Việc một chủ thể có quyền dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để thế chấp cho việc thực hiện nghĩa vụ của người khác được ghi nhận lần đầu trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và được Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục kế thừa phát triển. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn còn những bất cập, hạn chế cần hoàn thiện để góp phần tạo sự ổn định các quan hệ dân sự, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên.
Thế chấp tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có thời điểm ra đời sớm nhất trong lịch sử phát triển luật dân sự của các quốc gia trên thế giới. Về ngữ nghĩa “thế chấp (tài sản) là dùng làm vật bảo đảm, thay thế cho số tiền vay nếu không có khả năng trả đúng hạn"[1]. Thế chấp dưới góc độ quy định pháp luật dân sự, được hiểu là một biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, nhưng không có sự chuyển giao tài sản. Việc nắm giữ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản sẽ là yếu tố “làm tin” cho khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Bản chất của thế chấp tài sản, ngay từ thời điểm được thừa nhận trong quan hệ dân sự đã ghi nhận việc bên có nghĩa vụ chỉ dùng tài sản, chứ không chuyển giao tài sản cho bên có quyền. Tuy nhiên, việc bên có nghĩa vụ dùng tài sản của mình hay sử dụng tài sản được phép của người thứ ba để bảo đảm thì được quy định tương đối khác biệt trong lịch sử phát triển quy định pháp luật dân sự ở Việt Nam về thế chấp tài sản.
Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định “thế chấp tài sản là việc bên có nghĩa vụ dùng tài sản là bất động sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền”[2]. Hợp đồng thế chấp tài sản là căn cứ phát sinh một nghĩa vụ bổ sung, việc thực hiện nghĩa vụ thế chấp này sẽ bổ sung trực tiếp cho phần nghĩa vụ chính còn thiếu. Do vậy, sẽ có hai mối quan hệ tồn tại gần như đồng thời là quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm và quan hệ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng thế chấp. Bên có quyền đồng thời là bên nhận bảo đảm (nhận tài sản thế chấp). Ngược lại, bên thế chấp có luôn đồng nhất với bên có nghĩa vụ hay không? Căn cứ vào quy định của điều luật, người ta chỉ thừa nhận bên thế chấp phải là bên có nghĩa vụ và bên có nghĩa vụ phải dùng tài sản (là bất động sản) thuộc sở hữu của mình để bảo đảm. Nội dung của Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm cũng thể hiện rõ hơn nội dung của quy định này, cụ thể, khoản 1 Điều 22 quy định “tài sản bảo đảm bị xử lý khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Đến Bộ luật Dân sự năm 2005, tại khoản 1 Điều 342 về thế chấp tài sản có quy định: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)…”. Bộ luật Dân sự năm 2005 đã không còn sử dụng cách diễn đạt như một câu khẳng định, dạng như thế chấp là bên có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc sở hữu của mình nữa. Nội hàm khoản 1 Điều 342 đã có độ “thoáng” và có tính “mở” tương đối, đó là chỉ quy định một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, nhưng không hề khẳng định phải dùng tài sản đó để bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình. Sự thay đổi này là vô cùng cần thiết và hợp lý, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/ 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm cũng đã cụ thể hóa tinh thần của Bộ luật Dân sự tại khoản 1 Điều 4: “Tài sản bảo đảm do các bên thỏa thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền”.
Tóm lại, kể từ thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2005 ra đời, pháp luật đã thừa nhận việc một chủ thể có thể dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để thế chấp (ở góc độ rộng hơn là để bảo đảm) cho việc thực hiện nghĩa vụ của chính mình hoặc cũng có thể sử dụng tài sản mà mình sở hữu để thế chấp cho nghĩa vụ của một người khác (là người thứ ba, không liên quan đến quan đến quan hệ thế chấp giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp).
Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục kế thừa những quy định về thế chấp nói chung, trong đó có quy định việc dùng tài sản thế chấp cho nghĩa vụ của người khác nói riêng của Bộ luật Dân sự năm 2005. Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 giữ nguyên quy định của khoản 1 Điều 342 Bộ luật Dân sự năm 2005, theo đó thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Việc sử dụng tài sản thế chấp cho nghĩa vụ của người khác, hay nói cách khác người có nghĩa vụ có thể được bảo đảm bằng tài sản của người khác tiếp tục được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về mặt bản chất, việc dùng tài sản của chính bản thân để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác (là người thứ ba không liên quan đến mối quan hệ giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm) mà không có yếu tố chuyển giao tài sản bảo đảm thì chắc chắn đây là biện pháp thế chấp. Tuy nhiên, để nhận diện quan hệ dân sự này trên thực tế và để vận dụng, áp dụng pháp luật cho đúng thì cần phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa hình thức thế chấp này với biện pháp bảo lãnh.
Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định tại khoản 2 Điều 366: “Người bảo lãnh chỉ được bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc bằng việc thực hiện công việc”. Quy định này cho thấy pháp luật tại thời điểm đó cho phép bên bảo lãnh sử dụng một tài sản hoặc một công việc để làm đối tượng của biện pháp bảo đảm. Do vậy, về nội dung, việc bảo lãnh không khác so với việc một chủ thể thế chấp tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác. Tuy nhiên, quan điểm về bảo lãnh dân sự đã được thay đổi triệt để ngay trong Bộ luật Dân sự năm 2005 khi Bộ luật này quy định theo hướng đối tượng của bảo lãnh chỉ có thể là công việc. Trong bảo lãnh, bên thứ ba (bên bảo lãnh) sẽ cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo đảm) để thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nếu nghĩa vụ đến hạn mà có sự vi phạm, tức là một khi nghĩa vụ không được thực hiện đúng và đầy đủ, thì bên bảo lãnh sẽ được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thay, còn việc thực hiện thay bằng công việc nào, sử dụng tài sản cụ thể nào hoàn toàn thuộc quyền quyết định của bên bảo lãnh. Bên bảo lãnh không cần cam kết dùng một tài sản cụ thể để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa bảo lãnh với thế chấp tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác. Trong biện pháp thế chấp, bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm và ngay trong hợp đồng thế chấp, bên thế chấp phải xác định rõ đối tượng của thế chấp là loại tài sản gì, tính chất hay giá trị như thế nào.
Việc dùng tài sản để thế chấp cho nghĩa vụ của người khác cũng cần phân biệt với trường hợp dùng tài sản của người khác thế chấp cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Bộ luật Dân sự hiện hành cho phép người thế chấp sử dụng tài sản mà mình sở hữu để thế chấp cho nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc thế chấp cho nghĩa vụ của người thứ ba. Mặc dù, trong Bộ luật không có quy định trực tiếp về trường hợp này, nhưng với việc kế thừa các quy định cơ bản về thế chấp tài sản[3], có thể thấy pháp luật dân sự cho phép bên có tài sản thế chấp lựa chọn hai cách ứng xử: (i) Dùng tài sản này để thế chấp cho nghĩa vụ của mình hoặc (ii) Dùng tài sản này để thế chấp cho nghĩa vụ của người khác. Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm cũng đã quy định: “Bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba cam kết bảo đảm nghĩa vụ”, đồng thời khoản 1 Điều 4 Nghị định này cũng quy định: “Tài sản bảo đảm do các bên thỏa thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm nghĩa vụ”. Những quy định này đã một lần nữa khẳng định, tài sản bảo đảm có thể thuộc quyền sở hữu của người thứ ba không liên quan đến quan hệ nghĩa vụ chính (không phải là bên có nghĩa vụ, đương nhiên không thể là bên có quyền).
