1. Khuôn khổ thể chế và thiết chế pháp lý của ASEAN về quyền con người
Theo khoản 7 Điều 1 Hiến chương ASEAN thì một trong những mục tiêu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người. Đối với ASEAN, do các đặc điểm riêng về văn hóa - xã hội, các nước ASEAN nhìn nhận các quyền của cá nhân phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với quyền của các cá nhân khác, gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, ASEAN có một hệ thống triết lý và chính sách công nhận, bảo vệ quyền con người tương đối đặc thù, trong đó, các yếu tố về văn hóa, chính trị, xã hội tại mỗi quốc gia luôn được xem xét đến, điều này thể hiện rõ trong các văn kiện pháp lý liên quan đến quyền con người của ASEAN.
1.1. Thể chế pháp lý của ASEAN về quyền con người
Mặc dù Hiến chương ASEAN ghi nhận mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người nhưng cho đến nay, ASEAN chưa xây dựng được một hệ thống các quy định về quyền con người mang tính quy phạm ràng buộc chung cho cả khu vực. ASEAN chỉ mới thông qua một số văn kiện mang tính cam kết chính trị, tự nguyện ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, gồm: Tuyên ngôn ASEAN về quyền con người năm 2012 (AHRD), Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư năm 2007, Đồng thuận của ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư năm 2019..., trong đó, AHRD là văn bản quan trọng, có tính bao quát nhất của ASEAN về quyền con người.
Trong phạm vi bài viết này, để tránh đi sâu vào các các nhóm quyền hoặc các nhóm chủ thể quyền riêng biệt, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu AHRD. AHRD bao gồm 40 điều và được chia thành 07 phần là: Phần mở đầu; những nguyên tắc chung; các quyền dân sự và chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền phát triển; quyền hòa bình và hợp tác trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Phần mở đầu và nguyên tắc chung (Điều 1 đến Điều 9) của AHRD khẳng định lại các cam kết của quốc gia thành viên ASEAN với Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (UDHR), Hiến chương Liên Hợp Quốc và các điều ước quốc tế về quyền con người mà các quốc gia ASEAN là thành viên; cũng như ghi nhận các nguyên tắc phổ quát về bảo vệ các quyền con người quan trọng như bình đẳng, không phân biệt đối xử, quyền được công nhận và bảo vệ trước pháp luật; đối xử cân bằng giữa các quyền, bảo đảm sự không thiên vị, khách quan… AHRD nhấn mạnh, các quốc gia ASEAN là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền, tự do cơ bản (Điều 6). Đặc biệt, AHRD cũng ghi nhận các nguyên tắc mang tính đặc thù của ASEAN như nguyên tắc cân bằng giữa quyền và trách nhiệm với cá nhân khác, cộng đồng và xã hội (Điều 6, Điều 8), việc hiện thực hóa các quyền phải tính đến hoàn cảnh khu vực, quốc gia có tính đến sự khác biệt của các quốc gia (Điều 7) và không chính trị hóa các vấn đề về quyền con người (Điều 9).
Về các quyền cụ thể (từ Điều 10 đến Điều 38), AHRD ghi nhận lại hầu hết các quyền quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đã được nêu tại Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (UDHR). Đồng thời, AHDR cụ thể hơn một số quyền đã ghi nhận tại UDHR, ví dụ: AHRD ghi nhận một số quyền chưa được cụ thể tại UDHR như quyền về nước sạch và vệ sinh (khoản e Điều 28), quyền về môi trường an toàn, sạch và bền vững (khoản f Điều 28), quyền được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử trong điều trị cho các cá nhân nhiễm HIV/AIDS (Điều 29). Đặc biệt, AHRD ghi nhận riêng biệt về quyền hòa bình của các cá nhân và các dân tộc (Điều 38). Đây là một quyền chưa từng được ghi nhận một cách trực tiếp hay gián tiếp trong UDHR[1].
Các điều 39, 40 của AHRD quy định cơ chế hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó, Điều 40 AHRD nhấn mạnh, các quy định tại AHRD không thể được diễn giải hàm ý để làm tổn hại các nguyên tắc, mục đích hoạt động của ASEAN hay xâm phạm quyền và tự do được ghi nhận tại Tuyên ngôn hay các điều ước quốc tế khác về quyền con người mà các quốc gia ASEAN là thành viên.
