Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép (sau đây gọi tắt là Công ước). Pháp đã bảo lưu vấn đề chi phí và ngôn ngữ của đơn yêu cầu, theo đó, đơn và các giấy tờ gửi đến cơ quan trung ương phải lập bằng hoặc dịch ra tiếng Pháp và Pháp chỉ chịu các chi phí trong khuôn khổ hệ thống trợ giúp pháp lý của mình. Cho tới nay, Pháp đã thực hiện tương đối hiệu quả các quy định của Công ước để giải quyết việc tìm kiếm hoặc trả lại trẻ em bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép, cũng như quyền thăm nom trẻ.
1.1. Về hoàn thiện thể chế
Sau khi được phê chuẩn và được công bố bởi Sắc lệnh số 83-1021 ngày 29/11/1983, Công ước đã chính thức có hiệu lực tại Pháp ngày 01/12/1983. Tại Pháp, điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý cao hơn so với pháp luật trong nước và được áp dụng trực tiếp với điều kiện điều ước quốc tế đó được phê chuẩn và công bố theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, do những khái niệm được sử dụng trong Công ước tương đối dễ hiểu và dễ áp dụng, nên Pháp đã áp dụng trực tiếp Công ước. Tuy nhiên, để thực thi tốt hơn Công ước này, năm 2002, Pháp đã sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình; năm 2012, sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, bổ sung một phần riêng biệt về thủ tục ra quyết định trả lại trẻ em trong thời gian ngắn nhất.
Trước năm 2002, 180 Tòa án tại Pháp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại trẻ em với số lượng đơn yêu cầu trung bình không nhiều, 120 hồ sơ/năm. Tuy nhiên, sau năm 2002, cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại trẻ em đã được chuyên môn hóa, chỉ những Tòa án phúc thẩm có thẩm quyền rộng mới có quyền giải quyết yêu cầu trả lại trẻ em (35 Tòa án).
Tại Pháp, việc cha mẹ đưa đi hoặc giữ lại trái phép con mình cũng như cản trở việc thực hiện quyền thăm nom của cha mẹ là tội phạm hình sự (tội xâm phạm quyền làm cha mẹ)[2]. Mặc dù, Công ước không liên quan đến khía cạnh hình sự của các hành vi này, nhưng các biện pháp hình sự cũng có thể được áp dụng song song và cản trở các giải pháp dân sự có thể được áp dụng như hòa giải hoặc thuyết phục bên cha/mẹ đã đưa đi hoặc giữ lại trẻ em trái phép cùng trở về quốc gia nơi thường trú của trẻ em.
1.2. Cơ quan trung ương và các cơ quan có liên quan
Tại Pháp, cơ quan trung ương được đặt tại Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự và bảo ấn, Bộ phận tương trợ tư pháp dân sự và thương mại) thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 7 Công ước và các hoạt động hợp tác trong những lĩnh vực liên quan tới Công ước. Cơ quan trung ương của Pháp còn thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối của Công ước La Hay năm 1996 về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận, cho thi hành và hợp tác về trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em, thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và hợp tác trong tư pháp quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Việc cơ quan trung ương của Pháp theo Công ước đồng thời đảm nhiệm những nhiệm vụ khác có tác dụng tích cực trong việc điều phối các hoạt động có liên quan, bởi vì Công ước này không phải là cơ chế duy nhất để trả lại trẻ em tại Pháp. Mặc dù, cơ chế theo Công ước này được đánh giá là hiệu quả nhất, nhưng Pháp vẫn thực hiện việc trả lại trẻ em theo Quy định Brussels II a của châu Âu, theo các hiệp định tương trợ tư pháp song phương và Công ước Luxembourg năm 1980.
Cơ quan trung ương phải đảm nhiệm cả nhiệm vụ lập đơn gửi ra nước ngoài và tiếp nhận đơn từ nước ngoài gửi đến. Công ước chỉ quy định cơ quan trung ương sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết, do đó tại Pháp, tùy từng trường hợp, cơ quan trung ương sẽ tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan để thực thi Công ước.
