Xóa án tích là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật hình sự, thể hiện sự thừa nhận về mặt pháp lý người bị kết án không còn mang án tích nữa và vì vậy không phải tiếp tục gánh chịu hậu quả do việc kết án mang lại. Nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất của chế định xóa án tích là người được xóa án tích “coi như chưa bị kết án”. Điều đó có nghĩa là, từ thời điểm được xóa án tích, họ trở thành người hoàn toàn bình thường về mặt tư pháp và không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ đã bị kết án trước đây để hạn chế quyền lợi của họ. Sau khi đã được xóa án tích, các giấy tờ liên quan đến căn cước, lý lịch của họ đều được ghi là “không có án tích” và nếu người đó lại phạm tội mới thì cũng coi như phạm tội lần đầu. Lý lịch tư pháp (LLTP) là lý lịch về án tích của người bị kết án. Phiếu LLTP được coi là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh cá nhân có hay không có án tích. Hiện nay, có rất nhiều văn bản pháp luật quy định cá nhân phải có Phiếu LLTP khi hoàn thiện hồ sơ hoặc tham gia các quan hệ pháp lý như xin con nuôi, cấp chứng chỉ hành nghề, xuất cảnh, du học..., theo đó, Phiếu LLTP trở thành một trong những giấy tờ bắt buộc phải có của cá nhân.
1. Quy định của pháp luật hình sự về vấn đề xóa án tích
Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới về vấn đề xóa án tích. Có thể nói, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích cho người bị kết án theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống, cụ thể như sau:
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 và Điều 107 của Bộ luật Hình sự năm 2015, có 05 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích: (i) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì; (ii) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; (iii) Người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; (iv) Người đã thành niên bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; (v) Người được miễn hình phạt.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 theo hướng, kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; đồng thời, rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo hướng còn 02 năm (đối với trường hợp bị phạt tù đến 05 năm), 03 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm) và 05 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án) (khoản 2, khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015).
- Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án, mà giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”. Đồng thời, khoản 1 Điều 369 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP là họ không có án tích”.
- Cùng với việc quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015), Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bổ sung quy định pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới (Điều 89).
2. Quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp liên quan đến vấn đề xóa án tích
Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 cũng có quy định liên quan đến việc xóa án tích. Điều 33 Luật này quy định: Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cập nhật, xử lý thông tin LLTP trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích, cụ thể: (i) Khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích hoặc quyết định xóa án tích của Tòa án thì ghi “đã được xóa án tích” vào LLTP của người đó và (ii) Khi xác định một người có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự thì ghi “đã được xóa án tích” vào LLTP của người đó. Đồng thời, khoản 3 Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP”.
Như vậy, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, trong quá trình cập nhật thông tin của người bị kết án, khi xác định được người bị kết án đã có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cập nhật thông tin, ghi rõ việc “đã được xóa án tích” vào Phiếu LLTP của người bị kết án; trường hợp cấp Phiếu LLTP cho người đó thì Phiếu LLTP số 1 được cấp sẽ ghi là “không có án tích”. Quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 đã tạo thêm một khả năng, một cơ hội để cho công dân lựa chọn cách thức xác nhận sự kiện mình được xóa án tích sao cho tiện lợi nhất.
Đồng thời, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (Điều 17) đã quy định trách nhiệm của Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp trong việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án. Việc xác minh được tiến hành trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP chưa nhận được giấy chứng nhận đương nhiên xóa án tích đối với người đó do Tòa án gửi đến.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có nhiệm vụ xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Việc xác minh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án. Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã có nhiệm vụ giúp UBND thực hiện phối hợp xác minh. Trong quá trình xác minh tại UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức, nếu thấy cần thiết thì xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan. Trình tự, thủ tục xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích cũng được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của liên Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP (Điều 25).
3. Một số vấn đề thực tiễn đặt ra và đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp
Kết quả khảo sát thực tiễn công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của pháp luật về LLTP tại một số Sở Tư pháp cho thấy, thời gian qua, hầu hết những người đã có án tích đến xin cấp Phiếu LLTP, để bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP, Sở Tư pháp thường hướng dẫn người dân đến Tòa án xin cấp giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án. Trên cơ sở giấy chứng nhận của Tòa án, Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP cho người dân. Chỉ có một số ít trường hợp Sở Tư pháp trực tiếp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP. Mặc dù xác minh với số lượng rất ít, nhưng các Sở Tư pháp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Khó khăn lớn nhất đó là không có đủ thông tin về bản án hoặc người bị kết án đã chấp hành đầy đủ quyết định của Tòa án trong bản án chưa (như người đó đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án phí, trách nhiệm dân sự cũng như thông tin người đó có phạm tội mới trong thời hạn quy định để đương nhiên được xóa án tích không, đặc biệt là đối với thông tin có trước ngày 01/7/2010 (ngày Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 có hiệu lực pháp luật). Nhiều trường hợp, bản án đã được Tòa án tuyên khá lâu nên người bị kết án cũng như các cơ quan có liên quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án hoặc trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau. Có những trường hợp, Sở Tư pháp đã phải xác minh đến 07 - 08 cơ quan, trong khoảng 04 - 05 tháng nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xác định rõ tình trạng án tích của công dân để cấp Phiếu LLTP. Qua khảo sát thực tiễn công tác này, một số Sở Tư pháp đã đề nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó đề nghị bỏ khoản 4 Điều 70, giữ lại quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm quản lý toàn bộ thông tin về án tích của người bị kết án, bắt đầu từ khi bản án có hiệu lực pháp luật cho đến quyết định thi hành án hình sự, các thông tin về miễn, giảm, hoãn chấp hành hình phạt, về việc chấp hành xong bản án (chấp hành xong bản án, nghĩa vụ khác, án phí…). Vì vậy, việc Bộ luật Hình sự năm 2015 giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự là phù hợp. Tuy nhiên, với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, các Sở Tư pháp đã khó khăn như vậy, nay theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì Tòa án không cấp giấy chứng nhận cho người đương nhiên được xóa án tích, thay vào đó các Sở Tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin, xác minh thông tin về đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu LLTP cho người dân. Như vậy, kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì toàn bộ việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP sẽ do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp) thực hiện.
