Công đoàn Việt Nam - Khái quát Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển
Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.
Từ năm 1936 - 1939, tổ chức Công hội Đỏ đổi tên thành Nghiệp đoàn Ái hữu và chuyển sang thời kỳ hoạt động bán công khai. Nhờ sự tổ chức linh hoạt, thích hợp với tình hình, phong trào công nhân giai đoạn này vẫn phát triển mạnh mẽ. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp đầu hàng và thỏa hiệp với phát xít Nhật thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của nhân dân ta, thủ tiêu các quyền tự do nghiệp đoàn. Trước tình hình đó, tổ chức Nghiệp đoàn Ái hữu phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là “Hội Công nhân phản đế”, năm 1941 đổi thành “Hội Công nhân cứu quốc” làm nòng cốt cho hoạt động của tổ chức Việt Minh.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công đoàn Nam Bộ đã quyết định thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước thành “Hội Công nhân cứu quốc”. Tháng 6/1946, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc đã đổi tên “Hội Công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn”. Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” đã chính thức được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.
Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tham gia tích cực vào cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đã diễn ra từ ngày 01 - 15/01/1950, đề ra mục tiêu: “Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”. Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 - 27/02/1961 đã quyết định đổi tên “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Tiếp đó, đến Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 16 - 18/11/1983 tại Thủ đô Hà Nội đã nhất trí lấy ngày 28/7/1929, ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ làm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 - 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội quyết định đổi tên “Tổng Công đoàn Việt Nam” thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1986 - 1990), đưa đất nước ta dần thoát khỏi khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và công nhân, viên chức, lao động. Gần đây nhất chính là Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 01 - 03/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn… Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta”.
Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công đoàn Viên chức Việt Nam qua 30 năm xây dựng và phát triển
Ngày 02/7/1994, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định số 739/QĐ-TLĐ thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam. Theo Quyết định này, Công đoàn Viên chức Việt Nam trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Viên chức Việt Nam chỉ đạo trực tiếp công đoàn các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể Trung ương đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo Công đoàn Viên chức tỉnh, thành phố.
Sự ra đời của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần VII đề ra; đồng thời thể hiện ý nguyện của đông đảo công chức, viên chức trên cả nước, cũng như các cấp công đoàn cơ sở, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào công nhân, viên chức, lao động và Công đoàn Việt Nam. Đây cũng là một mốc son mới đánh dấu sự phát triển của quá trình hòa nhập giữa Công đoàn Việt Nam với các tổ chức công đoàn quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn đối với Việt Nam. Từ đây cái tên Công đoàn Viên chức Việt Nam (VPSU) đã xuất hiện và dần trở nên quen thuộc với bè bạn quốc tế, ngày 02/7 trở thành ngày đáng ghi nhớ của đội ngũ công chức, viên chức, lao động Việt Nam đã đi vào lịch sử của phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn Viên chức Việt Nam qua 30 năm xây dựng và phát triển cùng 06 kỳ đại hội đã không ngừng phát triển đồng bộ với 02 hệ thống: Công đoàn Viên chức các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Công đoàn Viên chức tỉnh, thành phố. Đến nay, Công đoàn Viên chức Việt Nam có 60 đơn vị trực thuộc (trong đó có 25 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 35 công đoàn cơ sở) với hơn 600 công đoàn cơ sở; số lượng đoàn viên của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 22.000 đoàn viên lúc mới thành lập (năm 1994) đến nay đã lên trên 84.000 đoàn viên. Hệ thống Công đoàn Viên chức tỉnh, thành phố phát triển nhanh từ 08 công đoàn viên chức tỉnh, thành phố khi mới thành lập, đến nay số công đoàn viên chức tỉnh, thành phố là 63 đơn vị với trên 3.000 công đoàn cơ sở và trên 240.000 đoàn viên. Cùng với sự phát triển hệ thống tổ chức công đoàn viên chức các cấp, Công đoàn Viên chức Việt Nam cũng đã và đang mở rộng quan hệ hợp tác với công đoàn viên chức và phong trào công đoàn viên chức các khu vực và thế giới.
Từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; sự nỗ lực đoàn kết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức Việt Nam qua các thời kỳ, của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp và của cả hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam, hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện phương châm đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; lấy phong trào hoạt động và xây dựng công đoàn cơ sở làm nền tảng, làm trọng tâm; lấy nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và Công đoàn trong từng giai đoạn làm mục tiêu tổ chức hoạt động, kết quả phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong thời gian qua của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Với những đóng góp to lớn của phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong 30 năm qua đã có nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý của Nhà nước, các ngành, các cấp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn Viên chức Việt Nam được nhận Bằng khen và Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2013, Công đoàn Viên chức Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Những bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay
05 bài học kinh nghiệm:
Một là, chủ động tham mưu, nắm chắc và cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến người lao động, huy động các nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động và xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm.
Hai là, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; đầu tư cho công tác dự báo, nắm và phân tích tình hình, quan tâm thí điểm các mô hình mới.
Ba là, tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phải đầu tư nguồn lực, đổi mới cách làm, quản trị rủi ro, coi đây là động lực thu hút, tập hợp người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.
Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp.
Năm là, xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
08 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn những năm tới: (i) Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; (ii) Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; (iii) Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam; (iv) Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (v) Nâng cao chất lượng công tác nữ công, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ; (vi) Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam; (vii) Xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam; (viii) Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Uyên Nhi (tổng hợp)
Ảnh: Internet
Bài viết sử dụng nguồn tài liệu: Đề cương Tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (02/7/1994 - 02/7/2024).