1. Vai trò của báo chí trong xây dựng cộng đồng[1]
Ngày nay, ở Hoa Kỳ đang sống trong một kỷ nguyên trong đó cả nhà báo lẫn công chúng đang đấu tranh để đạt được một sự nhất trí về vấn đề thế nào là báo chí đúng đắn. Nếu chỉ các nhà báo nghĩ rằng họ đang làm việc tốt thì không đủ. Để cho báo chí tiếp tục nhận được sự bảo vệ của Hiến pháp và tiếp tục thu hút được độc giả và khán giả, độc giả và khán giả phải nhất trí rằng báo chí đóng vai trò cốt yếu trong xã hội dân chủ. Cựu Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, Colin Powell đã phát biểu với Hội Báo chí Hoa Kỳ (ngày 25/3/2001) rằng, báo chí đô thị Mỹ, dù lớn hay nhỏ, đều phản ánh cuộc sống hàng ngày của đất nước ta, nhân dân ta... tựu trung lại, báo chí của cộng đồng không chỉ thông tin về nền tự do Mỹ, đó chính là nền tự do Mỹ[2].
Tuy nhiên, gần đây đã có những dữ liệu đáng lo ngại cho thấy rằng tình hình hiện nay không phải là như vậy. Các cuộc điều tra quốc gia là những căn cứ chứng minh rằng, có sự phẫn nộ dữ dội đối với báo chí Hoa Kỳ và hoạt động của nó. Ngạo mạn, thiếu nhạy cảm, thiên vị, không chính xác, giật gân là những từ mà công chúng sử dụng để miêu tả đặc trưng của báo chí. Ngày càng có nhiều người nhất trí là tin tức không còn mới mẻ và chính xác. Vấn đề lớn đặt ra hiện nay là liệu các nhà báo có biết làm thế nào để đính chính lại những điều này không?
Báo chí công dân định nghĩa lại sự cân bằng. Các nhà báo thường đưa tin về cả hai mặt của một sự việc và tin rằng như vậy là công bằng và cân bằng. Các nhà báo công dân cho rằng, cách nói đưa tin hai chiều thích hợp hơn là “đưa tin cân bằng”. Cân bằng là ở giữa, không ở các thái cực. Các nhà báo công dân cố gắng đảm bảo rằng, tất cả những người có ảnh hưởng bởi một vấn đề đều có một tiếng nói trong bài báo, chứ không phải chỉ là những người đề xướng những quan điểm cực đoan nhất gửi thông cáo báo chí đến cho chúng ta. Và các nhà báo công dân không sợ đưa tin về một tình hình mơ hồ, khi mà người dân còn đang nghĩ xem họ cảm thấy thế nào. Báo chí công dân cũng sẽ là nơi cho người dân tham gia và khuyến khích sự tương tác giữa nhà báo và công dân. Báo chí công dân cố gắng tạo nên đối thoại hai chiều đối với độc giả, ngược lại với việc truyền tải thông tin một chiều, bỏ qua nhiều tin tức về công chúng như thường thấy trong báo chí truyền thống. Sự tác động qua lại lẫn nhau có thể diễn ra trên các trang tin tức, trên sóng truyền hình, trong không gian điện tử và đôi khi cả ở không gian thực tại là các diễn đàn và các cuộc họp ở Tòa thị chính.
Những điểm chính của báo chí công dân là: Đối với cộng đồng, chúng ta thấy đây là báo chí có chất lượng, nó cải thiện khả năng giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Những nỗ lực của báo chí công dân làm gia tăng đáng kể kiến thức của người đọc về một vấn đề cụ thể và có ảnh hưởng một cách tích cực tới quan niệm của người dân về truyền thông đại chúng; đối với báo chí, chúng ta thấy rằng, đó là cách đưa tin sâu, phản ánh cộng đồng một cách thực chất, chứ không phải là loại báo chí phản ánh máy móc chỉ hai mặt của một vấn đề. Các phóng viên đang tái khám phá cộng đồng mình và phá bỏ một số khuôn mẫu cũ.