Một vấn đề đặt ra là người thứ ba có quyền sở hữu tài sản sẽ là chủ thể thế chấp hay chủ thể có nghĩa vụ vẫn sẽ là bên thế chấp. Nếu quan điểm cho rằng, bên có nghĩa vụ đồng thời sẽ là bên thế chấp thì đã thừa nhận việc sử dụng tài sản của người khác để bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình. Cách nhìn nhận này hoàn toàn trái với nguyên tắc chung của pháp luật về giao dịch bảo đảm: "Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm". Nói cách khác, pháp luật không cho phép một chủ thể dùng tài sản của người khác để bảo đảm nghĩa vụ của mình nhưng cho phép chủ thể sử dụng tài sản của mình để thế chấp cho nghĩa vụ của người khác. Thực tế cho thấy, hợp đồng thế chấp tài sản trong những trường hợp này luôn phải được ký giữa một bên là bên có quyền (có thể là bên cho vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng…) và một bên là bên có tài sản thế chấp (có thể là bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba không liên quan đến nghĩa vụ chính). Do vậy, dưới góc độ nghiên cứu, để đảm bảo thể hiện đúng bản chất của quan hệ dân sự, thay vì việc sử dụng thuật ngữ thế chấp bằng tài sản của người thứ ba, thì cách dùng thuật ngữ "dùng tài sản để thế chấp cho nghĩa vụ của người khác" sẽ phù hợp hơn.
Cũng cần nói thêm về tính pháp lý của hợp đồng ủy quyền thế chấp tài sản. Việc cho phép bên có nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của người thứ ba chắc chắn sẽ dẫn tới thực tế có nhiều trường hợp người có quyền sở hữu tài sản ủy quyền cho người khác thực hiện việc thế chấp. Thực tế đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp lợi dụng khả năng nhận thức hạn chế của chủ sở hữu tài sản đã huy động số lượng lớn tài sản thế chấp bằng hình thức “ủy quyền thế chấp”. Tức là người có tài sản bảo đảm, (chủ yếu là các trường hợp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất) ủy quyền cho một doanh nghiệp, tổ chức, hoặc cá nhân được dùng quyền sử dụng đất này thế chấp tại tổ chức tín dụng để vay vốn; đổi lại tổ chức, cá nhân hoặc doanh nghiệp đó sẽ trả một khoản lợi ích thành tiền, mà thực tế vẫn gọi là “lãi” cho bên có tài sản thế chấp. Quay trở lại vấn đề về tính pháp lý của những giao dịch “ủy quyền thế chấp” này, tác giả hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng bản thân những dạng hợp đồng ủy quyền thế chấp này hoàn toàn hợp pháp[4]. Chủ thể có quyền sở hữu tài sản ủy quyền cho chủ thể khác thực hiện mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản trong đó có giao dịch thế chấp tài sản, hợp đồng ủy quyền nếu thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì mặc nhiên được thừa nhận về hiệu lực. Lưu ý rằng, việc người được ủy quyền dùng tài sản (quyền sử dụng đất) thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng không phải là trường hợp dùng tài sản của người khác để bảo đảm cho nghĩa vụ của mình. Hợp đồng thế chấp mặc dù được ký kết giữa người thứ ba với tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng nhưng vẫn phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với bên có tài sản thế chấp (tức bên ủy quyền thế chấp), người thứ ba chỉ thay mặt bên ủy quyền thực hiện trong phạm vi hợp đồng ủy quyền. Các giao dịch dân sự phát sinh trong những tình huống trên như hợp đồng ủy quyền thế chấp, hợp đồng thế chấp hoàn toàn phù hợp và không vi phạm điều cấm của pháp luật. Điều đáng lưu tâm là cần nâng cao nhận thức của bản thân người có tài sản thế chấp để họ nhận thức được rằng, chính họ mới là người đang thế chấp tài sản và sẵn sàng đối diện nguy cơ bị xử lý tài sản thế chấp nếu bên tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho họ hưởng “lãi”, tiền “thuê” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kia không thể thực hiện nghĩa vụ đến hạn với ngân hàng.
2. Một số bất cập trong các quy định pháp luật về thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người khác
Bảo đảm nghĩa vụ cho người khác bằng việc thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình là một trường hợp đặc biệt của thế chấp tài sản. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào những quy định hiện hành của pháp luật về thế chấp để điều chỉnh những quan hệ thế chấp này thì chưa đủ. Một số vấn đề cần được pháp luật quy định rõ hơn như mối quan hệ pháp lý giữa các bên, thù lao cho việc thế chấp, nghĩa vụ hoàn lại phát sinh hay không, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần quy định rõ về mối quan hệ giữa bên thế chấp và bên có nghĩa vụ
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều mang tính chất bổ sung cho việc thực hiện nghĩa vụ chính. Người dùng tài sản mà mình sở hữu thế chấp để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác chính là việc họ chấp nhận đặt bản thân vào trạng thái sẵn sàng tâm lý cho việc dùng tài sản của mình bù đắp, bổ sung cho phần giá trị nghĩa vụ chính chưa được thực hiện. Khác với thế chấp tài sản thông thường, khi bên có nghĩa vụ dùng tài sản của mình bảo đảm cho nghĩa vụ của chính mình, thì ở đây, người có tài sản đang đảm bảo cho việc thực hiện một nghĩa vụ của một chủ thể khác. Tức là, trước khi chấp nhận thế chấp tài sản, người chủ sở hữu này hoàn toàn không liên quan đến quan hệ nghĩa vụ dân sự chính và chắc chắn không có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ nghĩa vụ này. Vì vậy, việc dùng tài sản của mình để thế chấp hoàn toàn không phải nghĩa vụ của người chủ sở hữu tài sản mà xuất phát từ thỏa thuận giữa người có tài sản (sau này là người thế chấp) với người có nghĩa vụ được bảo đảm (sau này là người có nghĩa vụ được thế chấp).
Trên thực tế những thỏa thuận giữa bên thế chấp và bên có nghĩa vụ được thế chấp thường sơ sài và không có chuẩn mực ứng xử mà pháp luật quy định. Phần lớn những trường hợp được phép dùng tài sản của người chủ sở hữu để thế chấp cho nghĩa vụ của mình đều thỏa thuận qua loa về việc sử dụng tài sản thế chấp mà chỉ tập trung xác lập giao dịch ủy quyền thế chấp tài sản. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải nhắc đến sự không thiện chí, mập mờ, lợi dụng tình trạng yếu thế từ đối phương của bên có nghĩa vụ được thế chấp. Trong nhiều trường hợp việc thỏa thuận này thường được bỏ qua, thay vào đó là việc thỏa thuận ủy quyền thế chấp. Việc không có một thỏa thuận dân sự rõ ràng đã gây ra bất lợi không nhỏ đối với bên có tài sản thế chấp, nhận thức hạn chế làm cho họ chỉ nghĩ đơn giản là cho mượn một loại giấy tờ có giá trị để thu lời mà không hay biết bản thân mình đã bị đặt vào vị trí thường trực khả năng phải thực hiện một nghĩa vụ có giá trị gần hoặc đôi khi tương đương với tài sản nàycủa họ. Do vậy, tác giả đồng ý với quan điểm cần bổ sung quy định pháp luật xác lập thỏa thuận về việc dùng tài sản thế chấp cho nghĩa vụ của người khác và cần xác định đây là nghĩa vụ bắt buộc của các chủ thể. Cụ thể Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên bổ sung quy định mới về nghĩa vụ của bên thế chấp: "Thỏa thuận với bên có nghĩa vụ về việc sử dụng tài sản của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền".
Thứ hai, cần bổ sung quy định về thù lao cho việc “thế chấp thay”
Có thể nhận thấy, việc sử dụng tài sản của mình để thế chấp cho nghĩa vụ của người thứ ba có nhiều điểm giống so với biện pháp bảo lãnh. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là người thứ ba, hoàn toàn không liên quan đến nội dung quan hệ nghĩa vụ chính giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ. Pháp luật dân sự quy định rằng, bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh chi trả thù lao cho bên bảo lãnh nếu như hai bên có thỏa thuận[5]; việc tham gia hợp đồng bảo lãnh chắc chắn không phải nghĩa vụ bắt buộc nếu như bên bảo lãnh trước đó không đồng ý và cam kết với bên có quyền. Mục đích của bên bảo lãnh trong nhiều trường hợp là thu được thù lao từ công việc bảo lãnh và coi đây như một hoạt động cung ứng dịch vụ của mình, bên có nghĩa vụ cần nhu cầu bảo lãnh để ngân hàng cấp tín dụng, bên bảo lãnh có khả năng đáp ứng nhu cầu về việc thực hiện thay nghĩa vụ nếu nghĩa vụ bị vi phạm.
Thế chấp tài sản để bảo đảm nghĩa vụ của người khác cũng xuất phát từ thực tế “cung - cầu” giống quan hệ bảo lãnh trên đây. Bổ sung quy định pháp luậtchính là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên thế chấp. Cũng cần nói thêm rằng, đã có những văn bản của cơ quan nhà nước thừa nhận việc có phát sinh những thu nhập chính đáng từ thù lao cho việc thế chấp này[6]. Do vậy, pháp luật cần thống nhất quan điểm bổ sung quy định tương tự trong trường hợp thế chấp tài sản cho nghĩa vụ của người khác, cụ thể tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần bổ sung quyền của bên thế chấp: "Yêu cầu bên có nghĩa vụ chi trả thù lao trong trường hợp đồng ý thế chấp tài sản cho việc thực hiện nghĩa vụ". Pháp luật cũng cần quy định mức tối đa hoặc tối thiểu áp dụng đối với khoản thù lao này. Trên thực tế những tranh chấp xảy ra tương đối phổ biến, trong đó bên thế chấp thường chịu bất lợi hơn do thiếu hiểu biết. Số tiền “lãi” mà bên có nghĩa vụ (tổ chức, cá nhân hoặc doanh nghiệp…) chi trả cho bên thế chấp thường có giá trị không đáng kể so với khoản lợi mà bên có nghĩa vụ có được (huy động được tài sản vay có giá trị lớn).
Thứ ba, cần thừa nhận quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hoàn lại cho bên thế chấp
Thù lao là một khoản lợi ích vật chất bên thế chấp có thể đã hướng tới trước thời điểm xác lập thỏa thuận “thế chấp thay”. Khoản chi phí này được thể hiện rõ trong văn bản thỏa thuận về việc sử dụng tài sản thế chấp cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Đây là khoản lợi ích chính đáng mà bên thế chấp có quyền được nhận. Tuy nhiên, trong quan hệ thế chấp này, bên thế chấp phải đối diện với nguy cơ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nếu có sự vi phạm khi đến hạn. Trường hợp tài sản thế chấp đã bị xử lý để bù trừ cho phần nghĩa vụ chính bị vi phạm thì ngay sau đó bên thế chấp sẽ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghia vụ hoàn lại giá trị tài sản tương đương với phần giá trị nghĩa vụ được bù trừ. Như vậy, Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần bổ sung thêm "quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ hoàn lại phần giá trị nghĩa vụ tương đương với giá trị tài sản thế chấp bị xử lý". Nghị định hướng dẫn về giao dịch bảo đảm (thay thế Nghị định số 163/2006 ngày 29/12/2006) nên quy định bổ sung nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ được thế chấp: "Thực hiện nghĩa vụ hoàn lại phần giá trị nghĩa vụ được bảo đảm bằng việc xử lý tài sản thế chấp của bên thế chấp".
Thứ tư, cần sửa đổi một số quy định để phù hợp hơn với bản chất của thế chấp tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác
Bộ luật Dân sự hiện hành, phần quy định về thế chấp tài sản được trình bày theo cấu trúc: Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp; quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp. Việc trình bày này chỉ phù hợp đối với trường hợp bên thế chấp đồng thời là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính. Trong trường hợp cần áp dụng luật đối với những tình huống dùng tài sản để thế chấp cho nghĩa vụ của người khác lại không thể tìm được những quy định về quyền, nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ được thế chấp, những quy định về mối quan hệ giữa người thế chấp - người có nghĩa vụ - người nhận thế chấp cũng hoàn toàn không có. Bên cạnh đó, pháp luật dân sự thừa nhận quan hệ pháp luật dân sự phát sinh từ việc sử dụng tài sản thế chấp cho nghĩa vụ của người khác nhưng trong một số quy định cụ thể trong văn bản pháp luật lại thể hiện sự mâu thuẫn. Cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 303 quy định về một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp là: “Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”. Quy định này được hiểu là việc nhận tài sản bảo đảm sẽ thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm (bên thế chấp), tức là đã mặc định rằng, bên bảo đảm chỉ có thể là bên có nghĩa vụ. Điều này mâu thuẫn với nguyên tắc thừa nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ có thể được thế chấp (được bảo đảm) bằng tài sản của một chủ thể khác (bên thế chấp)./.
Đại học Luật Hà Nội