1.3. Tổ chức trả lại trẻ em và thực hiện quyền thăm nom
- Quy trình giải quyết hồ sơ đối với trường hợp trẻ em bị đưa đến hoặc giữ lại trái phép tại Pháp
+ Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn yêu cầu trả lại trẻ thường được gửi từ cơ quan trung ương của nước ngoài đến cơ quan trung ương của Pháp để kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của đơn để thụ lý. Đơn và các tài liệu kèm theo được lập bằng tiếng Pháp hoặc đính kèm một bản dịch ra tiếng Pháp. Đơn không cần theo mẫu nhưng phải đầy đủ nội dung cần thiết và các giấy tờ chứng minh để thực hiện (thông tin về trẻ, người nộp đơn, người bị cho là đã đưa đi hoặc giữ lại trái phép trẻ, căn cứ yêu cầu trả lại trẻ em - chứng cứ chứng minh người yêu cầu có quyền nuôi dưỡng, bản sao được xác thực các quyết định hoặc thỏa thuận liên quan, thông tin về nơi ở hiện tại của trẻ, phán quyết ly hôn của cha mẹ trẻ - nếu có). Nếu đơn không hợp lệ và đầy đủ, cơ quan trung ương sẽ trả lại cho người nộp đơn để hoàn thiện.
+ Bước 2: Xác định địa chỉ của trẻ
Trường hợp đã xác định được địa chỉ của trẻ, cơ quan trung ương gửi yêu cầu trả lại trẻ cho người đang giữ trẻ. Người này có thời hạn 10 ngày để phản hồi. Trường hợp cha/mẹ trẻ trả lời từ chối và nêu rõ lý do thì cơ quan trung ương của Pháp trao đổi với cơ quan trung ương nước gửi. Trường hợp cha/mẹ giữ trẻ không có phản hồi hoặc từ chối trả lại trẻ, cơ quan trung ương chuyển đơn yêu cầu trả lại trẻ sang Viện Công tố.
Trường hợp không xác định được địa chỉ của trẻ, cơ quan trung ương đề nghị Viện Công tố phối hợp với các cơ quan có liên quan để tìm trẻ. Người yêu cầu cũng có thể thuê công ty tư nhân tìm địa chỉ của trẻ. Trong trường hợp tìm được trẻ, cơ quan trung ương sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Khi nhận đơn, Viện Công tố sẽ tiến hành hòa giải nhằm đạt được thỏa thuận chung giữa các bên liên quan trong việc giải quyết vấn đề; nếu cần thiết, một hòa giải viên có kinh nghiệm sẽ tham gia vào quá trình hòa giải.
+ Bước 3: Chuyển hồ sơ cho Tòa án
Nếu việc hòa giải không thành công, Viện Công tố sẽ thay mặt Cộng hòa Pháp nộp đơn tại Tòa sơ thẩm có thẩm quyền riêng biệt về các vấn đề gia đình nơi bị đơn cư trú, đồng thời thông báo cho cơ quan trung ương của Pháp biết.
Kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Tòa án sẽ phải ra quyết định trả lại trẻ trong thời hạn chậm nhất là 06 tuần. Tòa luôn hỏi ý kiến của trẻ trong các vụ việc. Quyết định của Tòa án có giá trị thi hành ngay mà không cần phải chờ hết thời hạn kháng cáo 15 ngày nếu người có đơn yêu cầu đang ở Pháp hoặc 02 tháng nếu người này đang ở nước ngoài. Nếu có kháng cáo thì quyết định ban đầu sẽ được tạm dừng thi hành theo quyết định của thẩm phán cấp phúc thẩm.
