Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 được thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội. Ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị đã có ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế cho Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 với một số điểm mới quan trọng nhằm tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Những văn bản này đặt ra yêu cầu phải kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Dự thảo Nghị quyết giữ nguyên kết cấu 18 điều như Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 03 biểu mẫu mới. Nội dung chủ yếu của Nghị quyết bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; mục đích, yêu cầu, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm; phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; điều khoản thi hành.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về mặt nội dung dự thảo, điều kiện để trình Quốc hội; cho ý kiến về các nội dung cụ thể về phạm vi điều chỉnh, bố cục, cách thức thể hiện trong dự thảo; việc mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm so với Nghị quyết số 85/2014/QH13; về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm.Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý tên gọi của Nghị quyết cần bao quát phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh, thống nhất với khái niệm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; làm rõ đối tượng áp dụng, có bổ sung quy định cấm, làm rõ căn cứ đánh giá tín nhiệm bảo đảm thể chế hóa theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023của Bộ Chính trị và phù hợp với hoạt động của Hội đồng nhân dân và Quốc hội, thể hiện rõ nội dung Quốc hội, Hội đồng nhân dân sâu hơn, cụ thể hơn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, hoàn chỉnh các hồ sơ để gửi lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Quốc hội.
PV