Ý tưởng cho cuộc thi xuất phát từ thực trạng nước ta vẫn còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi có khả năng tranh tụng quốc tế. Vấn đề này cũng đã được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và trong Quyết định số 123/QĐ-TTG ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”.
Cuộc thi đã mở ra một sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi, rèn luyện và thực hành kĩ năng hành nghề luật sư, chủ động hơn nữa trong việc trau dồi khả năng tiếng Anh, đồng thời là một trong những môi trường tốt nhất cho các thí sinh thể hiện tư duy sắc bén của mình, cũng như trau dồi các kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai.
Chủ đề của cuộc thi liên quan đến việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng thương mại bằng thủ tục trọng tài. Với hình thức thi đấu theo đội (gồm hai thí sinh), các đội bảo vệ cho thân chủ dựa trên một vụ việc giả định. Ba vòng thi là ba thử thách lớn mà các đội phải vượt qua. Tại vòng 1, các đội sẽ nộp bản bào chữa cho nguyên đơn, 12 đội lọt vào vòng 2 sẽ được chia thành 4 bảng để tham gia phiên trọng tài giả định. Vòng chung kết gồm 2 trận bán kết và 1 trận chung kết với sự tham gia của 4 đội xuất sắc nhất. Giám khảo của cuộc thi đều là các luật sư và chuyên gia pháp lý đến từ các công ty luật và tổ chức quốc tế danh tiếng.
Moot Contest lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4 năm 2011 với sự tham gia của 30 đội thi đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội. Tháng 9 năm 2012, Moot Contest lần thứ hai diễn ra đánh dấu một bước tiến mới khi phạm vi cuộc thi được mở rộng tới 4 cơ sở đào tạo luật: Khoa Luật – Học viện Ngoại giao; Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Luật – Viện Đại học Mở Hà Nội và Khoa Luật – Đại học Công đoàn. Tiếp nối thành công của các cuộc thi trước, năm 2014, cuộc thi “Tranh tụng bằng tiếng Anh - Moot Contest 2014” đã tiếp tục mở rộng quy mô đến 7 cơ sở đào tạo về luật trên địa bàn Hà Nội, gồm: Đại học Luật Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Ngoại giao; Đại học Ngoại thương; Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Công đoàn; Viện Đại học Mở Hà Nội.
Moot Contest 2014 có điểm mới so với các cuộc thi trước khi đưa ra yêu cầu áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết vụ việc. Đây vừa là mặt thuận lợi, vừa là thách thức cho các đội thi khi phải áp dụng pháp luật trong nước để giải quyết một vụ tranh chấp thương mại mang tính quốc tế. Từ đầu tháng 4/2014, các đội thi đã trải qua các vòng đấu đầy thử thách. Bằng vốn tiếng Anh lưu loát cũng như kiến thức chuyên môn khá vững, các đội thi đều tỏ ra ngang tài ngang sức trong việc giải quyết tình huống giả định về tranh chấp thương mại bằng thủ tục trọng tài. Bốn đội thi, trong đó có 3 đội của Đại học Luật Hà Nội đã xuất sắc lọt vào đêm chung kết của cuộc thi được tổ chức vào ngày 5/5/2014.
Ban giám khảo của đêm chung kết cuộc thi Moot Contest 2014 bao gồm:
- Ông Michael K. Lee - Luật sư hợp danh (Partner) của Tilleke&Gibbins;
- Ông Đặng Xuân Hợp - Luật sư hợp danh (Partner) của Allens Linklaters
- Bà Maria Soo Chung - Luật sư của Baker&McKenzie;
Sau những trận đấu sôi động của đêm chung kết, kết quả cuộc thi Moot Contest 2014 đã được phân định với thứ hạng như sau:
- Đội vô địch là Đội Legal Chubbies (gồm bạn Đặng Vũ Thùy Linh và bạn Nguyễn Cao Thắng của Đại học Luật Hà Nội);
- Đội đạt giải nhì là Đội Justice Hunters (gồm bạn Đào Như Ngọc Linh và bạn Nguyễn Thị Hân của Đại học Luật Hà Nội);
- Đội đạt giả ba là Đội Vili (gồm bạn Phạm Trần Hạnh Linh và Nguyễn Hữu Việt của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội);
- Đội về thứ tư là Đội Masterminds (gồm bạn Nguyễn Hà Ly và Mai Chi của Đại học Luật Hà Nội).
Bạn Đặng Vũ Thùy Linh (thành viên của đội vô địch) còn được trao giải là thí sinh tranh tụng xuất sắc nhất./.
Hà Kiều Anh
Câu lạc bộ Tranh tụng, Đại học Luật Hà Nội