Toàn cảnh buổi Họp báo.
Tại buổi Họp báo, đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định số 767/QĐ-CTN ngày 29/4/2025 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc đặc xá năm 2025. Theo đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá 8.055 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 01 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2025.
Chính sách khoan hồng, nhân đạo và nguyên tắc thượng tôn pháp luật
Phát biểu tại họp báo, đồng chí Phạm Thanh Hà cho biết, đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 Hiến pháp năm 2013, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong những năm qua, xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng, xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), theo đề nghị của Hội đồng tư vấn đặc xá, ngày 29/4/2025, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 767/QĐ-CTN đặc xá cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Đặc xá năm 2025 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân, là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước phát biểu tại Họp báo.
Cũng như các đợt đặc xá đã thực hiện trong nhiều năm qua, khi xem xét đặc xá đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, đó là: đặc xá phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá.
Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người vi phạm pháp luật là “nghiêm trị” kết hợp với “khoan hồng”. Chính vì vậy, hình phạt mà pháp luật hình sự của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tốt.
Đồng chí Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, tất cả những phạm nhân được đặc xá lần này đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị Tòa án nhân dân các cấp tuyên phạt theo các chế tài được quy định tại Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự và hiện nay, những phạm nhân này có đủ điều kiện được xem xét, đặc xá.
Vì vậy, đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều được xét đặc xá.
Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân được đặc xá
Việc đặc xá tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính sách nhân đạo đó thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá tha tù trở về nơi cư trú (gồm cả những phạm nhân được đặc xá và những phạm nhân hết hạn tù) sớm hòa nhập cộng đồng. Điều này được thể hiện: (i) tại các Trại giam, Trại tạm giam đã tổ chức các lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho số phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2025; tổ chức học nghề, học tập về kiến thức xã hội, pháp luật, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; (ii) cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, các cấp không được phân biệt đối xử với những người được tha tù trong thực hiện các chính sách xã hội như tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo…
Theo đó, việc tiếp nhận những phạm nhân được đặc xá nói riêng và những phạm nhân hết hạn tù nói chung về địa phương cần có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các gia đình có người thân được đặc xá, hết hạn tù, xóa bỏ phân biệt đối xử, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không bị mặc cảm và có điều kiện, cơ hội làm ăn như những người bình thường khác.
Thực tiễn cho thấy, qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm mà họ đã phạm phải, đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Qua báo cáo của Bộ Công an, tuyệt đại đa số những phạm nhân đã được đặc xá trước đây đều có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, nhiều người đã có cuộc sống ổn định, có những người thành đạt và tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng xã hội, được ghi nhận...
Vì vậy, nhân dịp công bố Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025, đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị: (i) các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi công dân tiếp tục quan tâm, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ những phạm nhân được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng; (ii) các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại, để dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo sự đồng tình ủng hộ, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Hoàng Trung