Tuy nhiên, để lựa chọn được nguồn là những bản án, quyết định của Tòa án làm án lệ là một nội dung rất phức tạp và quan trọng. Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức lấy ý kiến đối với 35 bản án, quyết định được lựa chọn làm nguồn để công bố làm án lệ. Về cơ bản, tác giả đồng tình và nhất trí với các bản án, quyết định đưa vào làm nguồn và công bố án lệ lần này. Song, vẫn còn có nội dung trong bản án, quyết định cần trao đổi thêm và một số bản án, quyết định cần cân nhắc không nên đưa làm án lệ.
Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Điều 2 của Nghị quyết này quy định: Tiêu chí lựa chọn án lệ là án lệ phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; có tính chuẩn mực; có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.
Như vậy, án lệ trước hết là những lập luận, phán quyết trong một bản án, quyết định cụ thể về một sự việc cụ thể, chứ không phải phán quyết lập luận chung chung và những bản án, quyết định này phải được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố trên cơ sở lựa chọn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Mục tiêu của việc áp dụng án lệ là góp phần khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, những quy định phức tạp của pháp luật còn chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc những vấn đề chưa quy định hoặc quy định nhưng chưa cụ thể. Giá trị của án lệ thể hiện ở những lập luận, phán quyết có tính chuẩn mực của Tòa án về một vụ việc cụ thể được vận dụng để giải quyết một vụ việc cụ thể khác, bảo đảm rằng những vụ việc như nhau được giải quyết giống nhau, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Do vậy, khi nghiên cứu giải quyết các vụ việc có án lệ thì họ yên tâm hơn trong việc áp dụng pháp luật, tự tin về tính minh bạch, công bằng của pháp luật, đồng thời cũng nâng cao năng lực thực tiễn của thẩm phán trong giải quyết các vụ án. Ngoài ra, án lệ khi được công khai còn giúp cho mọi người có cách xử sự dễ dàng hơn trong cuộc sống mỗi khi gặp sự việc tương tự xảy ra đối với cá nhân mình; đồng thời sẽ hạn chế những bản án, quyết định đúng của Tòa án mà vẫn bị kháng cáo hoặc đơn thư kéo dài.
Bản án, quyết định được coi là án lệ phải đáp ứng đầy đủ và trọn vẹn 3 tiêu chí quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, trong đó, tiêu chí đầu là quan trọng nhất, đó là bản án, quyết định có chứa đựng những lập luận, phán quyết của Tòa án về một vấn đề cụ thể và vấn đề đó chưa có quy định của pháp luật hoặc tuy có quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc hướng dẫn không rõ ràng dẫn đến hầu hết những người áp dụng pháp luật đều hiểu theo hướng không đúng tinh thần của luật và dẫn đến các bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy hoặc sửa. Còn trường hợp nếu đã có những quy định của pháp luật, các quy định đó không phức tạp mà chỉ do cách hiểu, do nhận thức của cá nhân cán bộ hoặc cả Hội đồng xét xử đó không đúng hoặc không cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật dẫn đến áp dụng sai và hậu quả là bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy, sửa, thì theo tác giả, trường hợp này không phải là những nội dung pháp luật phức tạp và có nhiều cách hiểu khác nhau như quy định ở Điều 2 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP nên sẽ không được coi là án lệ.
Tiêu chí thứ hai đó là phải có tính chuẩn mực. Bản án, quyết định phải chuẩn mực về cả hình thức và nội dung, hình thức phải viết đúng mẫu của án lệ, câu từ trong bản án, quyết định đó phải thật sự chính xác, không được sai sót, thậm chí cả từ lỗi chính tả và nhất là những lập luận trong bản án, quyết định này phải thật sự chuẩn xác và cụ thể. Bởi vì, do không có hồ sơ vụ án nên khi đọc bản án, quyết định, người đọc phải hình dung ra toàn bộ bản án, còn nếu viết tóm tắt, quá khái quát sẽ dẫn đến việc có nhiều cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật và khó đánh giá được bản án, quyết định đó đúng hay sai.