+ Bước 4: Thi hành
Sau khi có bản án của Tòa án, Viện trưởng Viện Công tố sẽ thông báo về quyết định của Tòa án và thuyết phục người đang giữ trẻ tự nguyện trả lại trẻ. Nếu người đang giữ trẻ không tự nguyện trả lại trẻ, cơ quan có thẩm quyền của Pháp sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy, sang chấn tâm lý có thể phát sinh đối với trẻ em, việc cưỡng chế được quy định hết sức linh hoạt. Việc thi hành quyết định của Tòa án bao gồm sự tham gia của cảnh sát, cơ quan trung ương và cha mẹ đã gửi đơn yêu cầu, nhân viên trường học nơi trẻ đang học… Để đảm bảo việc trả lại trẻ, cơ quan có thẩm quyền tại Pháp có thể ra lệnh cấm đưa trẻ đi hoặc cảnh báo tại khu vực biên giới hoặc sân bay, bến cảng.
Ngoài cơ chế trả lại trẻ thông qua cơ quan trung ương, năm 1995, Tòa Phá án Pháp đã cho phép người nộp đơn yêu cầu trả lại trẻ trực tiếp yêu cầu thông qua các thủ tục tố tụng tại Tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, người yêu cầu sẽ không nhận được sự hỗ trợ miễn phí từ Viện Công tố, đặc biệt trong trường hợp địa chỉ của trẻ không rõ ràng. Đồng thời, để tiến hành các thủ tục đặc biệt tại Tòa án, người yêu cầu cần phải thuê luật sư thông thạo trong lĩnh vực này[3].
- Quy trình giải quyết hồ sơ đối với trường hợp trẻ bị đưa đến hoặc giữ lại trái phép tại nước ngoài
Cơ quan trung ương Pháp cung cấp đầy đủ thông tin về các mẫu cần điền, hồ sơ, ngôn ngữ của hồ sơ trên trang mạng. Cơ quan trung ương sẽ xem xét hồ sơ, đặc biệt là xác định quyền nuôi dưỡng của người nộp đơn, nơi thường trú của trẻ trước khi bị đưa đi. Nếu hồ sơ còn thiếu, thì cơ quan trung ương của Pháp sẽ yêu cầu bổ sung. Khi đủ hồ sơ, cơ quan trung ương của Pháp sẽ chuyển cho cơ quan trung ương của nước ngoài, thúc đẩy, đôn đốc, theo dõi.
Khi Tòa án nước ngoài trả lại trẻ, cơ quan trung ương của Pháp sẽ phối hợp thi hành để đảm bảo trả lại trẻ bằng cách thức tốt nhất và hỗ trợ tiến hành các biện pháp phòng ngừa việc trẻ tiếp tục bị mang ra nước ngoài.
- Yêu cầu thực hiện quyền thăm nom tại Pháp
Cơ quan trung ương có những hỗ trợ tương tự với các vụ việc yêu cầu trả lại trẻ. Tuy nhiên, các Tòa án có thẩm quyền rộng có chức năng giải quyết các vụ việc về gia đình đều có thể giải quyết các đơn yêu cầu thực hiện quyền thăm nom. Thời gian giải quyết các đơn này kéo dài hơn so với đơn yêu cầu trả lại trẻ. Trong trường hợp cần thiết, người nộp đơn có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Can thiệp của cơ quan nhà nước (cảnh sát, cơ quan xã hội), phạt tiền hoặc các chế tài hình sự kể cả phạt tù nếu bản án của Tòa án không được thực hiện.
2. Kinh nghiệm của Hungary[4]
Hungary chính thức trở thành thành viên của Công ước La Hay năm 1980 vào ngày 01/7/1986. Khi gia nhập, Hungary không đưa ra bảo lưu nào đối với Công ước. Việc thực hiện ở Hungary đạt kết quả cao, tỷ lệ thành công đưa trẻ trở lại Hungary là 70 - 80 trẻ. Tuy nhiên, đối với việc trả lại trẻ cho nước ngoài, bản thân pháp luật và thực tiễn thực thi Công ước của Hungary còn nhiều mâu thuẫn và việc thi hành vẫn bị đánh giá là chậm trễ và chưa đạt hiệu quả như mong muốn[5]. Mặc dù Hungary gia nhập Công ước từ rất sớm, tuy nhiên, đến nay số lượng người dân hiểu được Công ước còn rất hạn chế. Người dân Hungary không coi việc cha mẹ đưa con của mình ra nước ngoài hoặc về nước là vi phạm pháp luật nên việc triển khai Công ước thường xuyên dẫn đến những mâu thuẫn, va chạm.
2.1. Hoàn thiện thể chế
Để thực thi Công ước, Hungary đã ban hành một văn bản vào năm 1986 bao gồm bản dịch Công ước sang tiếng Hungary kèm theo một số điều khoản bổ sung về hiệu lực của Công ước và chỉ định cơ quan trung ương. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Chỉ thị số 07 năm 1988 để thực thi Công ước này với những quy định cụ thể hóa hơn trách nhiệm của cơ quan trung ương và quyền của cha mẹ được giữ liên lạc với con của mình.
Hiện nay, Hungary đang chuẩn bị xây dựng một bộ luật riêng để tăng thêm hiệu quả giải quyết loại việc này (rút ngắn thời hạn). Các quy định hiện hành (phù hợp với điều kiện lịch sử thời kỳ xã hội chủ nghĩa) sẽ được kết hợp, nâng lên thành luật do Nghị viện thông qua.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2012 của Hungary, hành vi bắt cóc trẻ em (của cha mẹ) cũng là tội phạm hình sự, tùy theo tình tiết cụ thể của vụ việc mà hành vi này có thể thuộc phạm vi của các tội danh khác nhau (tội thay đổi tình trạng gia đình, tội thay đổi quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên, tội cản trở việc thực hiện quyền thăm nom, tội lạm dụng người chưa thành niên)[6].
2.2. Cơ quan trung ương
Căn cứ Điều 7 Công ước[7], Bộ Tư pháp Hungary được chỉ định là cơ quan trung ương. Bộ Tư pháp quản lý việc thực hiện, tham gia các công ước trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, đồng thời là cơ quan đầu mối trong các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận các yêu cầu trả lại trẻ của nước ngoài và gửi các yêu cầu trả lại trẻ của Hungary.
Trường hợp Hungary yêu cầu nước ngoài trao trả trẻ, Bộ Tư pháp tham gia trực tiếp trong nhiều hoạt động (như liên lạc, hỗ trợ cha/mẹ trẻ, thu thập giấy tờ cần thiết và dịch công chứng, viết đơn, giúp đỡ nếu đương sự không đủ trình độ) để đưa trẻ trở lại Hungary. Đối với các yêu cầu của nước ngoài, cơ quan trung ương có vai trò hạn chế hơn, chỉ kiểm tra hồ sơ và liên hệ với các cơ quan liên quan.
2.3. Tổ chức trả lại trẻ và thực hiện quyền thăm nom
- Quy trình giải quyết hồ sơ đối với trường hợp trẻ bị đưa đến hoặc giữ lại trái phép tại Hungary
Quy trình giải quyết cũng qua 04 bước tương tự như tại Pháp. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Hungary không cần gửi đơn qua Viện Công tố.
+ Bước 1: Tiếp nhận đơn
Trường hợp các nước khác yêu cầu Hungary trả lại trẻ, Bộ Tư pháp Hungary tiếp nhận và xem xét đơn của nước ngoài. Đơn gửi đến Hungary phải lập theo mẫu khuyến nghị của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) kèm theo các tài liệu chứng cứ về quyền nuôi con, nơi thường trú của trẻ, ảnh và đơn xin trợ giúp pháp lý, miễn giảm án phí (nếu có). Theo Điều 16 Công ước, Bộ Tư pháp phải thông báo cho Tòa án Hungary để tạm hoãn các vụ việc liên quan đến trẻ.
+ Bước 2: Xác định nơi ở của trẻ
Nếu không rõ nơi ở của trẻ, Bộ Tư pháp phải phối hợp với cơ quan cảnh sát để tìm kiếm. Trong thực tế, ít khi cần đến sự giúp đỡ của cơ quan cảnh sát vì thông tin trên hệ thống quản lý dân cư và hệ thống thông tin của cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em là tương đối đầy đủ. Trong các vụ việc này, cơ quan cảnh sát không có nhiều thẩm quyền điều tra như trong các vụ án hình sự mà chỉ có thể hỏi thông tin từ hàng xóm xung quanh nơi trẻ được cho là đang sinh sống.
Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ hỗ trợ các bên hòa giải. Bộ Tư pháp tự mình hoặc có thể nhờ cơ quan (bộ khác) làm trung gian. Trường hợp hòa giải không thành, Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết và Bộ giúp thuê luật sư cho bên yêu cầu.
+ Bước 3: Chuyển hồ sơ cho Tòa án
Thủ tục trả lại trẻ được áp dụng thời hạn ngắn hơn các vụ việc thông thường. Điều kiện đảm bảo ban hành quyết định trả lại trẻ trong 06 tuần theo khuyến nghị của Công ước và quy định bắt buộc của Liên minh châu Âu là khó khả thi nhưng Tòa án Hungary luôn ưu tiên giải quyết nhanh chóng vụ việc này. Nếu điều kiện pháp lý đầy đủ, Tòa án Hungary chỉ chuẩn bị trong 08 ngày là có thể tiến hành phiên tòa đầu tiên, khả năng ra phán quyết phụ thuộc vào chất lượng của chứng cứ. Chậm nhất, việc giải quyết cũng hoàn thành trong vòng 02 tháng. Những vụ việc này thường có khiếu nại và thời hạn phúc thẩm cũng khoảng 02 tháng. Sau phúc thẩm, quyết định vẫn có thể được xem xét lại và có thể mất nhiều tháng nhưng quyết định phúc thẩm phải được thi hành cho dù có khiếu nại hay không. Thời hạn kháng cáo là 15 ngày.
Tại Hungary, trẻ em từ 06 tuổi sẽ được thẩm phán hỏi ý kiến ở môi trường thoải mái (không ở trong Tòa án). Thẩm phán hỏi trực tiếp để cảm nhận rõ nhu cầu, ý kiến của trẻ em. Ý kiến của trẻ em cũng được xem xét trong quá trình cân nhắc việc trả lại trẻ em.
+ Bước 4: Thi hành
Khi Tòa án đã ra quyết định trả lại trẻ em thì thừa phát lại[8] sẽ thực hiện, Bộ Tư pháp chỉ còn vai trò trong việc duy trì luật sư (đảm bảo các vấn đề về thủ tục) và người phiên dịch nếu cần. Cảnh sát và cơ quan về giám hộ của Hungary cũng có thể tham gia vào quá trình thi hành tùy từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, tại Hungary, cha mẹ cũng có thể gửi yêu cầu trả lại trẻ trực tiếp đến Tòa án.
- Quy trình giải quyết hồ sơ đối với trường hợp trẻ bị đưa đến hoặc giữ lại trái phép tại nước ngoài
Cán bộ Bộ Tư pháp Hungary sẽ trực tiếp hỗ trợ người nộp đơn chuẩn bị hồ sơ gửi ra nước ngoài đáp ứng yêu cầu riêng của từng nước. Trường hợp các vụ việc liên quan đến những nước theo hệ thống Common Law, thời gian cán bộ Bộ Tư pháp tham gia vào vụ việc là rất lớn. Bộ Tư pháp Hungary có kinh nghiệm để đảm bảo bộ hồ sơ được xây dựng đầy đủ, nhanh chóng. Thông thường, các giấy tờ cần có gồm: Đơn yêu cầu; giấy ủy quyền của các đương sự (cha/mẹ) theo Điều 28 Công ước; quyết định của Tòa án là bằng chứng về quyền nuôi con của người yêu cầu hoặc giấy khai sinh trong một số trường hợp (các giấy tờ này không cần hợp pháp hóa lãnh sự), Bộ Tư pháp Hungary cấp giấy chứng nhận nội dung pháp luật Hungary; bằng chứng về nơi thường trú của trẻ là ở Hungary trước khi trẻ bị đưa ra nước ngoài; ảnh của trẻ; đơn xin miễn, giảm phí.
