1. Bảo vệ nhân quyền bằng các thiết chế truyền thông
Đại sứ Eileen Chamberlain, Đại diện Hoa Kỳ tại Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc nói rằng: "Các chương trình thành viên Tự do Internet được khai trương... để làm sáng tỏ việc đổi mới sử dụng internet trong khuyến khích và bảo vệ nhân quyền. Người dân trên toàn thế giới đang sử dụng phương tiện truyền thông mới để kêu gọi tự do, minh bạch và tự quyết hơn. Chúng ta phải luôn nhớ rằng đó không chỉ là phương tiện mà những người dũng cảm sử dụng nó - nhà báo và phóng viên và các cá nhân công dân - họ là tiếng nói của tự do nhân quyền". Sự kiện này đã lôi cuốn một lượng người đọc trên mạng từ khắp thế giới. Các thành viên tự do Internet, nhiều trong số họ đã có nhiều đọc giả theo dõi, phát trực tiếp trong quá trình diễn ra tranh luận.
Đó là những ví dụ về vai trò ngày càng tăng của truyền thông đối với việc bảo vệ nhân quyền và quyền công dân. Vai trò này xuất phát từ vị trí và chức năng của truyền thông trong đời sống xã hội ở mỗi quốc gia và giờ đây là trên toàn cầu. Truyền thông là tấm gương phản chiếu xã hội, trong đó có các vấn đề về nhân quyền. Nhà báo có nghĩa vụ đạo đức phải khuyến khích nhân quyền ở bất kỳ lúc nào và bất kỳ trong câu chuyện nào mà họ kể. Truyền thông là những người giám sát mà chức năng của nó là cảnh báo người dân về những nguy cơ đối với tự do, an toàn xã hội, sinh mạng cũng như văn hóa của họ. Nhân quyền là thước đo đạo đức cho báo chí. Nhận thức và hiểu biết về nhân quyền sẽ làm cho người ta trở thành một nhà báo tốt và chuyên nghiệp hơn.
Các nhà báo có mối quan tâm cá nhân đặc biệt đến nhân quyền. Ở đâu nhân quyền yếu thì ở đó khó thể nói là có hoạt động báo chí tốt. Vì thế mà họ có trách nhiệm phản ánh những sự lạm dụng và đưa ra vấn đề ý thức nhân quyền. Nhân quyền là cơ sở để đánh giá chất lượng hoạt động báo chí tốt hay không. Báo chí không thể nói là tốt nếu không quan tâm đến nhân quyền.
Các vấn đề về nhân quyền ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn so với quá khứ. Trên bình diện toàn cầu, sự kiểm soát của Nhà nước đối với truyền thông càng giảm đi. Ngày càng có nhiều tổ chức bảo vệ khuyến khích nhân quyền và sử dụng truyền thông để phản ánh tin tức về nhân quyền. Có nhiều người giám sát, điều tra các vụ việc lạm dụng, vi phạm nhân quyền và công bố những phát hiện của họ cho công chúng. Cơ chế giám sát của Liên hợp quốc ngày càng dễ nhận biết hơn. Nhiều vấn đề được coi là vấn đề nhân quyền như lạm dụng trẻ em, HIV/AIDS, lạm dụng và phát tán tình dục, nghèo đói, không nơi nương tựa. Nhiều Chính phủ đã nội luật hóa các nhân quyền vào trong chính sách và pháp luật của mình. Các đảng phái chính trị ngày càng có trách nhiệm hơn với nhân quyền. Nhân quyền được tranh luận trong các cuộc bầu cử. Việc sử dụng internet, điện thoại di động, và mạng truyền thông xã hội tăng lên một cách chóng mặt. Twitter và facebook cung cấp thêm nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, nhiều nguồn tạo ra nhiều sự cảnh báo về sự vi phạm nhân quyền đó đây trên thế giới. Công nghệ và truyền thông xã hội cũng tạo ra nhiều cách thức để phản ánh những vi phạm nhân quyền. Một số mạng truyền thông xã hội quốc tế như BBC và CNN giờ đây thuê nhân viên ở các nước phát triển làm phóng viên, cộng tác viên. Điều này giúp cho họ có được những câu chuyện, sự kiện tại chỗ để đưa ra với công chúng.
Truyền thông có đạo đức liên quan đến cách thức mà những người hoạt động báo chí (phóng viên, biên tập viên và những người hoạt động báo chí khác) đưa ra các sự kiện và bình luận phản ánh cuộc sống của người dân. Nó khởi nguồn từ các giá trị đạo đức và tiến triển cùng với việc bảo vệ nhân quyền ở Châu Âu từ hơn 150 năm nay. Giờ đây truyền thông và nhân quyền giao cắt ở một thời điểm lịch sử đáng ghi nhận do hệ quả của toàn cầu hóa và sự bùng nổ của truyền thông công nghệ số.