Từ những phân tích trên, tác giả xin bàn luận một số vụ án hình sự mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn để xem xét nghiên cứu đưa ra công bố làm án lệ lần này:
Vụ án Nguyễn Quý Hợi, phạm tội “Giết người”
Nguyễn Quý Hợi sinh năm 1983 và chị Nguyễn Thị Thu Hiền là con gái ông Nguyễn Hồng Thanh không có đăng ký kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng từ năm 2006 đến năm 2010 và có một con chung.
Vào khoảng 16 giờ ngày 22/5/2011, ông Nguyễn Hồng Thanh là bố đẻ của chị Hiền đang điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47K9-5274 đi trên đường liên thôn Ea Sia B, xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk thì gặp Nguyễn Quý Hợi đang điều khiển xe máy cày, do mâu thuẫn với nhau từ trước nên ông Thanh có chửi Hợi. Bực tức vì bị ông Thanh chửi, Hợi điều khiển xe máy cày đến chợ Km72 rồi lấy xe mô tô biển kiểm soát 47H2-4735 và lấy một khúc gỗ dài khoảng 80cm, đường kính 2,5cm cầm bằng tay trái và điều khiển xe mô tô chạy vào đường liên thôn thuộc buôn Briêng B, xã Ra Nam, huyện Ea H’Leo để tìm đánh ông Thanh. Lúc này, Hợi điều khiển mô tô với vận tốc khoảng 80km/giờ, ông Thanh phát hiện Hợi đang đuổi theo phía sau nên hoảng sợ điều khiển xe mô tô chạy với vận tốc nhanh, ông Thanh vừa chạy, vừa quay đầu nhìn lại và hô “cứu với, cứu với”. Khi đến đoạn đường cong thuộc buôn Briêng B, xã Ea Nam thì ông Thanh điều khiển xe mô tô về phía bên trái theo hướng đang đi, nên đã đâm vào xe mô tô do ông Quách Tâm điều khiển chạy ngược chiều đến, làm ông Thanh chết tại chỗ và ông Quách Tâm bị thương nhẹ.
Tại Bản giám định pháp y số 65/KLPY ngày 21/3/2012 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Nguyên nhân ông Nguyễn Hồng Thanh tử vong là choáng đa thương tích do tai nạn giao thông.
Nguyễn Quý Hợi đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử: Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Nguyễn Quý Hợi 12 năm tù về tội “Giết người”. Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 buộc Nguyễn Quý Hợi phải bồi thường cho gia đình người bị hại Nguyễn Hồng Thanh tổng số tiền 112.340.000 đồng.
Hội đồng xét xử nhận định: Mặc dù trong hồ sơ vụ án không có kết luận giám định về vận tốc, tuy nhiên căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường ngày 22/5/2011 thấy rằng, sau khi xe của ông Thanh va chạm với xe của ông Quách Tâm thì dấu vết để lại trên đường là vết trượt lốp dài 0,8m, vết cày dài 1,1m, vết phanh lốp xe máy dài 1,65m, vết cày chà ngắt quãng dài 16m, vết trượt tử thi dài 11,2m, có thể khẳng định bị cáo Hợi và ông Thanh điều khiển xe mô tô với vận tốc rất nhanh; phù hợp với lời khai của bị cáo Hợi cũng như lời khai của một số người làm chứng về việc Hợi điều khiển xe với vận tốc khoảng 80km/giờ.