Mặc dù AHRD có các nội dung khá tiến bộ về bảo vệ quyền con người nhưng AHRD là một văn kiện không ràng buộc. Do đó, tác động trên thực tế của nó đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại khu vực ASEAN chưa thực sự rõ ràng.
1.2. Các thiết chế pháp lý của ASEAN về bảo vệ quyền con người
Năm 2009, ASEAN thành lập Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) trên cơ sở Điều 14 Hiến chương ASEAN. Nội dung, cách thức hoạt động của AICHR được cụ thể hóa tại Quy chế hoạt động của AICHR (Quy chế AICHR).
AICHR hướng tới mục đích “duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế” và “thúc đẩy nhân quyền trên cơ sở bối cảnh khu vực, ghi nhớ tính đặc thù của từng nước và của khu vực, tôn trọng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, có tính đến sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm” (Điều 1) thống nhất với nguyên tắc hoạt động của ASEAN tại các điểm i, l khoản 2 Điều 2 Hiến chương ASEAN. Các nguyên tắc hoạt động khác của AICHR cũng được quy định tại Điều 2 Quy chế AICHR và nhắc lại hầu hết các nguyên tắc của ASEAN tại Hiến chương. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 2 Quy chế AICHR cũng khẳng định rằng, các quốc gia thành viên ASEAN có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
AICHR được xác định là cơ quan tư vấn trong cơ cấu tổ chức ASEAN (Điều 3 Quy chế AICHR). AICHR đảm nhiệm 14 chức năng, nhiệm vụ (Điều 4 Quy chế AICHR), trong đó, có thực hiện tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho quốc gia thành viên ASEAN cũng như tham vấn ý kiến với tổ chức quốc tế, quốc gia ngoài ASEAN và các tổ chức khác có liên quan về vấn đề quyền con người. Nhiệm vụ của AICHR cũng có thể mở rộng tới bất kỳ nội dung nào khác theo giao việc từ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (Điều 4.14 Quy chế AICHR). Tính đến nay, các hoạt động chính của AICHR chủ yếu liên quan đến việc thúc đẩy các quyền con người ở khu vực thông qua hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm tốt... Mặc dù có chức năng tham vấn (Điều 4.6 Quy chế AICHR), tuy nhiên, chưa có thông tin công khai về việc thực hiện hoạt động tham vấn của AICHR với quốc gia thành viên ASEAN.
Về cơ cấu tổ chức, Điều 5 Quy chế AICHR xác định thành viên của Ủy ban là đại diện của các quốc gia thành viên; được lựa chọn trên cơ sở trình độ chuyên môn và uy tín của họ trong lĩnh vực quyền con người, có sự cân nhắc tới yếu tố bình đẳng giới. Hầu hết đại diện các quốc gia tại AICHR là quan chức ngoại giao đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu và một số ít là các chuyên gia độc lập, luật sư[2]. Bên cạnh đó, kể từ khi được thành lập vào năm 2007 đến nay, chỉ có khoảng 30% đại diện tại AICHR là nữ. Các thành viên của AICHR sẽ làm việc với nhiệm kỳ 03 năm và có thể được bổ nhiệm thêm 01 nhiệm kỳ tiếp theo. Chủ tịch AICHR là đại diện của quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN (chức vụ này được luân phiên giữa các quốc gia ASEAN)[3].
Về nguồn lực, hoạt động của AICHR được bảo đảm từ ngân sách của ASEAN (được tài trợ bởi các quốc gia trên cơ sở tự nguyện và các nguồn tài trợ khác) (các điều 8.2 - 8.6 Quy chế AICHR). Việc sử dụng ngân sách cho hoạt động của AICHR phải được lập kế hoạch theo năm và do Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN xem xét, phê chuẩn (Điều 8.2 Quy chế AICHR). Hiện nay, chưa có nhiều thông tin công khai về mức ngân sách được phê duyệt hàng năm của AICHR nhưng mức ngân sách hàng năm được dự đoán là không cao do kinh phí khởi điểm của AICHR được các quốc gia thành viên ASEAN đóng góp khi thành lập chỉ khoảng 200.000 USD[4]. Kinh phí hoạt động từ năm 2010 đến năm 2018 của AICHR là khoảng 6 triệu USD và dành cho 21 hoạt động được các quốc gia thành viên thông qua[5]. Về hỗ trợ nhân lực, AICHR không có bộ máy riêng. Ban Thư ký ASEAN chịu trách nhiệm hỗ trợ nhân lực cho AICHR (dưới hình thức kiêm nhiệm).
