tiếp 114 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 275 đơn khiếu nại, 29 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết (giảm khoảng 50% so với cùng kỳ 2017).
Ngoài 08 nhiệm vụ trọng tâm, trong các công tác khác, Bộ, Ngành Tư pháp cũng đã đạt được những kết quả nhất định như: Triển khai 27 đề tài, đề án khoa học cấp Bộ và nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở khác, trong đó, Bộ đang chú trọng nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hệ thống pháp luật, các khía cạnh pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo; nội dung các ấn phẩm, tin bài của Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp Chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà Xuất bản Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp được nâng cao về chất lượng, đa dạng hoá về hình thức, kịp thời thông tin về các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước, các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành; trong công tác thi đua, khen thưởng, Bộ trưởng đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể, 80 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, thành tích xuất sắc theo chuyên đề trong các lĩnh vực công tác; Bộ cũng đã rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho 12 tập thể, 67 cá nhân khối các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương...
Vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc cần khắc phục
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2018 còn có những một số tồn tại, hạn chế sau đây: (i) Việc triển khai nhiệm vụ ở một số đơn vị, địa phương còn chậm, thiếu chủ động; trả lời kiến nghị, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cơ quan tư pháp địa phương chưa kịp thời, một số nội dung trả lời chưa giúp tháo gỡ được thực tiễn vướng mắc ở địa phương; (ii) Vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian trình dự án luật[5]; chất lượng hồ sơ, dự thảo một số dự án chưa bảo đảm yêu cầu, phải rút ra khỏi Chương trình[6]; việc đánh giá tác động của đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo còn mang tính hình thức; (iii) Hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa cao; việc thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật còn dàn trải trong khi nguồn lực còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn chưa đạt nhiều kết quả nổi bật; (iv) Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương còn lúng túng, thiếu thống nhất; đội ngũ làm công tác pháp chế chuyên trách ở địa phương giảm mạnh; (v) Việc triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch chưa đồng bộ, thiếu sự quyết liệt, sáng tạo, nhất là ở cấp địa phương; việc đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn xảy ra những sai sót[7]; (vi) Vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá tài sản còn nhiều; có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản; triển khai hoạt động Thừa phát lại vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2018
Với các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018 được xác định tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 02/01/2018 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018, trong thời gian 06 tháng cuối năm 2018, Bộ, Ngành Tư pháp cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019 bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22.
Hai là, tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành, có hiệu lực, nhất là trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Ngành Tư pháp; tổ chức thực hiện tốt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2022 ban hành theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ba là, tập trung xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế, nhất là ở các địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bảo đảm đúng tinh thần theo đúng các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và yêu cầu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, phấn đấu có thêm ít nhất 10 tỉnh/thành phố áp dụng Phần mềm; giải quyết dứt điểm các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài còn tồn đọng; khắc phục tình trạng tồn đọng thông tin chưa xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; thực hiện hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực con nuôi.
Năm là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp để quản lý tốt và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện không tiếp tục quy định về quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng; nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các địa phương, nhất là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, thừa phát lại.
Sáu là, tập trung xử lý tốt các vụ khiếu kiện quốc tế, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.
Bảy là, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự; từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp kéo dài đã thống nhất về chủ trương. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; xây dựng trình Chính phủ ban hành Đề án giải quyết việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm.
Ảnh: Cục Công nghệ thông tin