Thời điểm Hợi gặp ông Thanh là giờ cao điểm (khoảng 16 giờ đến 17 giờ) là khoảng thời gian có đông người tham gia giao thông; địa điểm Hợi đuổi theo ông Thanh là nơi có dân cư sinh sống hai bên đường, nên khi Hợi cầm gậy điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao đuổi theo ông Thanh thì Hợi phải nhận thức được hành vi của Hợi là rất nguy hiểm. Ông Thanh do hoảng sợ cũng phải điều khiển xe chạy với tốc độ cao để tránh sự truy đuổi của Hợi có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người, nhưng Hợi không những không dừng đuổi mà còn lạng lách đánh võng đuổi đánh ông Thanh. Khoảng cách giữa Hợi và ông Thanh ngày càng gần thì sự hoảng loạn của ông Thanh càng tăng lên, buộc ông Thanh phải tăng tốc độ xe mô tô, vừa chạy, vừa quay đầu nhìn lại và kêu “cứu với, cứu với…”, nhưng Hợi cũng không dừng lại mà vẫn tiếp tục đuổi theo cho đến khi ông Thanh gặp tai nạn mới dừng lại. Với hành vi nguy hiểm nêu trên, có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của Hợi là rất quyết liệt, chứng tỏ về mặt chủ quan, Hợi không mong muốn, nhưng có ý thức chấp nhận hậu quả chết người xảy ra và thực tế khi thấy ông Thanh bị tai nạn, Hợi bỏ mặc không đưa ông Thanh đi cấp cứu mà quay xe đi về, hậu quả ông Thanh chết.
Qua vụ án này tác giả thấy rằng, do không có hồ sơ vụ án, nên nếu theo nhận định sự việc phạm tội xảy ra trong vụ án này thì việc đánh giá các chứng cứ của Hội đồng xét xử còn có nội dung chưa thật vững chắc: Theo diễn biến của vụ án thì ông Thanh và bị cáo Hợi mỗi người điều khiển một xe mô tô, ông Thanh đi trước, bị cáo Hợi một tay cầm cây gậy và một tay điều khiển xe mô tô đuổi phía sau, như vậy khả năng chạy xe của Hợi không thể chạy rất nhanh được, hơn nữa hành vi điều khiển xe máy chạy phía sau đuổi ông Thanh, Hợi không có lời nói hay chửi bới đe dọa gì ông Thanh nên cũng không thể nói hành vi của Hợi là quyết liệt được; khoảng cách giữa xe của ông Thanh và Hợi là bao xa khi đuổi nhau thì cũng không xác định được nên cũng không thể cho là ông Thanh quá hoảng sợ mà phải chạy nhanh để gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, không có kết luận giám định về vận tốc mà chỉ căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường khẳng định bị cáo Hợi và ông Thanh điều khiển xe mô tô với vận tốc rất nhanh là chưa vững chắc. Đồng thời, khi Hợi thấy ông Thanh ngã, Hợi hoàn toàn không biết ông Thanh có thể nguy hiểm đến tính mạng hay không, mặc dù đang đuổi để đánh ông Thanh, nhưng khi thấy ông Thanh ngã, Hợi cũng không đánh ông Thanh nữa mà quay xe đi về. Như vậy, trong vụ án này, chỉ với những phân tích trên thì không thể cho rằng Hợi muốn giết ông Thanh hoặc bỏ mặc khi biết ông Thanh chết. Vì vậy, do không có hồ sơ vụ án, nên nếu chỉ theo nhận định diễn biến vụ án như trên mà kết tội bị cáo Hợi về tội “Giết người” là chưa có căn cứ vững chắc. Vì vậy, theo tác giả không nên đưa vụ án này làm án lệ.
Vụ án Đồng Xuân Phương, phạm tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”
Khoảng 15 giờ ngày 21/6/2007, Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội nhận được tin báo đã xảy ra vụ án, nạn nhân bị chết tại khu vực đúc dầm bê tông thi công cầu Thanh Trì thuộc địa phận tổ 12 phường Thạch Bàn, quận Long Biên; nạn nhân là anh Nguyễn Văn Soi (kỹ sư xây dựng thuộc Công ty cổ phần xây dựng 204 thuộc Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng). Qua điều tra, xác minh, Công an quận Long Biên đã bắt khẩn cấp Đồng Xuân Phương.