Ngoài AICHR, hiện nay, ASEAN đã thành lập thêm Ủy ban Liên Chính phủ về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và Ủy ban Liên Chính phủ về thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư (ACMW). Tương tự AICHR, ACWC và ACMW cũng là các cơ quan tư vấn thuộc ASEAN nhưng giới hạn phạm vi hoạt động ở các khía cạnh quyền con người cụ thể là quyền của phụ nữ và trẻ em và quyền của người lao động di cư[6]. Mặc dù quy chế hoạt động của các Ủy ban nói trên cho phép sự phối hợp giữa các Ủy ban nhưng trên thực tế, sự hợp tác, phối hợp giữa các Ủy ban này chưa cao.
Có thể thấy, việc thành lập AICHR là một đột phá, tiến bộ trong việc thiết lập cơ chế bảo vệ và bảo đảm quyền con người của các quốc gia ASEAN nhưng cũng còn một số điểm hạn chế sau đây:
Thứ nhất, AICHR là cơ quan tư vấn của ASEAN nên bị giới hạn về chức năng, nhiệm vụ hơn so với các thiết chế bảo vệ quyền con người trên cơ sở các chuẩn mực của Liên Hợp Quốc.
Thứ hai, đối với chức năng tư vấn, Điều 4.9 và các quy định khác tại Quy chế AICHR cũng chưa chỉ rõ phương thức mà cơ quan này thực hiện chức năng tư vấn cho các quốc gia. Hiện nay chưa rõ chức năng này của AICHR được kích hoạt trên cơ sở yêu cầu của quốc gia thành viên hay AICHR có thể chủ động đưa ra tư vấn khi nhận thấy các nguy cơ, sự kiện về quyền con người.
Bên cạnh đó, hoạt động thường niên của AICHR được lên kế hoạch và được thông qua bởi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trên nguyên tắc đồng thuận (Điều 6.1, Điều 8.1 Quy chế AICHR và Điều 20 Hiến chương ASEAN). Trong khi đó, mỗi quốc gia ASEAN có những mối quan tâm rất khác nhau liên quan đến quyền con người nên các hoạt động của AICHR chỉ giới hạn chủ yếu ở nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm ở một số chủ đề như quyền của phụ nữ, trẻ em, quyền được sống, phòng chống tra tấn...
Thứ ba, AICHR dường như chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả. AICHR bị giới hạn về tài chính, nhân lực.
Những hạn chế nêu trên cũng tồn tại ở các thiết chế về quyền con người khác của ASEAN như ACWC hay ACMW.
2. Giải pháp hoàn thiện khuôn khổ thể chế và thiết chế pháp lý của ASEAN về quyền con người
Trong nhiều năm, các học giả đã đưa ra các phương hướng cải tổ nhằm giúp ASEAN có một cơ chế thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách hiệu quả hơn, trong đó, có các gợi ý về việc thông qua một văn kiện pháp lý có tính ràng buộc trên cơ sở AHRD và thành lập Tòa án về quyền con người trên cơ sở AICHR. Tuy nhiên, để thực hiện các hoạt động như vậy đòi hỏi sự cải tổ sâu, rộng của khuôn khổ pháp lý về quyền con người ASEAN và cần tiến hành trong một giai đoạn dài[7]. Do đó, song song với việc nghiên cứu, thực hiện một giải pháp dài hạn, có tính can thiệp như vậy, các quốc gia ASEAN có thể cân nhắc tới các giải pháp ngắn hạn và ít can thiệp hơn để dần nâng cao hiệu quả của cơ chế hiện có như:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế báo cáo tự nguyện về tình hình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Theo đó, các quốc gia có thể tự nguyện, chủ động thông tin tình hình ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người của mình và tiếp nhận khuyến nghị từ các quốc gia ASEAN khác. Cơ chế này có thể tương tự như các cơ chế báo cáo định kỳ dựa trên các điều ước quốc tế hay cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà các quốc gia ASEAN đang thực hiện. Tuy nhiên, nội dung báo cáo tự nguyện sẽ chủ yếu dựa trên nội dung của AHRD. Thông tin, kinh nghiệm mà các quốc gia trao đổi theo phương thức này sẽ toàn diện, chính thức hơn cơ chế trao đổi thông tin, kinh nghiệm tốt theo các chủ đề hẹp mà AICHR hay các thiết chế hiện có đang thực hiện.