2. Vai trò của báo chí, truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người ở Hoa Kỳ
Những đảm bảo trong Hiến pháp Hoa Kỳ đối với tự do báo chí và tự do ngôn luận đã bảo đảm một nền báo chí đa phần không bị Chính phủ quản lý. Các cơ quan truyền thông đại chúng thuộc quyền sở hữu và được điều hành bởi các công dân, các tổ chức tư nhân, các công ty tư nhân và các tập đoàn công, chứ không phải chính quyền. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một nền báo chí không có chuẩn mực. Trong hệ thống xã hội Hoa Kỳ, nền báo chí tự do là một nguồn cơ bản cung cấp thông tin - trung tâm của một xã hội tự do. Vai trò quan trọng này tạo ra cho báo chí những quyền lực của riêng mình. Ở nhiều quốc gia, Chính phủ đóng vai trò là người quản lý chủ yếu đối với báo chí. Ở Hoa Kỳ, giải pháp họ lựa chọn là dựa vào sức mạnh của thị trường, sự cạnh tranh, trách nhiệm xã hội và một loạt các yếu tố tự kiểm soát đã phát triển cao mà chúng ta gọi là đạo đức báo chí. Đạo đức báo chí tạo ra một quy trình, theo đó những sai phạm thái quá của cá nhân sẽ được uốn nắn mà không làm phương hại đến mục tiêu cuối cùng của nền báo chí tự do là tạo ra một sự kiểm soát lành mạnh đối với các trung tâm quyền lực nhằm duy trì một xã hội tự do.
Một là, vai trò của báo chí trong nền dân chủ Hoa Kỳ đã tiến tới bao gồm cả chức năng là một tổ chức giám sát Chính phủ, nghĩa là các nhà báo có thể điều tra các quan chức dân cử vi phạm quyền và sự tự do của dân thường. Trong một bài báo đăng trên tờ Columbia Journalism Review, Jane E Kirtley (Giáo sư về đạo đức và luật báo chí ở trường Đại học Minnesota) tuyên bố: “Đối với các nhà báo, điều hiển nhiên là những phóng sự điều tra cung cấp thông tin cho công chúng, phơi bày tệ nạn tham nhũng và những gì đúng, sai”[3].
Hai là, báo chí chính là công cụ đắc lực trong việc trình bày mọi quan điểm khác nhau về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội. Báo chí cũng ảnh hưởng một cách trực tiếp đến việc sống và sinh hoạt như những cá thể tự do trong một xã hội mở, khai phóng, nhưng đặt nền trên một hệ thống pháp lý chặt chẽ. Mối quan hệ này cần được nghiên cứu và khai thác sâu xa hơn nữa trong định hướng phát triển cộng đồng và xã hội.
Ba là, người dân Hoa Kỳ dựa vào khu vực truyền thông tự do và độc lập này để được cung cấp thông tin về tất cả các chiều của một sự kiện hay vấn đề nào đó, họ có thể lựa chọn thông tin từ các nguồn khác nhau, cho phép tiếp cận với các quan điểm khác nhau. Chẳng hạn, như ở thành phố lớn Chicago, bang Illinois ở miền trung tây Hoa Kỳ, người dân được tiếp cận với không ít hơn 15 tờ nhật báo hay tuần báo, 12 kênh truyền hình, 04 đài phát thanh và 01 tạp chí tin tức, tất cả đều được thực hiện tại địa phương. Theo tờ Mondo Times, một hãng truyền thông có hoạt động trên toàn cầu, các nhà xuất bản đặt tại Chicago phát hành đến 16 tờ báo và 19 tạp chí bổ sung đáp ứng mọi thị hiếu của người dân địa phương, từ giải trí, thể thao cho đến kinh doanh và khoa học. Thông qua các tạp chí được phát hành trên toàn quốc, kênh truyền hình cáp, đài phát thanh vệ tinh và tất nhiên cả mạng Internet nữa, người dân Chicago - cũng như tất cả những người dân Mỹ khác - được tiếp cận với vô số nguồn thông tin trên khắp đất nước và trên toàn cầu[4].
Phần lớn người dân Mỹ ít nhất đều xem một số bản tin trên tivi. Trước năm 1980, ba kênh truyền hình lớn (American Broadcasting Company - ABC, National Broadcasting Company - NBC và Columbia Broadcasting System - CBS) là nơi phát sóng bản tin truyền hình lớn nhất Hoa Kỳ. Các mạng lưới này phát sóng các chương trình giải trí và tin tức hàng ngày. Năm 1980, Cable News Network (CNN) đã tiến hành một cuộc cách mạng trong ngành truyền hình với dịch vụ phát sóng 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần và hiện diện trên phạm vi quốc tế. Sự thành công của CNN đã dẫn đến sự hình thành của các kênh truyền hình cáp chuyên về tin tức theo mô hình phát sóng 24/7 khác.