Quá trình điều tra, Đồng Xuân Phương khai nhận: Anh Nguyễn Văn Soi và Đồng Xuân Phương cùng làm việc tại Công ty cổ phần xây dựng 204 thuộc Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng (được giao nhiệm vụ thi công, xây dựng cầu Thanh Trì). Khoảng tháng 02/2007, Phương uống rượu say trong giờ làm việc, đã bị anh Soi dùng điện thoại di động chụp ảnh, báo cáo lãnh đạo nên Phương có ý định trả thù anh Soi.
Ngày 14/6/2007, Đồng Xuân Phương gọi điện thoại cho bạn là Đoàn Đức Lân sinh năm 1975 (trú tại nhà số 11 C 98 Trại Chuối, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) nói việc mâu thuẫn nêu trên và nhờ Lân đánh trả thù. Lân nói sẽ giới thiệu người khác thực hiện. Tối ngày 17/6/2007, Phương từ Hà Nội về Hải Phòng gặp Lân và bạn của Lân là Hoàng Ngọc Mạnh sinh năm 1982 (còn gọi là Thắng, trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) kể lại việc mâu thuẫn và thuê Lân, Mạnh đánh anh Soi bằng cách dùng dao đâm vào chân, tay nạn nhân để gây thương tích. Đồng Xuân Phương hỏi giá bao nhiêu, Mạnh và Lân nói tùy, nên Phương đã đưa cho Mạnh 1.500.000 đồng. Lân và Mạnh đồng ý.
Khoảng 20 giờ ngày 20/6/2007, Hoàng Ngọc Mạnh đi cùng Nam (là bạn Mạnh, không xác định được địa chỉ) lên Hà Nội gặp Đồng Xuân Phương thống nhất là sẽ đánh anh Soi vào ngày 21/6/2007. Sau đó Phương đưa thêm 500.000 đồng để Mạnh thuê chỗ ngủ. Đến khoảng 9 giờ ngày 21/6/2007, Phương đã dẫn Mạnh và Nam đến địa điểm đoạn đường anh Soi sẽ qua để đi họp vào đầu giờ buổi chiều hôm đó, rồi quay về công ty. Khoảng 11 giờ, Hoàng Ngọc Mạnh đến quán nước tại ngã ba quốc lộ 5 - 1B (quán của chị Phạm Thị Miến) thuê điện thoại di động của chị Miến gọi điện thoại cho Đồng Xuân Phương yêu cầu mô tả đặc điểm nhận dạng và thông báo số điện thoại di động của anh Soi. Phương đã thực hiện theo yêu cầu của Mạnh. Đến khoảng hơn 13 giờ chiều, Mạnh lại thuê điện thoại di động của chị Miến gọi cho Phương thông báo là đã nhận dạng được nạn nhân và Mạnh sẽ thực hiện một mình vì hiện Nam đã bỏ đi đâu không thông báo lại và Đồng Xuân Phương đồng ý.
Sau khi phát hiện được anh Soi, khoảng 14 giờ 16 phút cùng ngày, Mạnh đã thuê máy điện thoại di động của chị Miến gọi điện thoại hẹn gặp anh Soi tại khu vực đúc dầm bê tông. Khi anh Soi đến, Mạnh đã dùng dao nhọn chuẩn bị từ trước đâm 2 nhát vào mặt sau đùi phải, làm anh Soi chết.
Tại Bản giám định pháp y số 146/PC21-PY ngày 17/7/2007, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hà Nội kết luận: Nạn nhân bị 2 vết thương tại mặt sau đùi phải, vết phía trên xuyên vào cơ đùi 3cm; vết phía dưới cắt đứt động mạch, tĩnh mạch đùi sau gây chảy mất nhiều máu. Nguyên nhân chết: Sốc mất máu cấp không hồi phục do vết thương động mạch.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 164/2008/HSST ngày 17/11/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Đồng Xuân Phương 17 năm tù về tội “Giết người”.
Vụ án này đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy để xét xử lại, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao áp dụng các điểm m, n khoản 1 Điều 93, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Đồng Xuân Phương tù chung thân về tội “Giết người”; buộc Đồng Xuân Phương bồi thường tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 43.800.000 đồng và giữ nguyên các quyết định khác về bồi thường thiệt hại.
