Mối lương duyên của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật với Văn phòng 2 Bộ Tư pháp được khởi nguồn từ cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ trước. Những chuyến đi có thể nói là triền miên đem lại cho mọi người rất nhiều cảm xúc, đặc biệt là với Phùng Ngọc Đức lúc đó như là đại diện của Tạp chí tại phía Nam. Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ, từ Phú Yên đến Cà Mau, Tạp chí đồng hành cùng bộ phận thường trực phía Nam, tác nghiệp viết bài, đưa tin tuyên truyền pháp luật, xây dựng và thúc đẩy hoạt động tư pháp. Đến đâu, Phùng Ngọc Đức cũng có thơ. Qua Cần Thơ, trời hầm hập sốt, bác tài mở cửa hóng gió thì anh thốt lên: “Phan Văn Phó rắp tâm cài bẫy/Hé cửa ngoài chẳng thấy giai nhân/Đùng đùng gió giật mây vần/Một xe trong cõi hồng trần như bay…”. Phan Văn Phó bây giờ đã là Phó Văn phòng của Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoặc thơ về bác tài khác: “Hỏi tên rằng Võ Bình Đông/Trước làm tài xế nay không làm gì!” Đông giờ vẫn lái xe cơ quan. Cứ chọt qua chọt lại để cười, để quên mệt, để vui, để làm việc hăng hơn.
Trong cơ cấu tổ chức của Ngành Tư pháp, cái tên Văn phòng 2 giống như một thương hiệu xuyên suốt từ trước khi là Văn phòng 2 và cả sau này khi đã chuyển hóa thành cơ quan đại diện của Bộ và tới đây, có thể còn tiếp tục chuyển hóa nữa. Cơ quan phía Nam của Bộ có chừng hai chục người, thì một nửa thường xuyên đi cơ sở. Phùng Ngọc Đức, Dương Văn Hậu, Trần Nho Thìn của Tạp chí, đặc biệt là Phùng Ngọc Đức, là những cái tên gần gũi với anh chị em Văn phòng 2, sau này có thêm Nguyễn Bích Loan của Báo Pháp luật. Tạp chí một bàn. Báo Pháp luật một bàn. Nhà xuất bản Pháp lý một phòng. Có cả kiot bán sách, báo pháp luật trấn ngay đầu hẻm vào cơ quan. Mỗi đợt đi cơ sở ngắn thì tuần, dài thì tháng hoặc hơn, sau mỗi chuyến đi mặt mũi ai nấy bạc phếch. Địa phương thương Bộ vì Bộ giúp được nhiều nhất là về tổ chức cán bộ, vì lúc này Tư pháp đang lao đao, quà cáp cho anh em khá rôm rả, thường là giỏ bưởi hoặc bơ, sang hơn thì ghé chợ biên mua tặng miếng vải quần.
Cuối năm 1997, Phùng Ngọc Đức của Tạp chí, Nguyễn Bích Loan của Báo Pháp luật, Cao Thị Thanh Thảo, Ngô Thị Thu Hà, Phan Văn Phó của Văn phòng 2 đi công tác Cà Mau. Công việc suôn sẻ. Cả đoàn tiếp tục đi Ngọc Hiển. Trời đang trong veo bỗng nổi gió. Mưa, sóng ào ào, đuổi ầm ầm ngay sau đít. Ca nô chỉ muốn lật. Có lẽ, chỉ chậm chừng chục phút là cả đoàn đã nằm lại với biển rồi. Đêm ấy mọi người nhịn đói. Điện đóm cúp hết. Phùng Ngọc Đức kiếm được chai rượu uống rồi ngủ.
Bộ phận Thường trực Bộ - Văn phòng 2 Bộ - Cơ quan đại diện Bộ sau nhiều bàn tính vẫn đang yên vị tại số 30 đường Trần Cao Vân thành phố Hồ Chí Minh. Một thời các văn nghệ sĩ như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Phan Ngọc Thường Đoan, Trầm Hương, Thảo Phương, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Nguyễn Hiệp… từng ghé đây uống chút đỉnh, đàn hát, trò chuyện dông dài về đời, về văn, về pháp luật. Trong những cuộc này, Phùng Ngọc Đức là cây hài duyên bậc nhất. Tạp chí nay không còn đại diện nào ở đây nữa. Báo Pháp luật đã ra riêng. Nhà xuất bản Pháp lý nhập về Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Kho biểu mẫu hộ tịch ngút trời đã được thanh lý. Những vòng dây thép gai chống trộm đột nhập cơ quan đã được bán ve chai từ lâu. Nhiều người biết Phùng Ngọc Đức trước khi biết có sự tồn tại của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tại đất phương Nam. Không ít người yêu mến Cao Thị Thanh Thảo, Đỗ Thu Thủy, Vũ Thị Hoài Vân, Ngô Thị Thu Hà, Phan Văn Phó, Võ Bình Đông, Trần Văn Minh, Trần Thị Kim Nâu, Cao Chiến… trước khi có ấn tượng với Ngành Tư pháp. Mới đây, cơ quan đại diện Bộ Tư pháp mở cuộc tọa đạm về theo dõi thi hành pháp luật tại Cà Mau. Tổng biên tập Nguyễn Văn Tuân tham gia chủ trì cuộc tọa đàm và Tạp chí có ngay một số chuyên đề trong lĩnh vực này. Những tham luận của Ngành Tư pháp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được đăng tải trên Tạp chí, phản ánh thực tế từ công tác tư pháp địa phương.
Thời gian sẽ làm cho người ta quên đi nhiều điều. Nhưng mối lương duyên Tạp chí – Văn phòng 2 – Cơ quan đại diện Bộ, giữa Cao Thị Thanh Thảo, Đỗ Thu Thủy, Ngô Thị Thu Hà, Phan Văn Phó, Trần Thị Kim Nâu, Cao Chiến… với Phùng Ngọc Đức, Dương Văn Hậu, Trần Tho Thìn, Nguyễn Văn Tuân, có thể cả Nguyễn Tất Viễn, Nguyễn Bích Loan, thì vẫn còn đó. Cây hoa sứ giữa sân cơ quan đầy ắp hoa đỏ vẫn nguyên vẹn đó. 35 năm ngỡ chừng dài hóa ra cũng chỉ trong vài bấm đốt tay.
Hoàng Kim Chiến