Ngày 29/6/2016, tại Nghị quyết số 144/2016/QH13, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015 từ ngày 01/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, đề nghị của một số Sở Tư pháp về việc bỏ khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 là không khả thi, vì nếu bỏ thì phải sửa đổi bỏ khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ dừng hiệu lực thi hành chứ không sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cũng theo quy định của Nghị quyết số 144/2016/QH13 nêu trên, kể từ ngày 01/7/2016, thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 13/9/2016, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 276/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo Công văn này, kể từ ngày 01/7/2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định về xóa án tích. Trong Danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 ban hành kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC nêu trên, có một số quy định về xóa án tích như quy định tại khoản 2 Điều 69, các khoản 2, 3 Điều 70 và Điều 107.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án “không thực hiện hành vi phạm tội mới” trong thời hạn Bộ luật này quy định (khoản 2 Điều 70). Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Như vậy, có thể xác định một người thực hiện hành vi phạm tội khi người đó bị khởi tố bị can. Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, theo dõi thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của cá nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP rất khó khăn vì cơ sở dữ liệu LLTP hiện nay không quản lý và lưu trữ các thông tin từ giai đoạn khởi tố mà chỉ lưu trữ, quản lý thông tin từ giai đoạn có bản án có hiệu lực pháp luật.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về xóa án tích, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích thời gian qua, tác giả có một số đề xuất nhằm hoàn thiện thể chế về LLTP, cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối tượng người bị kết án phải mang án tích là hẹp hơn so với quy định của Bộ luât Hình sự năm 1999, theo đó “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi” chỉ bị coi là có án tích trong trường hợp bị kết án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị kết án “do lỗi cố ý” về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; đối với người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) thì họ phải mang án tích trong trường hợp bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị kết án “do lỗi cố ý” về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng. Do đó, pháp luật về LLTP cần có sự điều chỉnh phù hợp về đối tượng quản lý LLTP cũng như các quy định về nguồn thông tin LLTP, các loại văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, phạm vi lập hồ sơ LLTP…
Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã rút ngắn thời hạn xóa án tích và điều chỉnh thời điểm để tính thời hạn được xóa án tích theo hướng sớm hơn như đã phân tích ở trên. Vì vậy, pháp luật về LLTP cần được xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan đến việc xác minh điều kiện xóa án tích, vấn đề cập nhật thông tin về xóa án tích trong LLTP của cá nhân…
Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giao hẳn trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong việc theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên của người bị kết án. Do đó, để phục vụ việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP cho cá nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như đã nêu trên, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp xã... để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ xác minh, cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên xóa án tích của người bị kết án và thời hạn cấp Phiếu LLTP cho cá nhân...
Thứ tư, Điều 89 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về xóa án tích đương nhiên cho các pháp nhân thương mại bị kết án nhưng không giao cho cơ quan nào có trách nhiệm quản lý, theo dõi. Tuy nhiên, Điều 446 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về thủ tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân, theo đó, “trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của Bộ luật Hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích”. Như vậy có thể thấy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc theo dõi và cấp giấy chứng nhận pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích do Tòa án thực hiện. Từ đây, đặt ra một vấn đề là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có cần thiết lập hồ sơ án tích của pháp nhân để theo dõi và cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không?
Có thể nói, chế định xóa án tích và chính sách tạo điều kiện cho người phạm tội không bị mặc cảm bởi sự phân biệt đối xử trong xã hội sau khi chấp hành án là những chính sách thể hiện sâu sắc tính nhân đạo trong chính sách hình sự và quản lý xã hội của Nhà nước ta. Tuy nhiên, bản chất nhân đạo của chính sách này chỉ được thể hiện trọn vẹn khi nó được gắn liền với việc cấp Phiếu LLTP cho người đã được xóa án tích. Phiếu LLTP trong đó ghi “không có án tích” sẽ tạo điều kiện cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, bớt mặc cảm và không bị cộng đồng phân biệt đối xử. Thực tế cho thấy, người đã được xóa án tích có thể tham gia vào các quan hệ xã hội như xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học, thăm thân nhân, xuất cảnh, thành lập doanh nghiệp… khi có Phiếu LLTP “sạch” xác nhận nội dung “không có án tích”. Với việc xác nhận của Phiếu LLTP, người được xóa án tích mới “thực sự” được coi như chưa bị kết án và hòa nhập cộng đồng một cách dễ dàng hơn.
Dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 theo Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/7/2016 của Quốc hội. Hiện nay, thực hiện Quyết định số 1840/QĐ-TTg ngày 23/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương triển khai xây dựng dự án Luật này. Những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 trong hơn 06 năm qua và những yêu cầu của quy định pháp luật mới được ban hành, đặc biệt là vấn đề xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần được nghiên cứu thận trọng, nghiêm túc trong quá trình xây dựng Dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi).
Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, Bộ Tư pháp