Nhân quyền được bao hàm trong các hiệp ước giữa các nước, cụ thể là Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự (1966) và Công ước châu Âu về nhân quyền (1950), bảo đảm các quyền của mọi con người trong phạm vi thẩm quyền của các nước ký kết. Các quyền này được ghi nhận trong pháp luật và thực tế, chẳng hạn như với truyền thông, thì nó liên quan mật thiết đến xu thế đạo đức nơi mà chúng ta đang sống.
Bản thân những người hoạt động báo chí luôn quan tâm đến việc bảo vệ và khuyến khích những tiêu chí cao về nhân quyền, ví dụ như quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự và Điều 10 của Công ước châu Âu về nhân quyền. Quyền được tự do ngôn luận là một bộ phận của Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu, tại Điều 16.
Pháp luật án lệ liên quan đến tự do ngôn luận được phát triển bởi Tòa án Strassbourg tạo sự hỗ trợ quan trọng trong cuộc đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận, cụ thể là liên quan đến những vi phạm Điều 10 của Công ước châu Âu về nhân quyền theo đó quyền tự do ngôn luận chịu một số hạn chế nhất định như: "phải tuân thủ pháp luật" và "cần thiết trong một xã hội dân chủ". Quyền này bao hàm tự do đưa ra ý kiến và nhận và phổ biến thông tin và ý kiến. Tuy nhiên, nó là một quyền có điều kiện và có thể bị giới hạn bởi các quyết định vì lợi ích an ninh quốc gia, phòng chống gây mất ổn định hoặc tội phạm hoặc bảo vệ danh dự cá nhân.
2. Những hạn chế hoạt động truyền thông đối với nhân quyền
Người ta lưu ý rằng mặc dù nhân quyền được phản ánh nhiều hơn bao giờ hết so với quá khứ song chưa phải tất cả đều tốt. Còn nhiều hạn chế như:- Nhiều vấn đề còn nhầm lẫn vì những người hoạt động báo chí chưa có được nhận thức đầy đủ về nhân quyền: Đó là gì, sao nó có được, nghĩa vụ của chính phủ ra sao và nó phải được khuyến khích và thực thi như thế nào.
- Vì chưa quan tâm đúng mức đến nhân quyền nên nhà báo bỏ qua những câu chuyện hoặc cách thức phản ánh các vấn đề. Điều này thể hiện chất lượng báo chí và quyền được thông tin của công chúng.
- Khi nhà báo đưa tin về các vấn đề nhân quyền, họ có thể hướng câu chuyện mà họ kể theo hướng khác, ví dụ như coi đó là tội phạm hoặc các câu chuyện công chúng hơn là các vấn đề nhân quyền. Họ bác bỏ sự tồn tại các tiêu chí nhân quyền quốc tế đối với bạo lực trong nước, phân biệt chủng tộc, đối xử với người di cư, lạm dụng trẻ em, giáo dục, sức khỏe, tự do văn hóa và nhiều vấn đề khác. Điều này làm giảm vai trò giám sát của truyền thông bởi vì nhà báo không quy kết trách nhiệm của chính phủ và các cơ quan quyền lực của nước họ về các vấn đề đó.
- Nhà báo phản ánh thông tin không có nội dung hoặc quan điểm. Vì thế, vi phạm nhân quyền bị bỏ qua hoặc các sự kiện mới ngay cả khi đó là các sự kiện nóng hổi trong câu chuyện vi phạm như vậy.
- Nhà báo đôi khi phạm sai lầm gây ra lạm dụng nhân quyền thông qua xâm phạm đời tư, gây ra phân biệt đối xử và rập khuôn, không quy kết trách nhiệm chính quyền hoặc làm căng thẳng thêm mâu thuẫn.
