Quốc hội đang họp và vấn đề này nóng lên trong bối cảnh nhân dân muốn biểu thị tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng những cuộc biểu tình hợp pháp. Chính vì vậy, quả là không sai khi một vị đại biểu Quốc hội phát biểu: “Quốc hội còn nợ dân Luật Biểu tình!”. Mà cái nợ này có từ thế kỷ trước, chứ không phải hiện tại! Ngay cả các đại biểu Quốc hội ngày trước quyết liệt phản đối việc ban hành Luật Biểu tình thì giờ cũng ngả sang ý kiến cần sớm có Luật này.
Chiều ngày 28/5/2014, trao đổi bên hành lang Quốc hội với báo giới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bày tỏ, cá nhân ông mong muốn Luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội vào cuối kỳ họp năm nay và có thể thực hiện vào năm 2015. Bộ trưởng cho rằng, biểu tình là quyền cơ bản của người dân đã được quy định trong Hiến pháp và cái quyền hiến định ấy không thể “treo” mãi được. Và biểu tình là quyền con người, quyền công dân thì nếu có bị hạn chế phải được thể hiện bằng Luật chứ không thể bằng một Nghị định của Chính phủ (dưới luật). Trước đó, trong phiên họp do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cũng có 23 đại biểu Quốc hội ủng hộ việc xây dựng và thông qua Luật này càng sớm càng tốt.
Thực tế cho thấy, do không có Luật Biểu tình, nên xảy ra tình trạng biểu tình tự phát và gây ra những sự bạo loạn đáng tiếc như các vụ biểu tình ở Bình Dương hay Vũng Áng vừa qua. Tình hình như vậy là rất khó kiểm soát và sự manh động của đám đông có thể lên tới đỉnh điểm. Ngay cả lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc không tham gia các cuộc biểu tình không hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng và hàng triệu tin nhắn được gửi đến các điện thoại cá nhân, thì người dân nghe theo nhưng cũng không ít những băn khoăn: Thế nào là biểu tình không hợp pháp, chẳng lẽ phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc, bày tỏ sự phẫn nộ và biểu hiện lòng yêu nước, ủng hộ Chính phủ mà cũng bất hợp pháp sao? Hệ lụy đau lòng của việc thiếu Luật Biểu tình là sự gây ức chế cho dân chúng trước những vấn đề quốc gia đại sự, thậm chí, khi chúng ta kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc thì chính người dân của chúng ta lại không được biểu thị sự phản đối của mình.
Sẽ rất nhiều người ủng hộ và đồng tình với lời phát biểu của Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Có Luật (biểu tình) thì chúng ta sẽ có hành lang pháp lý để quản lý tốt việc biểu thị ý kiến của người dân, cũng là thể hiện một bước tiến của dân chủ trong xã hội”.
Bước tiến dân chủ ấy, người dân mong mỏi lắm thay!
Bình Sơn
Ảnh: tamnhin.net