Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có đồng chí Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và các thành viên của Ban Soạn thảo, Tổ giúp việc soạn thảo Chỉ thị.
Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Soạn thảo cho biết, công tác xây dựng pháp luật hiện nay đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Điều này được thể hiện rất rõ trong các văn bản chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đặc biệt, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, trong đó nhấn mạnh: “bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật”. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ giúp việc tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về hình thức, nội dung và kết cấu của dự thảo Chỉ thị. Về cách tiếp cận, Bộ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, quy nạp thành các nội dung trong dự thảo Chỉ thị; đồng thời, tham mưu, đề xuất những công việc cần thực hiện sau khi Chỉ thị này được ban hành để kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo ra “đột phá của đột phá”.
Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phát biểu tại phiên họp
Báo cáo về quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, nội dung dự thảo Chỉ thị được xây dựng dựa trên 05 quan điểm cơ bản gồm: (i) đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới; pháp luật phải thật sự là nền tảng của sự phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; (ii) tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo định hướng đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW); (iii) đổi mới căn bản công tác xây dựng pháp luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc nắm bắt mọi cơ hội phát triển đất nước, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo đời sống cho Nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng, bắt kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu; (iv) tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ; phát huy đầy đủ vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường sự tham gia rộng rãi, thực chất của Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ luật gia, luật sư trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (v) đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật; bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Việc xây dựng Chỉ thị hướng tới đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định, phấn đấu đến năm 2030, nước ta có “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”, “thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội” đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn công tác xây dựng, thi hành pháp luật và yêu cầu phát triển đất nước mang tính bứt phá trong kỷ nguyên mới, dự thảo Chỉ thị thể hiện 04 giải pháp mang tính đột phá, cụ thể: (i) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; (ii) đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật; (iii) tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; (iv) có giải pháp đột phá bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ giúp việc đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo; các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Chỉ thị và các nội dung cơ bản trong dự thảo Chỉ thị.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị thay vì xây dựng Chỉ thị như dự thảo vì từ trước tới nay chưa có Nghị quyết về thi hành pháp luật; đồng thời, khi ban hành Nghị quyết sẽ thể chế hóa được nhiều về đề hơn như quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nên sẽ đáp ứng và giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Về nội dung, các đại biểu đề nghị sau khi Chỉ thị được ban hành phải giải quyết được các điểm nghẽn về thể chế pháp luật hiện nay và đạt được các mục tiêu đặt ra là xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, điều chỉnh tốt các quan hệ xã hội phát sinh trên thực tế; muốn vậy cần phải xây dựng được các chính sách tốt để quy phạm hóa thành văn bản pháp luật. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách đột phá về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, chuyển đổi số... trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Về nguồn nhân lực trong xây dựng pháp luật cần phải hiểu theo nghĩa rộng không chỉ các chuyên gia pháp lý mà còn cả đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng chính sách. Về thi hành pháp luật, cần phải có giải pháp mang tính đột phá để xây dựng được văn hóa tuân thủ pháp luật như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm...
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Soạn thảo phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban Soạn thảo đề nghị Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý tham khảo, thể chế hóa một số nội dung của Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/TW; các bài viết của Tổng Bí thư, chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ... để hoàn thiện Chỉ thị.
Về cấu trúc dự thảo Chỉ thị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung vào 07 nhóm nội dung chính gồm: (i) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; (ii) hoàn thiện chính sách pháp luật phục vụ mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên mới; (iii) nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật; (iv) nguồn nhân lực; (v) chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo gắn với việc hoàn thiện hạ tầng pháp luật; (vi) tài chính: (vii) vấn đề liên quan đến bài học kinh nghiệm quốc tế.
Thùy Dung