Sau khi lập hồ sơ, cơ quan trung ương của Hungary sẽ theo dõi, đôn đốc cơ quan trung ương của nước ngoài giải quyết vụ việc. Đa phần các quan hệ hôn nhân và gia đình xuyên quốc gia tại Hungary là giữa công dân Hungary với công dân các nước thuộc nội bộ châu Âu, Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Vì vậy, quan hệ và liên lạc giữa Bộ Tư pháp Hungary và cơ quan trung ương của các quốc gia này cũng thường xuyên hơn.
Các hỗ trợ của Bộ Tư pháp với người nộp đơn là miễn phí (kể cả chi phí luật sư, phiên dịch) (trừ trường hợp đương sự gửi đơn trực tiếp cho Tòa án có thẩm quyền) từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoàn toàn vụ việc (tức là khi đưa được trẻ về Hungary hoặc khi trẻ bị từ chối trả lại).
- Thực hiện quyền thăm nom tại Hungary
Bộ Tư pháp Hungary phối hợp với cơ quan trung ương của các nước để hỗ trợ thu xếp thực hiện quyền thăm nom, gặp gỡ người cha và mẹ ở xa của trẻ. Điều 21 Công ước quy định việc đến thăm trẻ và yêu cầu giấy phép để đến thăm cũng tương tự như việc đề nghị trả lại trẻ. Hungary không yêu cầu mẫu đơn cụ thể, cũng không giới hạn các Tòa án được giải quyết các yêu cầu về quyền thăm nom. Trong trường hợp cần thiết người nộp đơn có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Can thiệp của cơ quan nhà nước (cảnh sát, cơ quan xã hội), phạt tiền hoặc các chế tài hình sự. Việc thi hành các quyết định về quyền thăm nom chủ yếu do cơ quan về giám hộ của Hungary thực hiện.
3. Một số phát triển mới trong quá trình thực thi Công ước
Quá trình áp dụng Công ước tại Pháp, Hungary cũng như tại các quốc gia châu Âu khác đang nổi lên một số vấn đề như:
Một là, mặc dù, trên thực tế, Công ước vẫn được thực hiện tương đối tốt ở các quốc gia đang là thành viên nhưng yêu cầu hiện đại hóa Công ước đã được đưa ra. Do có nhiều ý kiến khác nhau nên quá trình sửa đổi Công ước vẫn chưa có nhiều tiến triển. Một số vấn đề như ngăn chặn việc tiếp tục đưa trẻ đi trái phép hoặc cấm xuất cảnh đang tiếp tục được bàn luận. Ví dụ: Trong khối Schengen, việc đi lại giữa các quốc gia thực hiện như trong nội địa nên các quy định về xuất cảnh phải được xây dựng ở cấp Liên minh châu Âu.
Hai là, Công ước không quy định về mối quan hệ giữa việc thực hiện Công ước và vụ việc hình sự xảy ra song song, trong khi một số nước thành viên Công ước coi hành vi đưa trẻ đi là tội phạm hình sự gây khó khăn cho việc thực thi (theo điểm b khoản 1 Điều 13 Công ước, vụ việc hình sự có liên quan có thể là căn cứ từ chối đem trả trẻ gây khó khăn cho việc hòa giải).
Ba là, do các nước quy định khác nhau về thỏa thuận giữa cha mẹ trẻ về quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom nên việc ghi nhận thỏa thuận này tại quốc gia khác có thể gặp khó khăn.
