Abstract: Community contract - also called as collective contract - is entered between a group of individuals or organizations, having effect to all group members although each member is not a direct signing party of the contract. It may sometimes have applying effect to non-members of the group (e.g. collective labor contract). The article concentrates on analysis to more clearly bring out the concept and fundamental characteristics of community contract from the legal aspect.
1. Khái niệm hợp đồng cộng đồng
Hợp đồng cộng đồng còn được gọi là hợp đồng tập thể (collective contract). Khi phân loại hợp đồng, về mặt học thuật, người ta thường nhắc đến cặp phân loại là hợp đồng cá nhân và hợp đồng cộng đồng. Cách phân loại như vậy làm nổi bật đặc trưng quan trọng của hợp đồng cộng đồng về phương diện chủ thể giao kết, sự biểu lộ ý chí và nhất là về hiệu lực của hợp đồng.
Nếu hợp đồng cá nhân được hiểu là loại hợp đồng do các cá nhân hay pháp nhân đơn lẻ giao kết với nhau và chỉ có hiệu lực áp dụng giới hạn đối với các bên giao kết đó[1], thì hợp đồng cộng đồng có hiệu lực đối với cả những người không tham gia giao kết, ngay cả đối với những người phản đối các điều kiện của hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng cá nhân và hợp đồng cộng đồng rất khác nhau về phương diện hiệu lực. Hợp đồng cộng đồng đã đi ra ngoài khuôn khổ của nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng. Có nhiều nhà phê bình cho rằng hợp đồng cộng đồng không thể là một phần của lý thuyết chung về hợp đồng[2].
Học thuyết về tự do ý chí được xem xét trên nhiều phương diện khác nhau: Về phương diện triết học, học thuyết này cho rằng, không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm điều gì mà họ không muốn; về phương diện đạo đức, học thuyết này cho rằng, không ai có thể bị ép buộc làm hay không làm điều gì mà không xuất phát từ lợi ích của họ; còn về phương diện kinh tế, học thuyết cho rằng, con người cần được đề cao lợi ích cá nhân để thúc đẩy sự phát triển của xã hội[3]. Nếu căn cứ vào nền tảng triết học quan trọng này của hành vi pháp lý nói chung và của hợp đồng nói riêng, có thể thấy, hợp đồng cộng đồng đã phần nào đi ra ngoài nền tảng triết học. Tuy nhiên, một học thuyết không thể bao quát tất cả. Sự phát triển của xã hội khiến nhiều nhà lập pháp thừa nhận các hợp đồng cộng đồng nhằm mục đích tránh xung đột xã hội[4]. PGS. TS Ngô Huy Cương nhấn mạnh ý nghĩa thực sự của tự do ý chí trong đời sống xã hội hiện đại như sau: “Có lẽ tự do ý chí có một giá trị nổi bật là hạn chế sự can thiệp của chính quyền vào tự do của công dân, bên cạnh những giá trị quan trọng khác. Ý tưởng tự do ý chí ra đời thực sự nhằm tới mục tiêu mở rộng tối đa các quyền tự do đối với tài sản và các lợi ích của tư nhân và thu hẹp tối đa sự can thiệp của chính quyền vào khu vực tư nhân”[5]. Như vậy, học thuyết tự do ý chí không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề của hợp đồng trong một xã hội hiện đại. Có lẽ bởi lý do đó, bên cạnh nguyên tắc tự do hợp đồng, các nền tài phán còn đưa các nguyên tắc khác vào các đạo luật trong lĩnh vực luật tư như nguyên tắc thiện chí, nguyên tắc áp dụng tập quán và thói quen ứng xử. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đề cập tới nhiều nguyên tắc khác liên quan tới bảo vệ trật tự công và đạo đức xã hội (Điều 3). Các ngoại lệ mà hợp đồng cộng đồng chứa đựng thực sự đòi hỏi pháp luật phải có quy định rõ ràng hơn về loại hợp đồng này. Có thể giải nghĩa khái niệm hợp đồng cộng đồng (hay hợp đồng tập thể) mang tính tham khảo như sau: “Hợp đồng tập thể là loại hợp đồng được giao kết giữa một nhóm cá nhân hay tổ chức, có hiệu lực áp dụng đối với tất cả các thành viên trong nhóm, cho dù từng thành viên này không phải là bên giao kết trực tiếp hợp đồng, đôi khi còn có hiệu lực áp dụng đối với cả những người không phải là thành viên trong nhóm (ví dụ thỏa ước lao động tập thể)6.
Từ các nghiên cứu ở trên, có thể thấy: (i) Hợp đồng cộng đồng liên quan đến nhiều người trong một hoặc nhiều cộng đồng nhất định; (ii) Hợp đồng cộng đồng có hiệu lực đối với tất cả các thành viên trong một hoặc nhiều cộng đồng nhất định có liên quan, thậm chí có hiệu lực đối với cả những thành viên khác ngoài cộng đồng hoặc các cộng đồng đó; (iii) Yếu tố ý chí của các thành viên bị hợp đồng ràng buộc không phải là yếu tố cần thiết và được xem xét; (iv) Người trực tiếp giao kết nhân danh cộng đồng hoặc các cộng đồng.
Như vậy, hợp đồng cộng đồng có nhiều điểm khác biệt với những loại hợp đồng truyền thống khác mà khiến cho lý thuyết chung cho hợp đồng không thể bao quát. Vấn đề này lý giải cho lý do tại sao các Bộ luật Dân sự được ban hành ở thế kỷ XIX không đề cập tới phân loại hợp đồng cộng đồng. Ngày nay, hợp đồng cộng đồng có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn khiến cho người ta không thể bỏ qua nó. Chẳng hạn, ở Việt Nam hiện nay, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 không đề cập tới hợp đồng cộng đồng, nhưng các đạo luật như Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Phá sản năm 2014 đều có các quy định chi tiết về hợp đồng cộng đồng.
2. Phân loại hợp đồng cộng đồng
Nghiên cứu ở trên cho thấy, có nhiều sự thống nhất ý chí nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật nào đó mà có hiệu lực hay ràng buộc ngay cả với những người không giao kết, thậm chí phản đối sự thống nhất ý chí đó (chẳng hạn như nghị quyết của đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, thỏa ước lao động tập thể). Thế nhưng, những sự thống nhất ý chí như vậy lại là cần thiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Do đó pháp luật vẫn duy trì và kiểm soát chúng. Và khoa học pháp lý gọi đó là hợp đồng cộng đồng. Hợp đồng cộng đồng có thể được chia thành hai loại căn cứ vào hướng biểu lộ ý chí: Một là, hợp đồng giao kết giữa một bên nhân danh một hoặc nhiều cộng đồng với một hoặc nhiều bên khác mà có thể là một cá nhân, một thực thể khác hay một cộng đồng; hai là, hợp đồng giao kết giữa những người trong cùng một cộng đồng. Loại thứ nhất thường thấy trong thỏa ước lao động tập thể. Loại thứ hai thường thấy là nghị quyết của hội đồng, ví dụ như nghị quyết của đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần và nghị quyết của hội nghị chủ nợ trong trường hợp thương nhân bị phá sản.
