1. Nội dung và chủ thể thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản
Trong Luật Phá sản của Hoa Kỳ, quyền quản lý tài sản phá sản được trao cho Tín thác viên (Trustees). Tín thác viên là người được uỷ thác quản lý tài sản, là đại diện hợp pháp thay mặt chủ sở hữu thực hiện các quyền năng đối với tài sản, tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập và vì vậy có thể trở thành nguyên đơn và bị đơn trong các quan hệ pháp luật cụ thể[1]. Chế định Tín thác viên trong Luật Phá sản của Hoa Kỳ được phân biệt cho hai trường hợp: Tín thác viên trong thủ tục thanh lý doanh nghiệp (Chương 7) và Tín thác viên trong loại thủ tục tái tổ chức (Chương 11).
Trong thủ tục tố tụng thanh lý, Tín thác viên do các chủ nợ bầu ra. Nếu chưa có Tín thác viên do các chủ nợ bầu thì Toà án có thể chỉ định Tín thác tạm thời để tiến hành việc quản lý tài sản phá sản cho đến khi người tín thác chính thức được lựa chọn. Theo thủ tục tố tụng ở Chương 7, các chủ nợ cũng có thể bầu ra một Uỷ ban với tối thiểu 3 người để tham vấn cho người tín thác và đưa ra những khuyến nghị lên Tòa án. Tín thác viên có các quyền hạn chủ yếu:
- Sử dụng hoặc bán hoặc cho thuê tài sản phá sản sau khi có thông báo của Toà án;
- Đặt cọc hoặc đầu tư một phần giá trị tài sản phá sản;
- Trên cơ sở chấp thuận của Toà án có quyền được sử dụng các chuyên gia độc lập như luật sư, kế toán, các nhà bán đấu giá, các nhân viên định giá tài sản hoặc hoạt động nhân danh những người này đối với tài sản phá sản;
- Trên cơ sở chấp thuận của Toà án có quyền tiến hành loại bỏ một hợp đồng đã thực hiện hay chưa hết hạn của con nợ…
Trong thủ tục tái tổ chức (Chương 11) việc quản lý tài sản vẫn do con nợ đảm nhiệm. Toà án sẽ chỉ định Tín thác viên nếu có những biểu hiện gian lận, không trung thực, kém năng lực, có các hành vi quản lý không phù hợp với hoạt động kinh doanh của con nợ… trong việc quản lý tài sản; Toà án cũng sẽ chỉ định Tín thác viên nếu có yêu cầu của bên có liên quan (như cổ đông có đảm bảo…). Tín thác viên theo thủ tục tái tổ chức có thẩm quyền:
- Định giá cho tất cả các tài sản nhận được;
- Kiểm tra bằng chứng của những đơn yêu cầu;
- Cung cấp các thông tin cho tất cả các chủ nợ và các bên có quyền lợi liên quan;
- Cung cấp cho Toà án và các cơ quan thuế báo cáo tài chính của quá trình hoạt động kinh doanh của con nợ;
- Thực hiện các báo tổng kết và các quyết toán cuối năm đối với việc quản lý tài sản phá sản;
- Điều tra tình hình tài chính của con nợ, nguyện vọng tiếp tục được hoạt động kinh doanh của con nợ;
- Đệ trình một bản kế hoạch hay một bản báo cáo về lý do không đưa ra được kế hoạch tái tổ chức hoặc đề nghị chuyển từ thủ tục tái tổ chức sang thủ tục thanh lý.
Trong Luật Phá sản của Nhật Bản, có định chế Quản trị viên (Kanxainin). Quản trị viên có vai trò hết sức quan trọng đối với việc quản lý tài sản của doanh nghiệp phá sản trong cả thủ tục thanh lý và thủ tục tổ chức lại. Quản trị viên trong Luật Phá sản Nhật Bản do Toà án chỉ định vào thời điểm tuyên bố phá sản (Điều 142, Điều 157). Người được uỷ thác này có thẩm quyền và quyền lực chung để duy trì, quản lý và định đoạt, hoặc bán khối tài sản phá sản và thực hiện việc phân phối công bằng, bình đẳng khối tài sản đó cho các chủ nợ trong phạm vi giới hạn về trình tự ưu tiên theo luật định giữa các khiếu nại được nộp đối với khối tài sản này. Quyền hạn và thẩm quyền của người được uỷ thác không chỉ giới hạn bởi quyền từ chối khiếu nại được nộp, quyền không chấp nhận những chuyển nhượng thiên vị hoặc gian dối trong khối tài sản và thẩm quyền khởi kiện đối với một tài sản nào đó thuộc khối tài sản đang còn tranh chấp trong thời điểm tuyên bố.
