Dịch vụ môi trường (DVMT) hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tự do hóa thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ trong những thập kỷ vừa qua đã làm gia tăng quy mô sản xuất và tiêu dùng toàn cầu, qua đó dẫn đến sự gia tăng sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nguyên liệu hóa thạch và chất thải mà hậu quả là gia tăng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng dân số thế giới, xu hướng đô thị hóa và thay đổi trong mẫu hình tiêu thụ đã khiến môi trường phải chịu sức ép ngày càng tăng và phát triển DVMT đang là một nhu cầu hết sức cấp thiết ở các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam để giải quyết các áp lực về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
1. Các cam kết quốc tế về dịch vụ môi trường của Việt Nam
Các cam kết quốc tế về dịch vụ môi trường của Việt Nam căn cứ trên các cam kết với WTO và các quy định pháp luật của Việt Nam về vấn đề này. Hiện nay, trên thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang là những tổ chức quốc tế dẫn đầu trong thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại về dịch vụ môi trường thông qua hình thành Hiệp định thương mại riêng trong khuôn khổ của các tổ chức. Trong đó, các cam kết quốc tế về DVMT chủ yếu tập trung vào nội dung mở cửa thị trường và đối xử quốc gia, cụ thể là các thể thức cung cấp: (i) Cung cấp dịch vụ qua biên giới; (ii) Tiêu dùng nước ngoài; (iii) Hiện diện của thể nhân; (iv) Hiện diện thương mại.
1.1. Cam kết dịch vụ môi trường trong WTO
Các quy định của WTO về các dịch vụ môi trường được quy định trong Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS). GATS đưa ra bốn dạng cung cấp dịch vụ. Trong các dịch vụ, thì dịch vụ môi trường, tiếp cận thị trường và các nghĩa vụ đối xử quốc gia áp dụng chỉ với những lĩnh vực dịch vụ có cam kết cụ thể được các nước thành viên thực hiện riêng rẽ theo từng dạng cung cấp. Cam kết của các nước thành viên được ghi vào lộ trình tương ứng của các cam kết cụ thể. Lộ trình các cam kết liên quan tới DVMT của Việt Nam như sau: Dịch vụ xử lý nước thải; dịch vụ xử lý rác thải; dịch vụ vệ sinh và xử lý khí thải; dịch vụ xử lý tiếng ồn; dịch vụ bảo vệ thiên nhiên và cảnh quan và các dịch vụ bảo vệ môi trường khác[1].
(i) Cung cấp qua biên giới: Việt Nam đưa ra không giới hạn cho tất cả các dịch vụ môi trường được đề cập, ngoại trừ các dịch vụ đánh giá tác động môi trường. Liên quan tới các dịch vụ đánh giá tác động môi trường, Việt Nam không thể đưa ra các hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia.
(ii) Tiêu dùng nước ngoài: Việt Nam không đưa ra giới hạn về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia trong những lĩnh vực dịch vụ môi trường, tuy nhiên, những cam kết này là những cam kết ít quan trọng để thúc đẩy đầu tư về hàng hóa và dịch vụ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam.
(iii) Hiện diện thương mại: Các điều kiện về tiếp cận thị trường được bổ sung: Văn phòng đại diện của các nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép để thành lập tại Việt Nam, nhưng những văn phòng này sẽ không được tham gia bất cứ hoạt động có lợi nhuận trực tiếp và không giới hạn việc thành lập các chi nhánh. Liên quan tới đối xử quốc gia, các cam kết chung khẳng định, các điều kiện về trợ cấp có thể bị hạn chế với những nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, cụ thể là hạn chế đối với thể nhân hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam, hoặc thuộc một phần lãnh thổ Việt Nam. Việc hỗ trợ, trợ cấp một lần để thúc đẩy và tạo điều kiện cho quá trình cổ phần hóa không vi phạm cam kết này. Việt Nam duy trì không giới hạn với các trợ cấp cho nghiên cứu, phát triển và trợ cấp cho lĩnh vực sức khỏe.
(iv) Hiện diện của thể nhân: Giấy phép làm việc, các điều kiện cấp visa là những quy định hạn chế thương mại trong lĩnh vực DVMT Việt Nam duy trì việc tự do phê chuẩn các giải pháp không tương thích với tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia trừ các giải pháp về việc đến và ở tạm thời của những cán bộ được luân chuyển, người bán hàng, cá nhân chịu trách nhiệm thành lập các sự hiện diện về thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng. Thêm vào đó, các cam kết của Việt Nam gắn với việc miễn trừ theo các nguyên tắc tối huệ quốc (MFN). Việt Nam đã đưa lộ trình miễn trừ chung liên quan tới hiện diện thương mại, áp dụng các giải pháp mở rộng đối xử ưu đãi theo các hiệp định đầu tư song phương (BIT). Trong thực tế, Việt Nam vẫn giữ khả năng phân biệt về ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ các nước có tham gia BIT.
