Vụ khám xét bất thường này có biểu hiện rõ ràng của sự thiếu minh bạch. Phía cơ quan chức năng không chứng minh được (không tìm được) ai là người đã bán 100 USD, bằng chứng để cho là “phạm tội quả tang”, khi khám xét cũng không có quyết định của cấp có thẩm quyền ra quyết định này. Chỉ sau đó mới trưng ra Quyết định số 2446 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh ký ngày 23/4/2014 mà chủ nhà không được giao cũng như không được biết. Càng khó lý giải hơn khi Quyết định này lại có trước một ngày với việc phát hiện ra “phạm lỗi quả tang”(!?).
Cách giải thích của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương càng làm cho dư luận nghi ngờ không những về một động cơ thiếu minh bạch mà còn cho là vụ việc này là kết quả của sự “gài bẫy”. Quyết định khám xét do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận ký, lại trước một ngày, có những chỗ để trống. Lý giải điều này, vị đại diện chính quyền khẳng định là tất cả đều đúng, sai sót nhỏ đó đều do bộ phận tham mưu cả!? Còn phía công an thì cho rằng, có người tố cáo tiệm vàng này mua bán ngoại tệ từ tháng 3/2014 và trường hợp 100 USD kia là “bắt quả tang”. Ý kiến chuyên gia pháp lý thì ngược lại, họ dẫn chiếu văn bản pháp luật quy định việc khám xét nhà do một vi phạm hành chính gây ra thì thẩm quyền thuộc cấp tỉnh. Hơn nữa, vi phạm hành chính trong việc mua bán ngoại tệ thì tịch thu số tiền đó và nộp phạt tiền của cả bên mua và bên bán. Xét trên tất cả phương diện, thì rõ ràng đây là một sự lạm quyền rất rõ ràng. Các luật sư đều có ý kiến là có thể khởi kiện Quyết định này ra trước Tòa án và phần thắng chắc chắn nghiêng về người khởi kiện vì ban hành không đúng thẩm quyền, không có căn cứ pháp luật và với vô số “lỗi kỹ thuật” như đã đề cập. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại, rất khó để kiện ra Tòa vì bà Mai đã “thỏa thuận” trong biên bản là không khiếu nại nếu được trả lại tài sản. Quan điểm của lãnh đạo Công an TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc khám xét và thu giữ trên là “hoàn toàn chưa đủ cơ sở, căn cứ vững chắc theo quy định của pháp luật”. Một chi tiết không thể bỏ qua là “căn cứ” khám xét tiệm vàng là có người phụ nữ đứng đơn tố cáo tiệm vàng từ tháng 3/2014 có hành vi mua bán ngoại tệ trái phép. Liên quan đến động thái này, ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng, cơ quan công an đã làm “lộ bí mật điều tra” và vi phạm những quy định về giữ bí mật nhân thân theo Luật Tố cáo!
Vấn đề đáng lo ngại của câu chuyện khiến người dân phải sợ về cách hành xử của chính quyền mà có thể bất cứ ai cũng trở thành nạn nhân và có “chờ được vạ thì má đã sưng” như trường hợp của bà chủ tiệm vàng này. Trong khi mới đây, tại một diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ xin lỗi nhân dân vì những khó khăn trong kinh doanh có liên quan tới thuế, thì chính quyền của một địa phương làm cái chuyện ngăn cản hoạt động của một cơ sở kinh doanh, khiến người kinh doanh hoảng loạn. Và chẳng cứ bà ta, nhiều người cũng hoảng loạn theo, bởi cái việc mua bán 100 USD thì người ta vẫn cứ làm bình thường cho dù bị cấm, nếu bắt quả tang thì cùng lắm là bị phạt hành chính chứ đâu lại bị khám nhà, niêm phong tài sản. Nó cũng giống như việc đi xe ô tô mà không thắt đai bảo hiểm mà thu giữ cả cái ô tô của người ta. Từ sự việc này, người dân liên tưởng đến các vụ việc khác thể hiện sự lạm quyền và lộng quyền, vi phạm pháp luật của chính quyền và cơ quan chức năng.
Vụ việc đã đặt ra các vấn đề pháp lý như: Người dân làm ăn, kinh doanh có thực sự được pháp luật bảo vệ không? Chính quyền hành xử không theo lối chính tắc thì làm thế nào? Sự việc xảy ra có nhiều sai phạm mà các cơ quan công quyền bao che cho nhau hoặc đổ lỗi cho “kỹ thuật” thì ai sẽ phân xử hay rồi cho qua mọi chuyện còn người dân thấp cổ bé họng thì kêu trời không thấu?
Rõ ràng cách hành xử lạm quyền, thiếu minh bạch, đi quá xa trong việc xử lý một vi phạm hành chính,… không những khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và làm ăn mà còn làm mất lòng tin vào sự quản lý xã hội của chính quyền!
Bình Sơn
Ảnh: Nguoiduatin.vn