Như vậy, mặc dù Công ước có thể được áp dụng trực tiếp (như tại Pháp), tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc thực thi nhanh chóng, hiệu quả thì khuôn khổ pháp luật trong nước của quốc gia thành viên Công ước (pháp luật tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về trợ giúp pháp lý…) cần có những sửa đổi, bổ sung phù hợp, không loại trừ khả năng ban hành một đạo luật riêng để thực thi (như tại Hungary). Đồng thời, quá trình thực thi đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan khác nhau. Tại cơ quan trung ương và Tòa án phải có đội ngũ được chuyên môn hóa để giải quyết nhanh chóng các vụ việc yêu cầu trả lại trẻ. Việt Nam cũng có thể cân nhắc lựa chọn cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp giống như Pháp và Hungary để đảm nhiệm chức năng hai chiều, vừa gửi hồ sơ đi, vừa tiếp nhận hồ sơ đến và phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau cả trong và ngoài nước. Quy trình trả lại trẻ và tổ chức thực hiện quyền thăm nom nhiều bước trong thời gian ngắn đòi hỏi không chỉ sự thay đổi trong hệ thống pháp luật, trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan liên quan mà cả nhận thức và tư duy của những “người trong cuộc” và toàn xã hội. Để sẵn sàng, Việt Nam nên tiến hành chuẩn bị từng bước, rà soát pháp luật, đề ra một quy trình cơ chế phối hợp nhanh chóng, khả thi, chuẩn bị nguồn lực cho cơ quan dự định được chỉ định là cơ quan trung ương, thiết lập mạng lưới với cơ quan trung ương của các nước thành viên Công ước, mở rộng tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ ý nghĩa và tác động của Công ước trước khi chính thức quyết định gia nhập Công ước này.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Thông tin được cung cấp bởi bà Marianne Schulz (Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp) tại Hội thảo về Công ước La Hay về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em và tư pháp quốc tế do Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Pháp phối hợp tổ chức ngày 06 - 07/7/2015.
Xem thêm thông tin quốc gia của Pháp (cập nhật năm 2017) trên trang thông tin điện tử của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) tại địa chỉ https://assets.hcch.net/docs/b95196a0-e0e3-4def-92bd-31342d1d7256.pdf.
[2]. Nicole Atwill - Report on France trong Law Library of Congress - Report for Congress - USA- 2004, https://www.loc.gov/law/help/archived-reports/hague-convention-on-international-child-abduction.pdf.
[3]. Nicole Atwill - Report on France trong Law Library of Congress - Report for Congress - USA- 2004, https://www.loc.gov/law/help/archived-reports/hague-convention-on-international-child-abduction.pdf.
[4]. Phần lớn thông tin và số liệu do Bộ Tư pháp Hungary cung cấp tại Tọa đàm về kinh nghiệm của Hungary trong gia nhập và thực hiện một số công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế tại Hà Nội tháng 01/2018.
Xem thêm thông tin quốc gia của Hungary (cập nhật năm 2018) trên trang thông tin điện tử của HCCH tại địa chỉ: https://assets.hcch.net/docs/f1fd047e-59ee-4cac-866d-e220b22f4492.pdf.
[5]. Tamás Dezsó Ziegler - International Child Abduction cases in Hungary: a Comprehensive Summary of Statistics, Legal Framework and Important Case Law (Các vụ việc bắt cóc trẻ em quốc tế tại Hungary- Tóm tắt nghiên cứu toàn diện về dữ liệu thống kê, khuôn khổ pháp luật và án lệ quan trọng) - Acta Juridica Hungaria 56, No.4, 2015 - tr. 317 - 342.
[6]. Tamás Dezsó Ziegler - International Child Abduction cases in Hungary: A Comprehensive Summary of Statistics, Legal Framework and Important Case Law (Các vụ việc bắt cóc trẻ em quốc tế tại Hungary - Tóm tắt nghiên cứu toàn diện về dữ liệu thống kê, khuôn khổ pháp luật và án lệ quan trọng) - Acta Juridica Hungaria 56, No.4, 2015, tr. 317 - 342.
[7]. Có quốc gia thành lập một bộ máy riêng để giải quyết vụ việc này như Séc, Slovakia hoặc một số quốc gia chỉ định Bộ Ngoại giao nhưng đa số chỉ định Bộ Tư pháp.
[8]. Thừa phát lại tại Hungary là những người thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp chỉ định theo khu vực hoạt động. Họ không phải là công chức nhà nước. Họ hoạt động nghề nghiệp và thu phí dịch vụ của khách hàng. Xem thêm tại https://e-justice.europa.eu/content_legal_professions-29-hu-en.do?member=1.