Những hạn chế này gây quan ngại cho các nhà báo khi họ hoạt động vì họ phải tuân thủ pháp luật mà pháp luật thì đưa ra những định nghĩa trừu tượng khó có thể chấp nhận được về thế nào là "an ninh" hoặc "gây bất ổn" hoặc "danh dự", vì những khái niệm đó có thể hạn chế tự do ngôn luận, làm tăng sự kiểm duyệt và giảm sự giám sát hợp pháp của công chúng đối với các vấn đề nhạy cảm. Tất nhiên, nhân quyền đôi khi cũng có xung đột. Sự cần thiết phải có sự cân bằng giữa các quyền đang xung đột đòi hỏi phải có những giải pháp cân xứng đối với những nhà làm luật và nhà báo. Điều 10 Công ước châu Âu về nhân quyền, chẳng hạn, cần phải cân bằng với Điều 8 đưa ra định nghĩa quyền riêng tư khi bắt đầu bằng "mỗi người có quyền được tôn trọng cuộc sống gia đình, nơi ở và thư tín riêng tư của họ".
Khi tự do ngôn luận xung đột với các quyền khác, ví như quyền riêng tư cá nhân, thì khó có cách để đánh giá, dù là ở phòng xử tòa án hay ở phòng tin tức, mà không có sự tôn trọng đối với người khác. Trong trường hợp đó, sự tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội sẽ làm tiêu chí cho sự đánh giá. Nhằm để đưa ra đánh giá mang tính bảo vệ về đạo đức và hợp pháp, các nhà báo phải có đủ năng lực, được đào tạo tốt, được thông tin đầy đủ, và trên hết, phải có khả năng hoạt động tự do trong các điều kiện có thể khuyến khích họ hành động hợp với đạo lý. Tuy nhiên, không thể dễ dàng đạt được một trong những điều nói trên khi truyền thông hoạt động trong một môi trường bị áp đặt và không kiểm soát được.
3. Tiếp cận thông tin và quyền được biết của nhân dân
Cho đến nay, đó đây trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế pháp luật đối với truyền thông. Một trong những hạn chế đó là quyền tiếp cận thông tin và quyền được biết của nhân dân. Để đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm nhân quyền và giám sát những lĩnh vực công cộng, nhà báo cần phải được tiếp cận thông tin hữu ích và đáng tin cậy. Mặc dù có sự nở rộ trên toàn cầu về tự do thông tin trong thập kỷ vừa qua khi hàng chục nước đã ban hành luật bảo đảm cho nhân dân quyền được biết (thông tin) thì cuộc đấu tranh vì một chính quyền cởi mở chỉ đạt được phần nào.Trong số 70 quốc gia có dân số chiếm quá 1/2 dân số thế giới, có luật về tự do thông tin. Tại châu Âu, truyền thống cởi mở đã có từ lâu, từ những năm 1766 khi Thụy Điển thiết lập quyền của công dân yêu cầu và nhận văn bản từ những người cai trị của họ. Nhưng một số nước châu Âu không ủng hộ truyền thống này.
Một cuộc điều tra năm 2006 của Tổ chức sáng kiến tư pháp về xã hội cởi mở đã cho thấy, một số nền dân chủ mới ở châu Âu tại Armenia, Bulgaria và Rumania. Cuộc điều tra cho thấy cụ thể thiếu luật pháp ở Áo, Tây Ban Nha và Ý ở lĩnh vực này. Năm 2008, Hội đồng châu Âu thông qua hiệp định đầu tiên trên thế giới về quyền tiếp cận thông tin, Công ước châu Âu về tiếp cận văn bản chính thức, nhưng văn bản này chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp đối với các cơ quan công quyền và cho những nhà báo mất tinh thần, không áp đặt hạn chế đối với thời gian phải trả lời yêu cầu.
4. Quyền riêng tư và tự do ngôn luận
Có lẽ, một trong số những nhiệm vụ đầy thách thức của nhà báo và luật sư nhân quyền đó là cân bằng các quyền riêng tư đang còn tranh cãi và quyền tự do ngôn luận. Tự do riêng tư và tự do báo chí tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền khác như tự do ngôn luận, quyền được hành động theo lương tâm và tự do lập hội.Điều 8 của Công ước châu Âu về nhân quyền quy định rằng, mỗi người có quyền được tôn trọng riêng tư và cuộc sống gia đình và hàng ngàn vụ việc tại Tòa đã được xét xử nhằm bảo vệ những người làm công bị sa thải bất công, thông dâm và nạn nhân của sự quấy rối tình dục. Tuy vậy, ở một số nước, nơi mà ít có truyền thống dân chủ thì việc xâm phạm riêng tư thường liên quan với xâm phạm các quyền và tự do cơ bản khác kể cả tự do báo chí.
Một vụ việc vi phạm ở Anh, khi các nhà báo của Tập đoàn truyền thông toàn cầu News Corporation nghe lén điện thoại dẫn đến việc đóng cửa của một trong những tờ báo bán chạy nhất châu Âu, tờ News of the World, cho thấy tác động ghê gớm của báo chí, hoạt động truyền thông thiếu thận trọng và vô trách nhiệm có thể nhanh chóng gây tác hại đến niềm tin của công chúng đến mức như thế nào.
