Phòng ngừa hành chính là nhóm biện pháp được sử dụng phổ biến trong quản lý hành chính nhà nước ở mọi quốc gia. Dẫn chiếu quy định pháp luật Việt Nam, phòng ngừa hành chính là biện pháp do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền áp dụng để ngăn ngừa những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cũng như bảo đảm an toàn xã hội trong các trường hợp khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh… Tính chất cưỡng chế của các biện pháp phòng ngừa hành chính thể hiện ở việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa không cần sự đồng ý của công dân, tổ chức và quyết định phòng ngừa phải được chấp hành vô điều kiện. Do vậy, nhóm biện pháp này có thể nhận diện với hai đặc điểm là: (i) Khi chưa xảy ra vi phạm pháp luật hay không liên quan đến vi phạm pháp luật; (ii) Khi đã xảy ra vi phạm pháp luật nhưng nhằm mục đích phòng ngừa tiếp theo, phòng ngừa chung. Theo đó phòng ngừa hành chính bao gồm các biện pháp sau:
- Kiểm tra giấy tờ, tài liệu, văn bằng nhằm ngăn ngừa những vi phạm pháp luật như: Kiểm tra bằng lái xe ô tô, xe máy, nhãn hiệu hàng hoá, chứng minh thư nhân dân, bằng tốt nghiệp phổ thông, đại học...; kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu trong nhà ở của công dân khi có nghi ngờ về vi phạm chế độ đăng ký tạm trú; kiểm tra hàng hóa, hành lý và cá nhân do các cơ quan hải quan thực hiện nhằm ngăn ngừa các vụ buôn lậu qua biên giới, trốn thuế hàng hóa nhập, xuất hoặc để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay, phát hiện các chất dễ cháy, dễ nổ;
- Ngăn cấm hoặc hạn chế xe cộ đi lại trên một tuyến đường khi xuất hiện nguy cơ mất an toàn giao thông trong các trường hợp sửa lại đường sá, xây cầu cống, bão lụt, cây đổ… Ngăn cấm vào khu vực đang có dịch bệnh; kiểm tra bắt buộc sức khỏe của những người làm công việc dịch vụ có liên quan đến thực phẩm, y tế, dễ gây ra dịch bệnh cho người tiêu dùng, bệnh nhân…
- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh, đối với người nghiện ma túy, người mại dâm có tính chất thường xuyên; quản chế hành chính đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có nhiều quan điểm cho rằng các biện pháp xử lý hành chính và quản chế hành chính được áp dụng khi có vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không truy cứu trách nhiệm hành chính. Cho nên, biện pháp xử lý hành chính là một hình thức xử lý vi phạm hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tác giả cho rằng, bản chất của biện pháp xử lý hành chính và quản chế hành chính là biện pháp cưỡng chế hành chính đặc biệt, nhằm mục đích đấu tranh phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật xảy ra. Tức là ngăn chặn không để xuất hiện thêm các vi phạm pháp luật tương tự từ những cá nhân bị áp dụng hình thức này. Bằng cách giáo dục nhận thức, nhân cách, lối sống và hạn chế một số quyền tự do để đạt được mục tiêu đó. Do vậy, đây cũng có thể được xem là yếu tố quan trọng của các biện pháp phòng ngừa hành chính hiện nay.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, vai trò của biện pháp phòng ngừa hành chính lại càng được thể hiện rõ nét hơn. Do đó, nhu cầu điều chỉnh, áp dụng tăng lên của các biện pháp này là lẽ đương nhiên. Nhưng cần phải có một giới hạn rõ ràng, cụ thể để áp dụng nhóm biện pháp này trong thực tiễn, tránh tình trạng lạm quyền, lộng quyền của các nhà chức trách, đồng thời bảo vệ được quyền công dân, quyền con người, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi đây là nhóm biện pháp Nhà nước có thẩm quyền áp dụng đơn phương và mạnh mẽ, không cần sự đồng ý từ phía đối tượng quản lý, từ đó có thể dẫn đến việc Nhà nước trở nên độc đoán trong chính những quyết định hành chính hay hành vi hành chính của mình. Đây là xu hướng rất dễ bị Nhà nước lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị áp dụng. Hơn nữa, người ta thường tự mặc định rằng “ở đâu không có các quy định pháp luật, hoặc quy định dưới dạng chung chung thì ở đó cơ quan hành chính có quyền tùy ý định đoạt”. Mặc dù, đây là yếu tố thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động hành chính, nhưng tùy nghi hành chính nếu không được kiểm soát sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến lạm quyền. Trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa hành chính, quyền tùy nghi hành chính càng ít bao nhiêu, công dân càng được bảo đảm quyền lợi của mình bấy nhiêu.
Ngược lại, từ phía đối tượng quản lý có nhiều trường hợp coi nhẹ các biện pháp này dẫn đến pháp luật không được thực hiện nghiêm chỉnh. Mặc dù hoạt động áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính diễn ra nhiều, thường xuyên nhưng ít ai để ý và nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò của nó. Điều đó làm cho pháp luật không được tôn trọng, Nhà nước không hoàn thành vai trò của mình trong quản lý nhà nước khi sử dụng pháp luật là phương tiện quản lý. Có thể đưa ra một số giới hạn trong áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính như sau:
Thứ nhất, khi áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính phải trong giới hạn về thẩm quyền. Tức là pháp luật phải quy định rõ ràng chủ thể có thẩm quyền áp dụng, áp dụng chính xác các quy định của pháp luật về biện pháp phòng ngừa hành chính vào từng trường hợp cụ thể. Các chủ thể này cũng không được thay đổi hay tự ý chấm dứt việc áp dụng biện pháp này, trừ những trường hợp pháp luật quy định khác. Theo đó trách nhiệm hành chính được quy định kèm theo nếu chủ thể quản lý và đối tượng quản lý thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định pháp luật.
Thứ hai, áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính phải theo các thủ tục được pháp luật quy định. Vì hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của đối tượng quản lý nên thủ tục áp dụng không chỉ bảo đảm thỏa mãn chức năng của Nhà nước mà còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức. Do đó, thủ tục áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính là một giới hạn cần thiết.
Thứ ba, áp dụng phòng ngừa hành chính bị giới hạn bởi việc ghi nhận và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, cần phải đưa ra những giới hạn cần được chủ thể có thẩm quyền tôn trọng và bảo vệ. Dù quyền lực nhà nước là rất lớn, nhưng cũng không thể can thiệp vô hạn và thô bạo vào đời sống cộng đồng con người. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi lạm quyền, vi phạm quyền con người, quyền công dân trong áp dụng biện pháp phòng ngừa hành chính.
Thứ tư, pháp luật phải quy định rõ ràng nhóm các biện pháp phòng ngừa hành chính trong các văn bản pháp luật, đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với việc thực hiện chúng, để chủ thể có thẩm quyền và đối tượng quản lý nhận thức đầy đủ. Từ đó, có trách nhiệm trong việc thực hiện những hành vi liên quan tới các biện pháp này, bảo đảm hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước và thực hiện pháp luật theo tinh thần “thượng tôn công lý”
Khoa Luật, Đại học Vinh
1. Vũ Thư (2000), Chế tài hành chính - Lý luận và thực tiễn”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Vũ Thư (2006), Về kiểm soát quyền lực hành pháp trong hệ thống quyền lực nhà nước Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và pháp luật.