Thứ hai, nghiên cứu, sửa đổi Quy chế AICHR và quy chế hoạt động của các thiết chế hiện có để tăng hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế này, trong đó:
- Xác định rõ ràng hơn và bổ sung các nhiệm vụ, chức năng về “bảo đảm quyền con người” cho các thiết chế như AICHR, ACWC và ACMW. Chức năng tham vấn của các thiết chế này cũng nên được xác định rõ ràng về phương thức thực hiện.
- Hoàn thiện quy định cơ cấu thành viên của các Ủy ban để tăng mức độ độc lập của các thiết chế này.
- Quy định các thiết chế về quyền con người của ASEAN phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn.
Thứ ba, tập trung các hoạt động của AICHR và các thiết chế hiện có vào thúc đẩy các quốc gia thành viên gia nhập các điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là ICCPR, ICESCR.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, ASEAN cũng đã chủ động thực hiện một số hoạt động cải tổ cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại khu vực. Điều này có thể thấy rõ qua các kế hoạch hành động dài hạn của AICHR giai đoạn 2021 - 2025. Theo Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, các hoạt động được đề ra để tăng cường hiệu quả của AICHR đã được thiết kế rõ ràng, thiết thực, trong đó xác định rõ các hoạt động tham vấn, đưa ra khuyến nghị để hiện thực hóa AHRD tại các quốc gia thành viên (Lĩnh vực ưu tiên 1.1); chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hiệu quả hoạt động báo cáo định kỳ của các quốc gia thành viên theo các cơ chế bảo vệ quyền con người quốc tế (Lĩnh vực ưu tiên 1.2); thúc đẩy các hoạt động làm việc thực địa của AICHR tại các quốc gia thành viên trên cơ sở tự nguyện (Lĩnh vực ưu tiên 2.2)…
3. Vai trò của Việt Nam trong tiến trình cải tổ thể chế và thiết chế pháp lý của ASEAN về quyền con người
Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam là một trong các quốc gia có sự ổn định cao về chính trị, xã hội, mức độ phát triển kinh tế nhanh trong những năm gần đây. Điều này tạo cho Việt Nam những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt Nam cũng là quốc gia có quan điểm, đường lối rõ ràng và chính sách cởi mở, tích cực trong công nhận, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người. Điều này thể hiện ở mức độ tham gia sâu, rộng của Việt Nam vào các cơ chế bảo vệ quyền con người ở tầm toàn cầu, khu vực. Việt Nam đã gia nhập 7/9 điều ước “cốt lõi” về quyền con người của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng tham gia đầy đủ, chủ động vào cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người với số lượng khuyến nghị chấp thuận rất lớn. Kết quả thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận rất tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng đã được tín nhiệm bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và đang ứng cử là thành viên nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ngoài các cơ chế liên quan trực tiếp đến quyền con người kể trên, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các điều ước quốc tế của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục (các điều ước quốc tế của UNESCO), lao động (điều ước quốc tế của ILO), bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia chủ động, tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Trên thực tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Kết quả thực hiện các SDGs của Việt Nam cũng rất khả quan với nhiều kết quả tích cực trong giảm nghèo đa chiều; tăng mức độ phổ cập của bảo hiểm y tế; đảm bảo tỷ lệ đến trường của trẻ em; đảm bảo mức độ tham gia cao của phụ nữ trong quản lý xã hội; tăng tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận nước sạch, điện, internet[8]… Các nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Việt Nam cũng thể hiện rõ nét trong giai đoạn phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Sau nhiều làn sóng dịch bệnh, Việt Nam vẫn duy trì hệ thống y tế phòng, chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện cho việc tiếp tục phát triển kinh tế; người dân vẫn được tạo điều kiện để thụ hưởng các quyền con người ở mức cao, đặc biệt là các quyền tự do đi lại, tiếp cận thông tin, chăm sóc y tế, học tập... Tính đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia ASEAN có tỉ lệ người nhiễm bệnh thấp trong khu vực[9], là quốc gia được dự đoán có khả năng duy trì mức tăng tổng sản lượng nội địa (GDP) cao nhất khu vực[10].
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia hoạt động tích cực, thiện chí của ASEAN. Trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AICHR. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các chương trình nghị sự quan trọng nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực trên cơ sở tuân thủ Quy chế AICHR, Hiến chương ASEAN… Các cuộc họp thường kỳ của AICHR được Việt Nam duy trì thông qua các cuộc họp trực tuyến. Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của AICHR với nhiều điểm tiến bộ cũng được thông qua trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam[11].