Chức năng quản lý tài sản phá sản trong Luật Phá sản của Nga được trao cho Quản tài viên (Điều 12). Quản tài viên do Toà án trọng tài bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của người mắc nợ và chủ nợ (cán bộ trong doanh nghiệp mắc nợ hoặc chủ nợ không được ứng cử chức Quản tài viên). Quản tài viên theo Luật Phá sản của Nga có quyền:
- Lãnh đạo doanh nghiệp, có quyền và thực hiện nghĩa vụ của người lãnh đạo doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Trong trường hợp cần thiết, không cho người lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ điều hành doanh nghiệp mắc nợ, tiếp nhận hoặc sa thải công nhân theo pháp luật lao động;
- Quản lý tài sản của doanh nghiệp mắc nợ;
- Vạch kế hoạch quản lý tài sản của người mắc nợ và tổ chức thực hiện kế hoạch đó;
- Thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Trong InsO của Đức có chế định Người quản lý phá sản (Insolvenzverwalter). Người quản lý phá sản do Toà án bổ nhiệm cùng với việc ra Quyết định thụ lý. Trong thực tiễn tố tụng ở Đức quyết định bổ nhiệm Người quản lý phá sản là loại quyết định phức tạp nhất của Toà án bởi đây sẽ là nhân vật đóng vai trò trung tâm và xuyên suốt cả quá trình tố tụng. Người quản lý phá sản là một thể nhân có vị trí độc lập với cả hai bên chủ nợ và con nợ, là người vừa đại diện cho lợi ích cho chủ nợ và con nợ đồng thời trong nhiều trường hợp cũng chính là người đại diện cho Nhà nước trong việc giám sát hoạt động quản lý và phân chia tài sản của con nợ. Ở Đức, nếu cho đến đầu những năm 80 phần lớn Người quản lý phá sản là những luật sư thực hiện chức năng này theo phương thức bán chuyên trách thì từ giữa những năm 80 trở lại đây hoạt động theo cơ chế chuyên trách (ví dụ như các luật sư chuyên trách về phá sản, các nhà quản trị kinh doanh, các nhà tư vấn thuế…). Khác với một luật sư thuần tuý, Người quản lý phá sản không có thiên hướng giải quyết các tranh chấp pháp lý bằng con đường tố tụng mà phải hành động chủ yếu như một thương nhân. Điều này đặc biệt liên quan đến quy định trong InsO hiện hành về nghĩa vụ duy trì doanh nghiệp hay các bộ phận của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại. Người quản lý phá sản do Toà án bổ nhiệm, giám sát và bãi miễn, hưởng tiền công theo tỷ lệ % từ khối tài sản phá sản theo quy định. Cũng cần lưu ý thêm là trong InsO của Đức còn có loại Người quản lý phá sản tạm thời (vorlaeufiger Insolvelzverwalter) do Toà án chỉ định để bảo vệ tài sản của con nợ trước các đối tượng khác và ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản của bản thân con nợ hoặc tiếp tục điều hành hoạt động của con nợ trước khi có Quyết định thụ lý chính thức.
Thông qua sự đề cập tới mô hình thực hiện việc quản lý tài sản phá sản trong pháp luật phá sản của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và của Đức nêu trên chúng ta nhận thấy có một điểm tương đồng khá căn bản là: Việc quản lý tài sản phá sản được giao cho một thiết chế có tính trung gian và độc lập với mục đích chung là nhằm tránh những rủi ro, bảo toàn tài sản phá sản.
Theo Luật Phá sản của Trung Quốc: Thành viên của Ban thanh lý do Tòa án nhân dân chỉ định từ cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính Chính phủ, các cơ quan hữu quan khác và các chuyên gia. Trong hoạt động, Ban thanh lý cũng có thể thuê các nhân viên cần thiết khác (Điều 24, Luật Phá sản của Trung Quốc)[2].
Khác với pháp luật phá sản của Trung Quốc và Luật Phá sản của Việt Nam năm 2004, trong phần lớn Luật Phá sản của các nước những quyền hạn để đạt được mục đích thống nhất đối với tài sản của doanh nghiệp phá sản, các quy định về chủ thể thực hiện công việc này thuộc về một chủ thể hoạt động chuyên nghiệp (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức) có tính xuyên suốt cả quá trình tố tụng. Chính điều này đã tạo ra sự thống nhất trong các biện pháp xử lý cũng như sự giảm thiểu về thời gian.
2. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản
- Về xác định tài sản thuộc quyền đòi nợ của chủ nợ trong việc phân chia khối tài sản phá sản
Trong Luật Phá sản của các nước khác nhau sự ghi nhận các vấn đề về xác định tài sản thuộc quyền đòi nợ của chủ nợ trong việc phân chia khối tài sản phá sản có nhiều điểm khác biệt.
Ví dụ trong Luật Phá sản Hoa Kỳ có quy định về những trường hợp khởi kiện bị coi là vô hiệu khi:
- Khiếu kiện đó không có hiệu lực bắt buộc đối với con nợ hoặc đối với tài sản của anh ta;
- Nếu là một lợi ích chưa phát sinh hoặc chưa đến hạn;
- Là những dịch vụ của những người có liên quan hoặc luật sư mà vượt quá giá trị hợp lý của những dịch vụ như vậy (khoản 502).
Về các khoản nợ bị loại trừ khỏi diện thanh toán từ khối tài sản phá sản, Luật phá sản Hoa Kỳ cũng quy định rõ:
- Thuế và các nghĩa vụ hải quan;
- Trách nhiệm pháp lý đối với việc chiếm đoạt tiền hoặc tài sản bằng cách lừa dối, đại diện không đúng thẩm quyền hoặc hoạt động gian lận;
- Trách nhiệm pháp lý đối với việc gây ra thương tích đối với một người hoặc làm hư hỏng tài sản;
- Trợ cấp cho vợ chồng hoặc con cái;
- Những khoản nợ không có trong danh mục trừ khi chủ nợ biết về vụ phá sản;
- Các khoản nợ có được do các hoạt động gian lận của con nợ trong khi thực hiện các hành động biển thủ hoặc trộm cắp;
- Các khoản nợ của sinh viên đến hạn ít hơn 05 năm trước khi có việc đệ trình vụ kiện;
- Các khoản nợ có được hoặc có thể được liệt kê trong một vụ phá sản trong đó những vụ mà con nợ được phép từ chối thanh toán nợ;
- Những khoản nợ tiêu dùng đối với những hàng hoá vượt quá 500 USD đối với một chủ nợ nếu cá nhân con nợ mắc nợ hoặc trong vòng 40 ngày trước khi thủ tục phá sản đối với con nợ được bắt đầu;
- Cá nhân con nợ có hơn 1000 USD tiền mặt theo một kế hoạch tín dụng trong vòng 20 ngày trước khi thủ tục phá sản đối với con nợ bắt đầu…(khoản 523).
Luật Phá sản của Nhật Bản cũng có những quy định tương tự. Ví dụ pháp luật của nước này còn quy định quyền yêu cầu đòi nợ của chủ nợ bị giới hạn đối với những khoản nợ là tài sản không nằm trên lãnh thổ Nhật Bản như đã được đề cập ở trên.
Luật Phá sản 2014 của Việt Nam, nhìn chung có sự thống nhất về nguyên tắc so với Luật Phá sản của các nước trong việc xác định quyền khởi kiện của chủ nợ đối với phạm vi tài sản thuộc khối tài sản phá sản, đồng thời cũng cho thấy có một số nét đặc thù:
- Việc quy định được phép hay giới hạn quyền khởi kiện của chủ nợ trong việc đòi nợ chủ yếu nghiêng về khía cạnh tính hợp pháp, đủ điều kiện của hành vi khởi kiện mà chưa có sự xác định thống nhất về sự được phép hay không được phép, và nhất là những loại tài sản thuộc diện loại trừ đối với hành vi khởi kiện (như đã dẫn trong Luật Phá sản Hoa Kỳ). Đặc điểm này cũng cho thấy rõ sự lấn át của các quy định tố tụng so với luật vật chất trong cơ cấu của Luật Phá sản 2014 của Việt Nam.
- Những khoản nợ thuộc diện được phép yêu cầu đòi nợ của các chủ nợ, trong Luật Phá sản 2014 của Việt Nam tuy không có sự xác định rõ như trong Luật Phá sản một số nước, song thông qua Điều 54 của Luật Phá sản năm 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản có thể cho thấy gồm:
+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Ngoài ra còn một số khoản, tuy không được coi là nợ và thuộc phạm vi đòi nợ của chủ nợ song thuộc diện phải thanh toán từ tài sản phá sản là: Chi phí phá sản, tiền góp vốn, đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp phá sản.
Với quy định trên có thể hiểu là ngoài những khoản nợ được xác định đó thì những khoản nợ khác là thuộc diện loại trừ? Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam không có quy định cụ thể điều này. Đặc điểm này cũng có thể được lý giải ở góc chiếu của sự xem xét về phạm vi của Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam. Rõ ràng Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam chỉ giới hạn sự điều chỉnh đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã và theo đó, chỉ chủ yếu nhìn nhận về các hành vi của chủ thể kinh doanh. Nếu hiểu và quan niệm như vậy thì sẽ thật là khó khăn bởi trong một môi trường hoạt động của một doanh nghiệp phát sinh hàng loạt các mối quan hệ vay mượn cũng như nhiều khoản nợ nần khác mà không phải bao giờ cũng có thể xác định được là kinh doanh hay là phi kinh doanh.
- Về trình tự phân chia tài sản phá sản
Trong Luật Phá sản của Hoa Kỳ thứ tự phân chia tài sản được xác định:
- Các chủ nợ có đảm bảo thu hồi nợ theo lợi ích đã được đảm bảo;
- Các chủ nợ được trao quyền thu hồi nợ được ưu tiên theo một thứ tự đã quy định;
- Việc thanh toán nợ cho các chủ nợ không đảm bảo đã đưa ra những yêu cầu kịp thời, đúng hạn;
- Việc thanh toán nợ cho các chủ nợ không có đảm bảo đã đưa ra những yêu cầu muộn hơn;
- Những khoản thanh toán đối với những thiệt hại có tính chất trừng phạt làm gương cho kẻ khác;
- Những chi phí từ ngày khởi kiện cho đến khi các công việc trên được tiến hành;
- Tài sản còn lại thì giao cho chủ nợ.
Những khiếu nại cùng hàng thì được trả theo một tỷ lệ tương ứng.
Trong Luật Phá sản của Nhật Bản, trình tự phân phối tài sản phá sản được xác định trên hai cơ sở là: Căn cứ vào tính chất của khoản nợ và thời gian trả nợ.
Căn cứ tính chất của các khoản nợ, các khoản nợ có ba loại:
- Khoản nợ ưu tiên (nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…);
- Khoản nợ thông thường (những khoản nợ phát sinh trong hoạt động của con nợ);
- Khoản nợ không có đảm bảo.
Khi phân chia tài sản thì trước hết phân chia cho các khoản nợ ưu tiên, còn lại thì chia cho các khoản nợ thông thường. Nếu sau khi chia cho các khoản nợ thông thường mà vẫn còn thì chia cho các khoản nợ không có đảm bảo. Song ở Nhật Bản, những khoản này trên thực tế rất ít được trả.
Căn cứ vào thời gian trả nợ có hai trường hợp:
- Người được uỷ thác có nhiệm vụ phân chia ngay lập tức khoản tiền mặt có trong tay ngay sau khi hoàn thành việc điều tra chung các khiếu nại. Việc phân phối tài sản đầu tiên này gọi là “phân phối giữa chừng”. Việc phân phối giữa chừng được thực hiện trên cơ sở bản danh sách phân phối do người được uỷ thác chuẩn bị và đệ trình lên Toà án để các bên có liên quan xem xét.
- Sau khi đã hoàn thành việc bán tất cả các tài sản thuộc khối tài sản phá sản sẽ tiến hành “phân phối cuối cùng”. Việc phân phối này cũng theo cách thức như phân phối lần đầu. Luật Phá sản Nhật Bản quy định là: Sau khi đã thực hiện phân phối cuối cùng mà lại phát hiện và thu hồi được những tài sản khác thì sẽ tiến hành “phân phối bổ sung”.
Trình tự phân phối tài sản phá sản trong Luật Phá sản của Nga được quy định:
+ Các khoản chi phí có liên quan đến:
- Thủ tục thanh lý tài sản, thù lao cho nhân viên quản lý tài sản và thanh lý tài sản,
- Việc duy trì chức năng của doanh nghiệp mắc nợ được thanh toán không cần qua thứ tự ưu tiên.
+ Thanh toán cho các chủ nợ theo thứ tự:
- Tiền bồi thường cho công dân mà người mắc nợ có trách nhiệm do gây thiệt hại đến tính mạng sức khoẻ được trả bằng khoản thanh toán tạm thời;
- Lương cho người lao động trả trợ cấp trong vòng một năm kể từ ngày mở thủ tục thanh lý, trả thù lao theo hợp đồng tác giả và hợp đồng li- xăng;
- Các khoản phải nộp ngân sách và quỹ ngoài ngân sách phát sinh trong vòng một năm tính đến ngày mở thủ tục thanh lý;
- Các chủ nợ tham gia thủ tục phá sản;
- Các thành viên tập thể lao động doanh nghiệp mắc nợ có phần đóng góp vào tài sản của doanh nghiệp mắc nợ;
- Các chủ sở hữu;
- Các yêu cầu còn lại.