Trong loại hợp đồng cộng đồng thứ nhất, các bên biểu lộ ý chí đối lập nhau bởi họ trao đổi lợi ích với nhau (nói đơn giản quyền và nghĩa vụ của các bên tương ứng với nhau). Trong loại hợp đồng cộng đồng thứ hai, các bên biểu lộ ý chí đồng hướng với nhau (tuy nhiên có thể ảnh hưởng phần nào tới lợi ích của nhau). Khi nghiên cứu về sự biểu lộ ý chí, có quan điểm cho rằng, trong hợp đồng thông thường hay truyền thống phải có sự biểu lộ ý chí ngược chiều nhau và hướng tới nhau chứ không có sự biểu lộ ý chí của các bên về cùng một đích[7]. Nhận xét này chưa thỏa đáng đối với các loại hợp đồng truyền thống như hợp đồng hôn nhân, hợp đồng lập hội, hương ước… Không thể căn cứ vào hướng biểu lộ ý chí để xác định tính truyền thống hay tính hiện đại của các loại hợp đồng. Thỏa ước lao động tập thể được giao kết giữa cộng đồng người lao động với chủ sử dụng lao động có hướng biểu lộ ý chí ngược chiều nhau và hướng tới nhau giữa hai bên. Song loại hợp đồng này không thể xem là loại hợp đồng truyền thống. Trong khi hợp đồng hôn nhân luôn luôn được xem là loại hợp đồng mà hai bên nam, nữ biểu lộ ý chí đồng hướng nhắm tới mục đích chung sống và duy trì nòi giống. Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần được giao kết giữa các thành viên của công ty với nhau nhằm một hoặc một số công việc hay mục đích cụ thể. Như vậy, xét về hình thức, họ luôn luôn biểu lộ ý chí đồng hướng. Tuy nhiên, xét cụ thể trong từng nội dung, trong từng trường hợp cụ thể, có thể có sự xung đột quyền lợi. Do đó, việc bảo vệ cổ đông thiểu số được đặt ra. Các phân tích này cho thấy, việc phân loại hợp đồng cộng đồng căn cứ vào hướng biểu lộ ý chí chỉ là một thủ pháp để tách các loại hợp đồng cộng đồng ra để nghiên cứu chứ ít có ý nghĩa về nội dung pháp lý.
Xét từ các cách phân loại khác có thể thấy:
(i) Thỏa ước lao động tập thể là hợp đồng hữu danh, hợp đồng thương lượng, hợp đồng song vụ, hợp đồng có đền bù, hợp đồng trọng hình thức, hợp đồng chắc chắn, hợp đồng kéo dài, hợp đồng vì người thứ ba. Hợp đồng hữu danh bởi thỏa ước lao động tập thể được pháp luật quy định một cách rõ ràng và có tên gọi. Hợp đồng thương lượng bởi các bên giao kết có thể thỏa thuận với nhau về các điều kiện của hợp đồng. Hợp đồng song vụ bởi các bên giao kết đều có nghĩa vụ và quyền lợi đối với nhau. Hợp đồng có đền bù bởi mỗi bên đều chịu thiệt để đổi lấy lợi ích từ bên kia. Là hợp đồng trọng hình thức bởi nó phải giao kết theo một trình tự thủ tục do luật định và bằng văn bản. Là hợp đồng chắc chắn bởi nó có hiệu lực khi các bên thỏa thuận thành. Là hợp đồng kéo dài bởi nó được thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Là hợp đồng vì người thứ ba bởi nó là ngoại lệ của nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng và có hiệu lực cả với những người không trực tiếp giao kết hợp đồng.
(ii) Nghị quyết của hội đồng (nghị quyết của đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, nghị quyết của hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, nghị quyết của hội nghị chủ nợ của thương nhân bị phá sản…) là hợp đồng hữu danh, hợp đồng trọng hình thức, hợp đồng hiệp ý, hợp đồng chắc chắn, hợp đồng kéo dài, hợp đồng vì người thứ ba. Các đặc điểm của nghị quyết hội đồng giống với thỏa ước lao động tập thể, trừ đặc điểm là hợp đồng thương lượng, hợp đồng song vụ, hợp đồng có đền bù, hợp đồng trọng hình thức, hợp đồng chắc chắn, hợp đồng kéo dài, có nghĩa là loại hợp đồng này không thể có các đặc điểm đặc thù của hợp đồng có ý chí ngược hướng và đối với nhau như thỏa ước lao động tập thể.
Hợp đồng cộng đồng ngày nay có khuynh hướng gia tăng do hoàn cảnh của thế giới thay đổi. Điều đó có nghĩa là việc thừa nhận và điều chỉnh hợp đồng cộng đồng có ý nghĩa xã hội rất lớn. Mỗi loại hợp đồng cộng đồng trong mỗi lĩnh vực pháp luật có một vai trò và ý nghĩa riêng. Do đó, việc khái quát chung vai trò và ý nghĩa của hợp đồng cộng đồng là rất khó khăn. Tuy nhiên, nhận định trên cũng cho thấy dường như hợp đồng cộng đồng có gì đó chưa thỏa đáng lắm về mặt pháp lý. Trên thực tế, không phải bất cứ thành viên nào trong cộng đồng cũng đồng ý với hợp đồng cộng đồng được giao kết, nhưng hợp đồng vẫn có hiệu lực ràng buộc đối với họ. Đây là điểm trái với học thuyết tự do ý chí, có nghĩa là hợp đồng ảnh hưởng tới lợi ích của người không giao kết hợp đồng ngay cả khi họ phản đối. Chẳng hạn thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động có hiệu lực đối với toàn thể những người lao động. Có quan niệm cho rằng, thỏa ước lao động tập thể là loại hợp đồng có tính cách lập quy tạo ra quy chế chung cho toàn thể lao động nằm ở ranh giới giữa luật công và luật tư, do đó ý chí của cá nhân không thể thay đổi được[8].
3. Hiệu lực của hợp đồng cộng đồng
Hợp đồng cộng đồng có tính chất chung về phương diện hiệu lực như trên đã nghiên cứu là một ngoại lệ của nguyên tắc hiệu lực tương đối của hợp đồng. Nhưng tùy từng loại hợp đồng cộng đồng mà hiệu lực của chúng có sự khác biệt nhất định. Đối với thỏa ước lao động tập thể, mọi thành viên trong cộng đồng đó phải tuân thủ. Pháp luật thường có quy định thời hạn có hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể, quy định về hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể đối với người lao động vào làm việc sau hay trước khi thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, mối quan hệ giữa hợp đồng lao động với thỏa ước lao động tập thể, về trường hợp chấm dứt doanh nghiệp, chia, tách hay sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp và trường hợp có tranh chấp xảy ra. Nghị quyết hội đồng trong pháp nhân và nghị quyết của hội nghị chủ nợ là các loại hợp đồng cộng đồng được giao kết giữa các thành viên trong cùng một cộng đồng đối với nhau. Do đó việc quy định cụ thể về phương diện hiệu lực không được chú ý nhiều. Thông thường pháp luật chú ý hơn tới một khía cạnh liên quan tới hiệu lực của hai loại hợp đồng này là bảo vệ người yếu thế trong giao kết hợp đồng, cụ thể là người ít vốn trong công ty và chủ nợ có khoản nợ nhỏ. Nếu các hợp đồng này đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực thì mọi thành viên của nó đều phải tuân thủ. Thế nhưng, để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và bảo vệ người yếu thế, pháp luật thường cho phép những người này yêu cầu xem xét lại nghị quyết hay hợp đồng với các thủ tục nhất định. Vấn đề có tính chất đặc thù ở đây là các hợp đồng này có hiệu lực đối với cả những người ngoài cộng đồng đó. Nghị quyết hội đồng trong pháp nhân có hiệu lực đối với tất cả các cơ quan của pháp nhân (nếu là nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và nghị quyết của hội đồng thành viên) và những nhân viên có liên quan của pháp nhân. Nghị quyết của hội nghị chủ nợ có hiệu lực đối với cả con nợ đang bị mở thủ tục phá sản, tòa án giải quyết vụ việc phá sản, quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Hiệu lực cụ thể của hợp đồng cộng đồng khó có thể quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật vì tính phong phú nó. Vì vậy, người ta thường quy định hiệu lực của từng loại hợp đồng cộng đồng trong các văn bản tương ứng với loại hợp đồng cộng đồng đó.
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1
[1]. Corinne Renault-Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 26.
[2]. John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 398.
[3]. Ngô Huy Cương, Giáo trình luật hợp đồng phần chung (Dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 24.
[4]. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân Luật luợc khảo, Quyển II - Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất - Nguồn gốc của nghĩa vụ, In lần thứ nhất, Sài Gòn, 1963, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, tr. 70.
[5]. Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật hợp đồng phần chung (dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 35.
[6]. Corinne Renault-Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 26.
[7]. Trần Đình Hảo, “Chương 1- Khái niệm luật dân sự Việt Nam” (tr. 17 - 84), Giáo trình luật dân sự, Học viện Tư pháp, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 136.
[8]. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân Luật luợc khảo, Quyển II - Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất - Nguồn gốc của nghĩa vụ, In lần thứ nhất, Sài Gòn, 1963, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, tr. 246.