Trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đã khẳng định Luật TNBTCNN được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra; góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước trình bày Dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, Báo cáo tập trung vào hai phần lớn, phần thứ nhất khái quát tình hình triển khai thi hành Luật TNBTCNN (kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân); Phần thứ hai của Báo cáo tập trung đưa ra định hướng, giải pháp, đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN. Từ kết quả của hoạt động giải quyết bồi thường trong 03 năm qua cho thấy, Luật TNBTCNN đã đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời, bảo đảm sự ổn định của hoạt động công vụ, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại. Hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường từng bước được kiện toàn đã thúc đẩy công tác triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường và tính hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã khẳng định Luật TNBTCNN là một đạo luật mới, vì vậy, công tác thi hành sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau 03 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, cụ thể: (1) Về thể chế, đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN cùng 10 Thông tư, Thông tư liên tịch; (2) Về nhân sự, bộ máy, cán bộ làm công tác bồi thường nhà nước đã bước dầu được xây dựng; (3) Về công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường đã được các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ giải quyết BTNN cho đội ngũ cán bộ, công chức được phân công thực hiện công tác này; (4) Về kết quả giải quyết bồi thường, tuy con số còn khiêm tốn song cũng đã có những chuyển biến nhất định so với 10 năm trước khi chưa có Luật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Thông qua công tác thi hành Luật TNBTCNN ý thức của cán bộ, công chức đã có nhiều thay đổi, thái độ làm việc nghiêm túc hơn, tính tự trọng nghề nghiệp được nâng lên, và đặc biệt cán bộ, công chức đã chủ động, tích cực hơn trong quá trình giải quyết bồi thường khi có phát sinh yêu cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ công tác thi hành Luật TNBTCNN trong 03 năm qua còn những hạn chế nhất định: Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, đến nay một số thông tư còn chưa được ban hành; Bộ máy tổ chức biên chế thực hiện công tác bồi thường nhà nước chưa thực sự tương xứng với yêu cầu mà Chính phủ, Quốc hội đề ra;…Bộ trưởng khẳng định trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền, công tác bồi thường nhà nước càng trở thành vần đề quan trọng và cần được quan tâm thích đáng. Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận làm rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật và tìm ra nguyên nhân nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh vào năm vấn đề lớn là: nâng cao nhận thức hơn nữa về ý nghĩa chính trị, pháp lý của công tác bồi thường nhà nước đối với người dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm ban hành các Thông tư liên tịch trong lĩnh vực này; chú trọng tới một trong mục tiêu quan trọng là qua công tác bồi thường để đề xuất hoàn thiện pháp luật, tăng cường thực thi công vụ; quan tâm tăng cường biên chế cho công tác này; sớm hoàn thiện báo cáo sơ kết để trình Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cần kiến nghị, giải quyết.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe các tham luận của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, đại diện Tổng Cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Tư pháp, đại diện Sở Tư pháp của các địa phương (Hà Nội, Quảng Ngãi, Cà Mau, Tuyên Quang). Ngoài ra, Hội nghị còn được nghe tham luận của luật sư Nguyễn Hữu Thiệp – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, PGS.TS. Phùng Trung Tập – Đại học Luật Hà Nội và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị – Viện Nhà nước và Pháp luật. Hầu hết các tham luận và ý kiến của các đại biểu đều xoay quanh: Tình hình, kết quả thực hiện Luật TNBTCNN; Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật TNBTCNN; Tình hình kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Ngành Tư pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường; Kinh nghiệm triển khai, thi hành Luật TNBTCNN tại các địa phương; Một số tồn tại, hạn chế trong các quy định của Luật TNBTCNN và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung…
Bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ một lần nữa đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Hội nghị của Cục Bồi thường Nhà nước, đồng thời khẳng định Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật TNBTCNN đã thành công tốt đẹp. Thứ trưởng nhấn mạnh các ý kiến đóng góp cho Hội nghị đều thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm cao của các đại biểu. Thứ trưởng cũng chỉ rõ các công việc mà Cục Bồi thường Nhà nước cần làm ngay sau khi Hội nghị kết thúc: Tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu tại Hội nghị để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm thi hành Luật TNBTCNN; Tiếp tục có kế hoạch cụ thể để sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn Luật; Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ làm công tác này, đồng thời có kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường phát huy hiệu quả.
Như Quỳnh