Bản án của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về các phần: Tội danh, hình phạt và án phí hình sự phúc thẩm đối với Đồng Xuân Phương; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo hướng xét xử hành vi của Đồng Xuân Phương phạm tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trong vụ án này nếu chỉ nêu diễn biến như nội dung trên thì không đủ căn cứ để kết tội bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. Bởi vì, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của bị cáo và các vết đâm trên người bị hại để khẳng định bị cáo không có ý thức giết chết anh Soi là hoàn toàn chưa đủ cơ sở. Bởi lẽ, tâm lý của bị can, bị cáo bao giờ cũng muốn chối tội, không bao giờ khai báo bất lợi cho mình; mặt khác, dù bị cáo khai không muốn giết người, nhưng thông qua hành vi phạm tội, công cụ phương tiện, điều kiện hoàn cảnh khi phạm tội thì trong nhiều trường hợp, luật buộc bị can, bị cáo phải biết việc chết người sẽ xảy ra và bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Còn cụ thể trong trường hợp này, nếu kết tội bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” thì cần phải bổ sung thêm các nội dung về thời gian mà bị cáo đâm anh Soi là mấy giờ, khu vực đúc dầm bê tông đó có người qua lại hay không, có gần nơi dân cư hay không, hành vi dùng dao đâm bất ngờ anh Soi hai nhát vào đùi, anh Sọi bị gục tại chỗ không đi được hay bỏ chạy? Nếu thời gian đâm anh Soi là đêm khuya, khu vực đúc dầm bê tông vắng vẻ không có người qua lại, anh Soi có hô hoán nhờ người ứng cứu cũng không ai biết và khi đâm, nếu thực tế anh Soi bị gục tại chỗ không lê lết chân đi được nên bị mất máu cấp và chết tại chỗ thì trong trường hợp này cũng không thể nói là hành vị của bị cáo chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi; còn nếu anh Soi sau khi bị đâm vẫn chạy về kịp thời băng bó nhưng do vết thương bị đâm quá nặng, anh Soi mất nhiều máu nên chết, thì đó là hành vi cố ý gây thương tích dẫn dến chết người. Vì những lẽ trên, theo tác giả, nếu lựa chọn vụ án này làm án lệ thì phải bổ sung thêm một số tình tiết như phân tích.
Ngoài ra, còn một số vụ án khác như Vụ án Đặng Thị Mai Trinh và đồng phạm bị kết án về tội “Lưu hành giấy tờ có giá giả”; vụ án Trần Thị Phương Trinh (còn có tên gọi khác là Thảo) và vụ án Ngô Quang Chướng, phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; Vụ án Cao Trần Thị Hồng Thắm, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Vụ án Phàn Văn Phủ, Phàn Seo Ngáo, phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; Vụ án Hứa Quan Timy (Timy Quang), phạm tội “Tổ chức đánh bạc”. Những vụ án này đều do việc cập nhật văn bản pháp luật không kịp thời, dẫn đến sai lầm trong áp dụng pháp luật nên dẫn đến xử lý sai, do đó, theo tác giả không nên sử dụng làm nguồn để công bố án lệ đối với các bản án, quyết định này.
Tóm lại, nhận thức về tầm quan trọng của án lệ, đặc biệt là những tiêu chí của án lệ, cũng như việc lựa chọn mỗi bản án, quyết định cụ thể làm nguồn để công bố án lệ, vì vậy, mỗi cấp Tòa án, mỗi Tòa án cũng như mỗi cán bộ làm công tác pháp luật nói chung phải chủ động nắm bắt, quán triệt sâu sắc các nội dung quy định về án lệ, có trách nhiệm đóng góp ý kiến về cách thức lựa chọn án lệ. Khi được Tòa án nhân dân tối cao giao, Tòa án nhân dân các cấp cần phải tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và đặc biệt là cán bộ làm công tác chuyên môn trong các Tòa án về mỗi bản án, quyết định để cân nhắc đưa ra làm nguồn công bố án lệ.
Tòa án quân sự Trung ương