Trong đó các chủ nợ thứ nhất, thứ hai và thứ ba là chủ nợ ưu đãi.
Mỗi một chủ nợ cùng một thứ tự được phân phối theo cùng tỷ lệ
(Điều 31).
Trình tự phân chia tài sản trong Luật Phá sản của Trung Quốc là:
- Khấu trừ các khoản chi phí từ phá sản;
- Các khoản lương trả cho công nhân viên chức và chi phí bảo hiểm lao động mà doanh nghiệp phải thanh toán;
- Các khoản thuế mà doanh nghiệp phải thanh toán;
- Các yêu cầu trong phá sản.
Trong trường hợp tài sản không đủ để đáp ứng theo yêu cầu thanh toán theo trật tự ưu tiên thì sẽ được phân chia theo tỉ lệ (Điều 38).
Trong InsO Đức, trình tự phân chia tài sản được quy định:
- Chi phí tố tụng;
- Các chủ nợ mới (chủ nợ từ khi có quyết định thụ lý);
- Các chủ nợ phá sản;
- Các chủ nợ thuộc hàng ưu tiên dưới (Nachrangige Insolvenzglaeubiger): Lãi suất của các khoản nợ sau khi có quyết định thụ lý, các chi phí mà của nợ do tham gia tố tụng.
Khảo cứu cách xác định các khoản nợ được thanh toán từ tài sản phá sản và thứ tự phân chia các khoản nợ đó trong Luật Phá sản của các nước cho thấy:
- Trong các khoản nợ thuộc danh mục ưu tiên thanh toán, bên cạnh các khoản có tính phổ biến như chi phí tố tụng, các khoản nợ lương và trợ cấp cho người lao động trong doanh nghiệp… thì Luật Phá sản của một số nước quan tâm tới các yếu tố như: Ý thức pháp luật của các chủ thể có liên quan để thực hiện sự ưu tiên, cho dù bản chất kinh tế của những khoản nợ có thể là tương đồng (ví dụ như Luật Phá sản của Hoa Kỳ); thời điểm phát sinh các khoản nợ (ví dụ như Luật của Đức)… Riêng đối với khoản nợ thuế, trong xu thế cải cách luật phá sản hiện đại ở nhiều nước, không còn được coi là khoản nợ thuộc diện ưu tiên mà hoàn toàn bình đẳng với các khoản nợ thương mại khác (ví dụ với trường hợp của Đức trong InsO được thông qua năm 1999). Khác với quan niệm này, ví dụ trong Luật Phá sản của Hoa Kỳ, khoản nợ thuế không thuộc diện phân chia nợ này mà được xếp vào loại tài sản loại trừ và được khấu trừ trước.
- Việc phân chia tài sản cho các chủ nợ phần lớn được trao cho người quản lý tài sản thực hiện trong quyền hạn độc lập của họ theo luật định.
- Việc phân chia tài sản có thể được thực hiện trong nhiều lần tuỳ thuộc vào tình hình tài sản thực tế của doanh nghiệp mắc nợ (như trường hợp của Nhật Bản), điều này góp phần giúp một bộ phận chủ nợ thu hồi nợ được nhanh chóng…
Theo Điều 54 của Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam, thứ tự ưu tiên phân chia tài sản còn lại được quy định:
+ Chi phí phá sản;
+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản nói trên mà vẫn còn thì phần còn lại thuộc về chủ sở hữu của doanh nghiệp (xã viên hợp tác xã; chủ doanh nghiệp tư nhân; các thành viên của công ty; các cổ đông của công ty cổ phần; thành viên công ty hợp danh). Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán, thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Thứ tự phân chia tài sản của tổ chức tín dụng khi bị tuyên bố phá sản sẽ được thực hiện theo Điều 101 của Luật Phá sản năm 2014. Theo đó, các khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đứng ở hàng ưu tiên thứ ba và được thanh toán trước các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. So sánh với những quy định có liên quan trong Luật Phá sản của các nước với Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam về trình tự phân chia tài sản cho thấy nguyên tắc chung của việc xác định và cách xác định diện và hàng của việc phân chia tài sản của doanh nghiệp phá sản trong Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam về cơ bản là tương đồng với pháp luật của các nước.
Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình