1. Một số bất cập của pháp luật về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay
Chuyển giá (transfer pricing) là một hiện tượng khá phổ biến, diễn ra từ lâu trong các doanh nghiệp đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, thậm chí giữa các doanh nghiệp độc lập nhưng có chung mục tiêu lợi nhuận. Đây là hành vi của các chủ thể kinh doanh trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết hoặc giữa các chủ thể kinh doanh độc lập nhưng có cùng mục tiêu lợi nhuận nhằm làm thay đổi giá trị của hàng hóa, dịch vụ, vốn, tài sản so với giá thị trường. Giữa các chủ thể kinh doanh này bắt đầu diễn ra quá trình chuyển hóa thu nhập từ nơi chịu nghĩa vụ tài chính cao sang nơi chịu nghĩa vụ tài chính thấp, từ đó, làm giảm nghĩa vụ tài chính phải chịu (tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết[1]) trên tổng thể lợi nhuận của nhóm chủ thể kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Chuyển giá ở quốc gia nào cũng có, tự thân nó không phải là hành vi vi phạm pháp luật nhưng chứa đựng nhiều yếu tố bất hợp pháp. Tìm kiếm các công cụ hữu hiệu để nhận diện các yếu tố đó mới là bài toán khó cần tìm lời giải để bảo đảm môi trường hội nhập, đầu tư bình đẳng và bền vững[2].
Để kiểm soát hành vi chuyển giá, từ lâu, nước ta đã hình thành hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết nhằm bảo vệ lợi ích của các chủ thể có liên quan và thiết lập trật tự quản lý nhà nước về kinh tế. Tuy nhiên, chuyển giá là một vấn đề có tính phức tạp, khó nhận diện và đo lường do chịu sự chi phối của quyền tự do trong kinh doanh và đặc biệt khó khăn hơn trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế. Trong khi đó, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở nước ta chưa được hoàn thiện với những quy định còn giản đơn. Vì thế, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thể hiện rõ, dẫn đến công tác phối hợp trong kiểm soát chuyển giá còn nhiều hạn chế. Trong Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 - 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam[3] (VCCI) có đánh giá: “Trong 03 loại hình doanh nghiệp, khối doanh nghiệp có vốn FDI vẫn luôn có tỷ lệ thua lỗ cao nhất”. Đồng thời, VCCI nhận định: “Việc kinh doanh gặp phải thua lỗ là chuyện bình thường, nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp có vốn FDI thua lỗ cao khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự thật của việc thua lỗ, khi mà các doanh nghiệp có vốn FDI vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”. Điều đó cho thấy sự không bình thường trong hoạt động kinh doanh, hiện hữu những dấu hiệu của hành vi chuyển giá, nhưng trong suốt nhiều năm, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay tìm kiếm giải pháp để kiểm soát, quản lý mà vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chính do pháp luật hiện hành chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Thứ nhất, khái niệm “chuyển giá” vẫn chưa chính thức được định nghĩa trong luật - vấn đề chống chuyển giá vẫn chưa được luật hóa. Bản chất của hoạt động chuyển giá là việc lựa chọn nơi ưu đãi nhất để nộp thuế của một doanh nghiệp mà không làm trái các quy định pháp luật hiện hành. Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa định nghĩa chuyển giá là gì, đồng thời, cũng chưa xác định giá giao dịch liên kết (cho mục đích xác định nghĩa vụ thuế) là gì.
Doanh nghiệp có các giao dịch với các bên không có quan hệ liên kết (hay còn gọi là bên độc lập) và các giao dịch với các bên liên kết (hay còn gọi là giao dịch liên kết) định nghĩa về các loại giao dịch này tại Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định số 132/2020/NĐ-CP). Do đặc thù của các giao dịch với các bên liên kết, doanh nghiệp có thể tự lựa chọn mức giá giao dịch, vì vậy, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng lựa chọn mức giá mà họ cho là sẽ giúp họ tối thiểu hóa số thuế phải nộp của tất cả các bên liên kết nhờ vào sự chênh lệch mức thuế suất của các bên liên kết. Vì vấn đề này, để không bị xói mòn thuế, các quy định thuế thường sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết theo mẫu quy định và loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện. Nói theo cách khác, doanh nghiệp phải xác định giá của các giao dịch liên kết theo hướng tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện, sau đó sử dụng làm cơ sở thực hiện các điều chỉnh phù hợp (nếu có các chênh lệch) đối với mức giá được thể hiện trên các chứng từ giao dịch chính thức để tính thuế. Nếu doanh nghiệp chứng minh được mức giá giao dịch nằm trong phạm vi mức giá của các giao dịch độc lập thì sẽ không có điều chỉnh gì thêm, do đó, không làm phát sinh thêm số thuế phải nộp. Vì vậy, các doanh nghiệp thường sẽ cố gắng xây dựng hồ sơ và chính sách giá với các bên liên kết sao cho nghĩa vụ thuế được tối ưu nhất trong khi vẫn chứng minh được sự tương đương với các giao dịch độc lập để không bị rơi vào tình huống phát sinh các khoản tiền phạt và tiền thuế phát sinh thêm ngoài dự tính. Mặc dù có các quy định như vậy nhưng trong nhiều trường hợp trên thực tế, cả doanh nghiệp và cơ quan thuế cũng không dễ dàng thống nhất được quan điểm về mức giá giao dịch độc lập tương đương do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và điều kiện liên quan.
Thứ hai, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đặt ra thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong vấn đề tuân thủ, đặc biệt là đối với thời hạn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và nội dung các hồ sơ phải cung cấp[4]. Đại diện một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cho biết, sau 03 năm thực thi, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những nút thắt đang gây khó khăn cho doanh nghiệp là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30% (điểm a khoản 3 Điều 16). Theo các chuyên gia, 30% là mức khống chế ở các nước phát triển. Việc áp dụng “thước đo” chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn “mỏng”, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay - đang gây nhiều hệ lụy. Nhu cầu vốn càng lớn hơn khi doanh thu của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong 02 - 03 năm vừa qua do tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó, với quy định chặn trần chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% EBITDA, vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh không được tính vào chi phí hợp lệ khiến nhiều doanh nghiệp đã khó lại càng khó do phải tiếp tục đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần đi vay bị vượt trần. Quy định này không chỉ ngăn các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn cần thiết để mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn làm giảm động lực phát triển và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, thời gian qua, quy định này lại khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ - con bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, quy định còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết[5].
Thứ ba, các văn bản pháp luật hiện hành còn thiếu nhiều quy định cụ thể nhằm hỗ trợ việc triển khai thực hiện các biện pháp xác định các vụ việc chuyển giá. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là một biện pháp hiệu quả trong việc quản lý những rủi ro về giá, cũng đã được nghiên cứu để áp dụng trong quản lý thuế ở Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai.
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá ở Việt Nam
Chuyển giá không phải là vấn đề mới nhưng là vấn đề phức tạp nhất trong lĩnh vực thuế. Hiện nay, trên thế giới chưa có một nước nào có thể ngăn chặn tuyệt đối chuyển giá mà chỉ có thể hạn chế vấn đề này. Do vậy, Việt Nam cần xem việc ứng phó với chuyển giá là một cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ trên cơ sở pháp lý và bằng chứng thuyết phục; việc xây dựng một lộ trình thích hợp để thực hiện quản lý nhà nước về chuyển giá là rất cần thiết, bảo đảm hài hòa, cân đối lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, bảo đảm môi trường đầu tư[6].
Thứ nhất, cần luật hóa vấn đề chuyển giá.
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (Nghị quyết số 50-NQ/TW). Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nguồn lực bên ngoài đối với sự phát triển đất nước hiện nay và tính cấp bách của việc đề ra những chủ trương, chính sách mới để lãnh đạo, định hướng vấn đề này sau hơn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong nhiều nội dung được đề cập, Nghị quyết số 50-NQ/TW đã nhắc đến một vấn đề có tính thời sự, được dư luận quan tâm, xem như một “khuyết tật” của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đó là vấn đề chuyển giá: “Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng”. Chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến không chỉ làm cho chúng ta thất thu một nguồn thuế khá lớn mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác... Nghị quyết số 50-NQ/TW nêu ra giải pháp “hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật”. Đây là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa bao trùm. Muốn xác định được lợi nhuận thực, phải xác định được giá trị đầu tư thực, xác định được doanh thu thực và chi phí thực. Trong khi nước ta còn khá nhiều lỗ hổng trong quản lý doanh thu, chi phí thực của doanh nghiệp thì việc xác định lợi nhuận thực, hay lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp để chống chuyển giá là không thực tế, thiếu khả thi và thiếu hiệu quả. Vì vậy, cần kiện toàn hệ thống pháp luật chống chuyển giá của Việt Nam bằng cách ban hành Luật Chống chuyển giá, để tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá đều được quy định trong luật này[7].
Thứ hai, làm rõ khái niệm chuyển giá.
Pháp luật cần bổ sung quy định để định nghĩa khái niệm chuyển giá. Khái niệm này cần được mô tả chung là việc xác định bằng tiền đối với một loại hàng hóa hay sản phẩm nào đó, tuy nhiên, chỉ bao hàm những mặt hàng mà các bên giao dịch không phải mua từ bên ngoài (hay bên thứ ba), tức là những mặt hàng được trao đổi giữa các đơn vị thành viên trong phạm vi của một doanh nghiệp với nhau - còn gọi là các chủ thể có mối quan hệ liên kết. Như vậy, khái niệm chuyển giá chỉ áp dụng cho những tập đoàn gồm tập hợp nhiều doanh nghiệp (đơn vị) liên kết có tư cách pháp nhân độc lập, hoặc các chủ thể kinh tế cơ cấu theo mô hình công ty mẹ - công ty con và có hoạt động kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, mỗi bộ phận hoặc mỗi đơn vị thành viên khác nhau thực hiện hạch toán độc lập và có thẩm quyền riêng trong việc ra quyết định về định mức chi phí và doanh thu[8]. Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm trốn thuế mới là bất hợp pháp.
Thứ ba, xác định rõ các cách thức chuyển giá.
Pháp luật cần quy định rõ các cách thức chuyển giá phổ biến như sau:
(i) Nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp FDI) bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên cao hơn nhiều so với giá trị thực. Bằng việc tính giá tài sản cố định cao hơn thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã nâng khống số vốn góp, gây thất thu cho ngân sách; đồng thời số khấu hao tài sản cố định tăng lên tương ứng làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến giảm lãi hoặc bị lỗ, do đó, doanh nghiệp chỉ cần nộp ít hoặc không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
(ii) Nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu: Doanh nghiệp FDI nhập mua nguyên vật liệu từ các bên có quan hệ liên kết với mức giá cao hơn mức giá thị trường, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, từ đó làm giảm lãi hoặc bị lỗ.
(iii) Nhận chuyển giao tài sản vô hình/dịch vụ: Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các công ty con thường chuyển giao một số tài sản vô hình/cung cấp một số dịch vụ như: Chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, cung cấp dịch vụ quản lý chung, hỗ trợ mua hàng, kiểm định chất lượng, hỗ trợ công nghệ thông tin… Doanh nghiệp FDI có thể thực hiện chuyển giá thông qua việc định giá cao cho các tài sản vô hình được chuyển giao/dịch vụ được cung cấp.
(iv) Nhận khoản vay với lãi suất cao: Một hình thức phổ biến khác là doanh nghiệp FDI nhận khoản vay từ các bên có quan hệ liên kết với lãi suất vay vượt quá quy định thông thường.
(v) Giảm giá bán hàng hóa: Doanh nghiệp FDI cũng có thể chuyển giá thông qua việc áp dụng giá bán hàng hóa cho các bên có quan hệ liên kết với mức thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết, từ đó làm giảm lợi nhuận và giảm thuế tương ứng.
(vi) Chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
(vii) Chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau.
Thứ tư, thúc đẩy triển khai phương pháp xác định giá tính thuế (APA).
Căn cứ quy định tại Thông tư số 45/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì có thể hiểu APA là việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. APA có các loại cơ bản sau:
- APA đơn phương là thỏa thuận được ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và người nộp thuế đề nghị áp dụng APA.
- APA song phương là thỏa thuận được ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam, người nộp thuế và một cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đề nghị áp dụng APA trên cơ sở hiệp định thuế.
- APA đa phương là thỏa thuận được ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam, người nộp thuế và nhiều cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đề nghị áp dụng APA trên cơ sở hiệp định thuế.
Như đã nêu, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là một biện pháp hiệu quả trong việc quản lý những rủi ro về giá, cũng đã được nghiên cứu để áp dụng trong quản lý thuế ở Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai. Mô hình phổ biến nhất để thực hiện điều này là của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) với nguyên tắc cơ bản là khái niệm “giá thị trường”. OECD đã giải quyết vấn đề không rõ ràng này bằng cách cung cấp các hướng dẫn liên quan đến thỏa thuận trước về giá. Theo đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cơ sở cho việc định giá của bên liên quan cho cơ quan thuế phê duyệt trước khi thực hiện giao dịch. Các thỏa thuận này giúp bảo đảm chắc chắn cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho Chính phủ. Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc của OECD tại một số văn bản pháp lý về quản lý thuế nhưng chưa ký kết được thỏa thuận nào. Việc không có các thỏa thuận như vậy ngày càng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và hệ thống kiểm toán nói chung.
Thứ năm, quy định chế tài phạt cao đối với hành vi chuyển giá.
Luật Quản lý thuế cần có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi chuyển giá. Tại nhiều quốc gia, chế tài cho hành vi này rất nặng. Ví dụ, ở Úc, số tiền phạt bằng 50% số thuế tránh được nếu bên nộp thuế sử dụng giá chuyển nhượng với mục đích giảm thiểu số thuế phải nộp; phạt 25% số thuế tránh được nếu công ty nộp thuế sử dụng giá chuyển nhượng nhằm các mục đích khác. Ở Ấn Độ, cơ quan thuế địa phương có thể ấn định mức phạt lên đến 300% so với mức chênh lệch về số thuế phải nộp giữa số thuế do doanh nghiệp khai báo và số thuế do cơ quan thuế tính lại…
TS. Trần Viết Long
Trường Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. Nguyễn Thanh Hà, Chuyên đề về chuyển giá doanh nghiệp FDI - Kỳ I. Nhận biết chuyển giá và các tác động của chuyển giá doanh nghiệp, http://vietthink.vn/140/print-article.html, truy cập ngày 01/01/2024.
[2]. Nguyễn Thanh Hà, Chuyên đề về chuyển giá doanh nghiệp FDI - Kỳ I. Nhận biết chuyển giá và các tác động của chuyển giá doanh nghiệp, tlđd.
[3]. Nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
[4]. Xem thêm: Nhật Minh (2023), Sửa đổi Nghị định 132: Chờ cuộc “đại phẫu” cứu sống doanh nghiệp, https://tienphong.vn/sua-doi-nghi-dinh-132-cho-cuoc-dai-phau-cuu-song-doanh-nghiep-post1585388.tpo, truy cập ngày 01/01/2024.
[5]. Xem thêm: Nhật Minh (2023), Sửa đổi Nghị định 132: Chờ cuộc “đại phẫu” cứu sống doanh nghiệp, tlđd.
[6]. Dương Văn An (2020), Những tác động của chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với Việt Nam, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM177015, truy cập ngày 01/01/2024.
[7]. Mai Nam (2020), Tranh cãi “chuyển giá”: Xác định chính xác, xử lý hiệu quả, https://vietnamnet.vn/tranh-cai-chuyen-gia-xac-dinh-chinh-xac-xu-ly-hieu-qua-652032.html, truy cập ngày 01/01/2024.
[8]. Phạm Hùng Tiến (2012), Bàn về chống chuyển giá trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh (28), tr. 36.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 399), tháng 2/2024)