Ở Anh, các biên tập viên và phóng viên nhà báo bắt buộc phải thừa nhận rằng, sự nổi giận của công chúng không thể dễ dàng bị dập tắt bằng việc cam kết hoạt động báo chí có đạo đức đáng tin cậy để cân bằng sự tôn trọng riêng tư với sự cần thiết đối với điều tra hợp pháp, giám sát và phát hiện của truyền thông. Nhà báo cần phải thể hiện nhiều sự gắn kết hơn với các quyền riêng tư. Trong mọi trường hợp khi mà sự riêng tư có nguy cơ bị xâm phạm, nhà báo phải cân nhắc để phản ánh phù hợp với vị trí trong xã hội, danh tiếng và vị trí của người đó trong đời sống công cộng.
Một ví dụ gần đây nhất là trong một cuộc vận động tranh cử, tuyên bố của ứng cử viên Tống thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump vào ngày 7/12/2015, kêu gọi cấm người Hồi giáo vào Hoa Kỳ sau vụ bắn giết hàng loạt tại San Bernadino, California. Tuyên bố này đã gặp phải nhiều sự chỉ trích của thế giới Hồi giáo và thậm chí chỉ trích từ trong nội bộ nước Mỹ rằng ông gây chia rẽ, hận thù với người di dân và người Hồi giáo, đang phá hoại an ninh quốc gia của Mỹ bằng việc thúc đẩy cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo ông Kevin Johnson, Trưởng Khoa Luật của Đại học California ở Davis, kế hoạch của ông Trump là “một đề nghị gây bất bình”, và cũng có thể vi phạm điều khoản về quyền bảo vệ bình đẳng trong Tu chính án thứ 14. Ông nói “Đề nghị này rất kỳ quái vì tính chất vi hiến và thái độ thù nghịch với hiến pháp của nó thật là lớn”.
Vụ việc này cho thấy, truyền thông đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận thế giới, góp phần lên án những vi phạm nhân quyền. Hơn thế nữa, nó cũng cho thấy có không ít sự khác nhau trong nhận thức về nhân quyền.
Thay cho lời kết
Alexander Solzhenitsyn, nhà văn, nhà viết kịch Nga, rất đúng khi nói rằng: "Công lý là lương tâm, không phải là lương tâm cá nhân mà là lương tâm của toàn bộ loài người". Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay thực sự cần phải có sự khoan dung rộng lượng và hiểu biết nhân hậu. Thế giới chúng ta đang ngày càng nhỏ bé hơn và phụ thuộc nhau hơn bao giờ hết bởi sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng và gia tăng tiếp xúc giữa công dân và chính phủ. Trên tinh thần đó, cần phải đánh giá lại các quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, công dân và các quốc gia trong mối quan hệ với nhau và với toàn cầu. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Những sự khác biệt về xã hội chỉ có thể dựa trên ích lợi chung. Sự thật hết sức hiển nhiên là con người được sinh ra một cách bình đẳng và tạo hóa dành cho họ những quyền vốn có đó là cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Phổ quát quyền con người giờ đây là một xu thế tất yếu. Dân chủ, phát triển và tôn trọng quyền con người và tự do căn bản đang lệ thuộc vào nhau và tăng cường lẫn nhau. Dân chủ dựa trên nguyện vọng tự do chính đáng của người dân được tự mình quyết định các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và sự tham gia đầy đủ vào các khía cạnh của cuộc sống của họ. Trên tinh thần đã nêu ở trên, việc tăng cường và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản ở tầm quốc gia và quốc tế phải mang tính phổ quát và được thực thi trong điều kiện của mỗi đất nước. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ việc tăng cường và khuyến khích dân chủ, phát triển và sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới. Trong cuộc đấu tranh đó, truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng. Với chức năng là tấm gương phản ánh thông tin về mọi lĩnh vực xã hội, truyền thông cần phát huy vai trò của mình trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người và quyền công dân - lĩnh vực đang ngày càng được quan tâm và khuyến khích, bảo vệ trên bình diện quốc gia và quốc tế.
(Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ về “Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam”)
Tài liệu tham khảo:
1. PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn, TS. Vũ Công Giao, Một số so sánh quyền con người với quyền công dân, Tạp chí Cộng sản online ngày 8/10/2015.
2. Tổng hợp các bài viết, nghiên cứu, tư liệu nước ngoài.