Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Xuân Phong, Trưởng Ban nghiên cứu Pháp luật quốc tế, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, trong bối cảnh phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay, nhiều vấn đề và tình huống pháp lý chưa có tiền lệ lại liên tục xuất hiện với tần suất cao, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các quy định pháp luật truyền thống, việc lẽ công bằng được coi là một nguồn luật hiệu quả để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mới phát sinh là điều được dự báo có thể sẽ trở thành thực tế. Tại Việt Nam, các Tòa án đã xét xử một số vụ tranh chấp dân sự dựa trên cơ sở lẽ công bằng, thể hiện ở việc sử dụng các thuật ngữ như “sự công bằng”, “lẽ công bằng” trong bản án.
Theo PSG.TS. Ngô Quốc Chiến, sử dụng lẽ công bằng để điều chỉnh các quan hệ pháp luật nói chung và các quan hệ pháp luật dân sự nói riêng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử ở Pháp (quốc gia tiêu biểu cho hệ thống thông luật Civil Law). Tuy nhiên, giới luật ở Pháp đã đi đến thống nhất về chức năng cơ bản của lẽ công bằng là chức năng bổ khuyết và sửa chữa, tức lẽ công bằng đóng vai trò bổ khuyết để lấp đầy các khoảng trống pháp lý khi mà luật của Nhà nước không có quy định và lẽ công bằng đóng vai trò sửa chữa khi mà luật của Nhà nước có nhưng hậu quả của việc áp dụng luật lại tạo ra bất công quá hiển nhiên cho đương sự hoặc cho xã hội. Pháp luật dân sự Việt Nam đã ghi nhận việc áp dụng lẽ công bằng trong khi giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, sự ghi nhận này còn có phần “dè dặt”, bởi lẽ, do tính phức tạp và dễ biến động nên pháp luật của Pháp cũng như Việt Nam không đưa ra định nghĩa mà trao quyền cho cơ quan xét xử tự xác định dựa vào các tình tiết cụ thể của tranh chấp.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Bích Thảo, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ở Hoa Kỳ (quốc gia tiêu biểu cho hệ thống thông luật Common Law), lẽ công bằng là một loại nguồn luật được sử dụng thường xuyên, đã phát triển thành một hệ thống quy tắc khá ổn định và có cấu trúc, chứ không phải là lẽ công bằng mang tính trừu tượng. Lẽ công bằng ở Hoa Kỳ chủ yếu được Tòa án áp dụng thông qua tố tụng tư pháp, sau đó phát triển thành án lệ, rồi từ án lệ pháp điển hóa thành quy định của luật thành văn. Trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, không có quy định nào về thứ tự áp dụng giữa các loại nguồn luật, không xếp lẽ công bằng xuống hàng cuối cùng mà lẽ công bằng trở thành một phần tất yếu, vốn có trong lập luận của thẩm phán, luôn được thẩm phán viện dẫn.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các báo cáo viên chia sẻ về kinh nghiệm của một số nước ASEAN trong việc sử dụng lẽ công bằng trong điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự như Singapore, Philippines… đồng thời cũng đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận xoay quanh vấn đề áp dụng kinh nghiệm về lẽ công bằng của các quốc gia trên thế giới tại Việt Nam và Việt Nam nên tiếp cận như thế nào để hoàn thiện, lấp đầy “lỗ hổng” pháp luật, bảo đảm công bằng xã hội.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Cao Xuân Phong, Trưởng Ban nghiên cứu Pháp Luật quốc tế, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các báo cáo viên và ghi nhận những ý kiến đóng góp của tất cả các đại biểu đã chia sẻ những thông tin có giá trị khoa học, bổ ích, mở ra những góc nhìn mới, là tài liệu tham khảo thiết thực trong quá trình nghiên cứu, phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam./.
Diệp Linh