Từ những khía cạnh này, có thể thấy rằng, trong tương lai, Việt Nam có cơ hội và các điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn nữa vào tiến trình cải tổ cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của ASEAN. Những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc gia nhập, thực hiện các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người của Liên Hợp Quốc cũng như hiện thực hóa các quy định của AHRD có giá trị tham khảo cao đối với các quốc gia ASEAN; đồng thời, đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể đề xuất các sáng kiến, giải pháp khả thi giúp hoàn thiện cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của ASEAN.
TS. Trần Anh Tuấn & ThS. Phạm Thùy Linh
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Mặc dù được thảo luận từ những năm 80 của thế kỷ XX thông qua Tuyên ngôn về quyền được hòa bình của các dân tộc, đến năm 2016, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới thông qua Tuyên ngôn về quyền hòa bình (Nghị quyết A/71/189) ghi nhận quyền được hưởng sự hòa bình của các cá nhân như một quyền con người, truy cập tại https://www.refworld.org/docid/589c72134.html.
Xem thêm tại: Christian Guillermet Fernandez và David Fernandez Puyana, The Adoption of the Declaration on the Right to Peace by the United Nations: a Human Rights Landmark, Peace Human Rights Governance, tập 1, Số 2 năm 2017, truy cập tại http://phrg.padovauniversitypress.it/system/files/papers/2017_2_6.pdf .
[2]. Solidarity to Asian People’s Advocacy/ Task Force on ASEAN and Human Rights, A report on the performance of the ASEAN Human Rights Mechanism in 2016: Have they passed the limit test?, năm 2016, trang 15 và AICHR, AICHR Representatives 2016 -2018, truy cập tại https://aichr.org/aichr-representatives-1/.
[3]. Khoản 5.9 Quy chế AICHR.
[4]. Yuyun Wahyuningrum (2014), The ASEAN Intergovernmental Commission on Human Rights: Origins, Evolution and the Way Forward, International Institute for Democracy and Electoral Assisstance, Stockholm, trang 15, truy cập tại https://www.idea.int/sites/default/files/publications/the-asean-intergovernmental-commission-on-human-rights-origins-evolution-and-the-way-forward.pdf.
[5]. Joint Statement: ASEAN needs a stronger human rights mechanism, ReliefWeb, truy cập tại https://reliefweb.int/report/world/joint-statement-asean-needs-stronger-human-rights-mechanism (ngày 10/5/2019).
[6]. AICHR được thành lập dựa trên Điều 14 Hiến chương ASEAN và có Quy chế được thông qua bởi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao. AICHR do đó thuộc Cộng đồng Chính trị - An ninh của ASEAN. Trong khi đó, ACWC được thành lập dựa trên Quy chế được thông qua bởi Hội nghị Bộ trưởng về phúc lợi xã hội và phát triển và do đó, thuộc Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của ASEAN. Thông tin xin xem thêm tại https://www.upr-info.org/en/upr-process/what-is-it/brief-history-of-the-upr và https://acwc.asean.org/about/.
[7]. Phan Duy Hao (2019), “A Blueprint For a Southease Asian Court of Human Rights”, Asian-Pacific Law & Policy Journal, Vol 10 (2).
[8]. UNDP, Sustainable Development Goals: Vietnam, truy cập tại https://sustainabledevelopment.un.org/ memberstates/vietnam.
[9]. Center for Strategic & International Studies, Southeast Asia Covid-19 Tracker, truy cập tại https://www.csis.org/programs/southeast-asia-program/southeast-asia-covid-19-tracker-0.
[10]. Center for Strategic & International Studies, Southeast Asia Covid-19 Tracker, tlđd; xem thêm tại ASEAN, Policy Brief – Economic Impact of Covid-19 Outbreak on ASEAN, truy cập tại https://asean.org/storage/2020/04/ASEAN-Policy-Brief-April-2020_FINAL.pdf (tháng 4/2020) và Aaron O’Neil, Gross Domestic Product of the ASEAN countries from 2010 to 2020, Statista, truy cập tại https://www.statista.com/statistics/796245/gdp-of-the-asean-countries/ (ngày 01/4/2021).
[11]. ASEAN đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong AICHR, Công an nhân dân Online, truy cập tại http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/ASEAN-danh-gia-cao-vai-tro-dan-dat-cua-Viet-Nam-trong-AICHR-621280/ (ngày 26/11/2020).