Các tờ nhật báo ở đô thị và các đài phát tin tức một thời đã thống soái hình thức truyền tin tức, nhưng giờ các tin qua kênh truyền hình cáp đã nắm giữ một thị phần đáng kể khán thính giả theo dõi tin tức. Một phần là do các kênh truyền hình cáp ngày nay phát sóng tin tức và bình luận theo một quan điểm xác định sẵn và nhắm tới những phân khúc khán thính giả nhất định. Theo một khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Pew Phục vụ Báo chí và Nhân dân thực hiện, thì 74% người xem cho rằng ba chương trình tin tức lớn nnhất có nội dung “gần như giống nhau”, trong khi đó có 48% thấy có sự “khác biệt rõ rệt” trong các bản tin mà ba hãng tin tức truyền hình cáp phát sóng.
Ở Mỹ, với những tờ báo nghiêm túc đề ra các nguyên tắc nghề nghiệp:
- Sự tự do của báo chí phải được bảo vệ như một quyền sống còn của con người. Đó là một quyền mặc nhiên khi ta muốn thảo luận về bất kì điều gì mà luật pháp không cấm đoán một cách rõ ràng, kể cả tính đúng đắn của các luật lệ quy định.
- Tính trọng luật: Một tờ báo không được công bố những lời tố cáo không chính thức ảnh hưởng đến uy tín và đạo đức mà không tạo cơ hội cho kẻ bị cáo buộc được dịp phát biểu; cách làm đúng đắn đòi hỏi phải tạo được cơ hội như thế trong mọi vụ tố cáo nghiêm trọng nằm ngoài các thủ tục pháp lý. Một tờ báo không được xâm phạm vào tâm tình hoặc quyền lợi riêng tư mà không chứng minh được việc làm đó là vì lợi ích công chúng, chứ không phải vì tính tò mò của công chúng. Quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của một tờ báo là phải đính chính đầy đủ và kịp thời các sai lầm lớn của mình về sự kiện hay ý kiến, cho dù nguyên nhân sai lầm đó là gì.
Chính quyền sẵn sàng can thiệp, trừng phạt nếu báo chí vi phạm vào các lĩnh vực sau: Đăng bài viết phương hại đến nền an ninh quốc gia; đăng bài gián tiếp xúi giục bạo động, gây bất ổn xã hội; đăng bài miệt thị và kỳ thị tôn giáo, chủng tộc; đăng bài bôi nhọ cá nhân hay tập thể; đăng bài xâm phạm đời tư cá nhân; đăng bài viết có ảnh hưởng xấu đến xã hội; đăng bài viết gây nguy hiểm rõ ràng và tức thời cho cộng đồng; đăng bài viết có ngôn ngữ thô tục; đăng bài viết gây công phẫn dư luận.
3. Kết luận
Dù ở bất kỳ quốc gia nào, thì truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Do vậy, các phương tiện truyền thông cần phản ánh trung thực tình hình nhân quyền ở quốc gia đó cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cần phản ảnh các kết quả tốt, tích cực về thực hiện quyền con người, quyền công dân của các địa phương, các cơ quan, tổ chức và các nhà chức trách. Từ đây, có thể tạo ra phong trào, nếp sống, thói quen, ý thức tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở mỗi quốc gia.
Báo chí cần phản ảnh những mặt trái, tiêu cực, thậm chí những vi phạm quyền con người, quyền công dân. Cần chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để từ đó có được những kiến nghị có giá trị góp phần vào công cuộc đấu tranh vì quyền con người, quyền công dân.
Thông qua dư luận xã hội, báo chí cần tạo ra sức ép đối với chính quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, xây dựng và thực hiện các cam kết, các chương trình, các kế hoạch, giải pháp, biện pháp về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người.
Để nâng cao hiệu quả của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau và tiến hành các biện pháp này đồng bộ. Theo đó, cần nâng cao chất lượng của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người; các văn bản luật, văn bản dưới luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, bảo vệ quyền con người cần được phổ biến rộng rãi; có những giải pháp triệt để cho hoạt động đăng bài viết, phát tán thông tin, đưa tin, truyền thanh, phát thanh, báo hình, báo in, báo viết… khi những loại hình truyền thông báo chí đưa tin sai sự thật, xuyên tạc sự việc, vi phạm quy định pháp luật về báo chí hoặc có những hành vi nói xấu, bôi nhọ các tổ chức, cá nhân liên quan khác; tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ về nhân quyền cho đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước và đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí.
(Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp Bộ "Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam").