Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Năm, năm 2025 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang “tăng tốc”, “về đích” để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng, kỷ niệm các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của đất nước diễn ra trong năm 2025; thực hiện các quyết sách chiến lược, các chuyển đổi mang tính cách mạng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng. Cụ thể:
1. Về đối tượng tham gia dự thi
Đối tượng tham gia dự thi gồm:
- Người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, người nước ngoài có tác phẩm chính luận phù hợp với tiêu chí của Cuộc thi đều có quyền dự thi (trừ các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Tổ thư ký giúp việc và Hội đồng Giám khảo Cuộc thi).
- Tác giả/nhóm tác giả tham gia dự thi không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và các quy định khác của pháp luật.
- Khuyến khích sự tham gia của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đội ngũ nghiên cứu viên, giảng viên lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở nghiên cứu; học viên, sinh viên các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương; thành viên, chuyên gia, cộng tác viên của Ban Chỉ đạo 35 các cấp; sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí, truyền thông của trung ương và địa phương; đoàn viên, thanh niên các tổ chức đoàn ở trung ương và địa phương, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức.
2. Về số lượng tác phẩm tham dự
- Với cá nhân: mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi dự thi tối đa 05 tác phẩm dự thi, gồm:
+ Tối đa 02 tác phẩm dạng viết: 01 bài viết chính luận thể loại tạp chí (tạp chí in hoặc tạp chí điện tử) và 01 bài viết chính luận thể loại báo (báo in hoặc báo điện tử). Mỗi bài viết gửi dự thi gồm bản in (khổ A4, bìa mềm), file mềm (định dạng Microsoft Word) và minh chứng công bố tác phẩm (nếu có).
+ Tối đa 03 tác phẩm đa phương tiện: 01 tác phẩm thể loại phát thanh; 01 tác phẩm thể loại truyền hình và 01 tác phẩm thể loại video clip. Mỗi tác phẩm dự thi gồm file phát thanh/truyền hình/video clip (định dạng mp3/mp4) và bản in kịch bản (định dạng Microsoft Word).
- Với tập thể:
+ Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: mỗi đơn vị gửi tối đa 200 tác phẩm cho tất cả các thể loại tham gia dự thi cấp trung ương.
+ Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Quốc hội và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trung ương: mỗi đơn vị gửi tối đa 100 tác phẩm cho tất cả các thể loại tham gia dự thi cấp trung ương.
+ Ban Chỉ đạo 35 các đơn vị/địa phương khác: mỗi đơn vị/địa phương gửi không quá 80 tác phẩm cho tất cả các thể loại tham gia dự thi cấp trung ương.
3. Về tiêu chí đối với tác phẩm dự thi
3.1. Tiêu chí chung
- Tác phẩm dự thi là tác phẩm chính luận bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch tiếng Việt) thuộc một trong các thể loại: tạp chí (in hoặc điện tử), báo (in hoặc điện tử), phát thanh, truyền hình, video clip, bảo đảm quy định về hình thức nêu tại Thể lệ Cuộc thi, trong đó:
+ Tác phẩm dự thi sẽ được tổ chức chấm kín, vì vậy, tác giả/nhóm tác giả cung cấp thông tin cá nhân ở một trang riêng đính kèm phía sau tác phẩm hoặc kịch bản. Không đóng bìa cứng, gáy xoắn; không in trên giấy ảnh, giấy màu; không gắn thông tin cá nhân của tác giả/nhóm tác giả vào bất cứ nội dung nào của tác phẩm.
+ Đối với tạp chí, tác phẩm được trình bày dưới dạng một bài viết chính luận trên tạp chí in hoặc tạp chí điện tử, có tóm tắt không quá 150 từ, có từ 03 đến 05 từ khóa, bài viết tối thiểu 4.000 từ - tối đa 6.000 từ (không tính chú thích và tài liệu tham khảo, thông tin tác giả).
+ Đối với báo, tác phẩm được trình bày dưới dạng một bài báo chính luận trên báo in hoặc báo điện tử, trong đó: đối với báo in, có tóm tắt không quá 150 từ, một bài viết không quá 4.000 từ (không tính chú thích tài liệu, thông tin tác giả); đối với báo điện tử có sapo không quá 60 từ, một bài viết không quá 2.000 từ (không tính chú thích tài liệu, thông tin tác giả), với bài viết nhiều kỳ: không quá 03 kỳ, mỗi kỳ không quá 2.000 từ, mỗi kỳ có thể kết cấu như một bài viết độc lập nhưng tổng thể các kỳ có nội dung liên quan đến chủ đề chung của bài viết.
+ Đối với phát thanh, tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (không quá 03 kỳ), mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có độ dài tối đa không quá 30 phút.
+ Đối với truyền hình, mỗi tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (mỗi loạt bài không quá 03 kỳ); mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có độ dài tối đa không quá 30 phút.
+ Đối với video clip, mỗi tác phẩm là một video clip có độ dài tối đa không quá 05 phút.
- Tác phẩm dự thi là sản phẩm sáng tạo lần đầu, chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội tính đến thời điểm phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Năm, năm 2025 (ngày 20/10/2024).
- Sau khi gửi tác phẩm tham gia dự thi, khuyến khích các tác giả/nhóm tác giả công bố tác phẩm trên tạp chí, báo, đài, mạng xã hội.
- Các tác phẩm dạng viết phải bảo đảm tỷ lệ không trùng lặp so với các công trình khác của chính tác giả/nhóm tác giả hoặc của tác giả/nhóm tác giả khác (không quá 20% đối với thể loại Tạp chí, không quá 25% đối với thể loại báo).
3.2. Tiêu chí về chủ đề, nội dung và cách thức thể hiện
- Chủ đề tác phẩm tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm, những vấn đề mới về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay (Phụ lục định hướng chủ đề ban hành kèm theo Kế hoạch số 57-KH/HVCTQG).
- Tác phẩm dự thi bảo đảm tính khoa học, tính đảng, tính chiến đấu, tính định hướng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.
- Khuyến khích các tác phẩm có cách thức thể hiện sáng tạo, độc đáo, có những thông tin cập nhật, có phát hiện mới.
3.3. Về bản quyền
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền.
- Các tác phẩm đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội phải thông báo và gửi minh chứng công bố/đăng tải kèm theo về cơ quan, đơn vị thu nhận tác phẩm hoặc gửi về đơn vị thường trực Cuộc thi.
- Tác giả/nhóm tác giả hoặc cơ quan liên quan không sử dụng tác phẩm tham gia cuộc thi này để tham gia các cuộc thi khác.
4. Thời gian nhận hồ sơ, tác phẩm dự thi
Ban Tổ chức Cuộc thi cấp trung ương nhận hồ sơ, tác phẩm dự thi từ thời điểm họp báo công bố triển khai Cuộc thi (ngày 06/02/2025) cho đến hết ngày 15/7/2025 (tính theo dấu bưu điện).
Ban Tổ chức cuộc thi không chịu trách nhiệm nếu tác phẩm dự thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện. Ban Tổ chức Cuộc thi không hoàn trả lại tác phẩm gửi dự thi trong mọi trường hợp.
(Ảnh: Internet)