1.2. Cam kết dịch vụ môi trường trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)
Hầu hết các cam kết mới nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ môi trường là nằm trong gói cam kết thứ 8 ngày 15/5/2012. Gói cam kết thứ 8 theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), giống như cam kết của GATS[2].
Các cam kết của Việt Nam thừa kế các cam kết của GATS, đồng thời cũng mở rộng các cam kết đó. Việt Nam đã bổ sung các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ môi trường như “dịch vụ vệ sinh và tương tự”, “dịch vụ bảo vệ tự nhiên và cảnh quan”. Do đó, phạm vi của AFAS trong lĩnh vực môi trường có phần rộng hơn so với GATS. Các cam kết chung của Việt Nam được đưa vào lộ trình theo AFAS giống như GATS.
1.3. Cam kết dịch vụ môi trường trong Liên minh châu Âu (EU)
Đây là Hiệp định thương mại song phương đầu tiên mà cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường được đề cập đến tại Chương 15 - Thương mại và phát triển bền vững. Trong đó, Điều 9 của Chương 15 chỉ ra rằng, các nước thành viên đã khẳng định sự cam kết để tăng cường sự đóng góp của các bên trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đồng thời đi kèm với các mục tiêu về phát triển bền vững ở các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), các bên sẽ nỗ lực tạo thuận lợi và tăng cường thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào DVMT (công nghệ thân thiện với môi trường) gồm cả việc đề cập đến các hàng rào phi thuế quan. Trong khuôn khổ đàm phán, EU đã thúc đẩy việc đàm phán nhằm mở cửa hơn nữa nội dung DVMT như các dịch vụ quản lý nước thải và sử dụng hiệu quả năng lượng để khuyến khích việc tự do hóa các loại DVMT. Vì vậy, đối với lĩnh vực DVMT, cam kết giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực thương mại và môi trường tập trung vào việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan như các dịch vụ tư vấn về quản lý nước thải. Theo quan điểm của các bên, việc tự do hóa dịch vụ môi trường là công cụ quan trọng nhằm đạt được phát triển bền vững[3].
1.4. Cam kết dịch vụ môi trường trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
TPP là Hiệp định thương mại đa phương đầu tiên đưa nội dung cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường thành một điều khoản riêng. Tại Điều 18 của Chương 20 về môi trường, các nội dung cam kết đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường được đề cập như sau: (i) Thương mại, đầu tư hàng hóa và DVMT được coi là một phương tiện để cải thiện hiệu suất kinh tế và môi trường, từ đó giải quyết các thách thức của môi trường toàn cầu; (ii) Các bên công nhận tầm quan trọng của Hiệp định này để khuyến khích thương mại và đầu tư hàng hóa, DVMT tại các khu vực thương mại tự do; (iii) Ủy ban sẽ xem xét các vấn đề xác định bởi một bên hoặc các bên liên quan đến thương mại hàng hóa và DVMT, bao gồm cả các vấn đề được xác định là các rào cản phi thuế quan đối với tiềm năng thương mại đó. Các bên hoặc một bên sẽ nỗ lực để giải quyết các rào cản đối với thương mại hàng hóa và DVMT, kể cả bằng cách kết hợp với các ủy ban có liên quan khác được thành lập theo Hiệp định này; (iv) Các bên có thể phát triển các dự án hợp tác song phương và đa phương về hàng hóa và dịch vụ để giải quyết những thách thức với thương mại toàn cầu liên quan đến môi trường trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, tại Điều 15, các bên cũng có cam kết liên quan đến thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng với việc cam kết về các lĩnh vực hợp tác có thể bao gồm, nhưng không giới hạn: Hiệu quả năng lượng; phát triển, thay thế công nghệ nhằm làm giảm lượng khí thải với chi phí - hiệu quả, năng lượng sạch, các nguồn năng lượng tái tạo; giao thông vận tải bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị bền vững; giải quyết việc phá rừng và suy thoái rừng; giám sát khí thải theo cơ chế thị trường và phi thị trường, phát triển nền kinh tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, các bên sẽ (khi thích hợp) tham gia vào các hoạt động hợp tác và xây dựng năng lực liên quan đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít khí thải.
2. Đánh giá về khả năng đáp ứng các cam kết dịch vụ môi trường của Việt Nam
2.1. Về khuôn khổ pháp luật đáp ứng các yêu cầu thực hiện cam kết
Thứ nhất, môi trường kinh doanh
Thực tế cho thấy, ở nước ta, quyền sở hữu đối với tài nguyên và DVMT chưa được phân định rõ ràng. Tại nước ta, nhiều loại tài nguyên và các DVMT được coi như tài sản công cộng, ai cũng có quyền sử dụng không phải trả phí. Bên cạnh đó, việc khai thác các tài nguyên và DVMT này do một người hoặc một nhóm người không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác chúng đối với những người khác, do vậy dẫn đến hiện tượng suy thoái tài nguyên môi trường hoặc không ai chịu trả cho các hoạt động làm sạch môi trường. Giấy phép kinh doanh và chứng chỉ hành nghề là rất cần thiết đối với việc cung ứng một số dịch vụ chiến lược hay dịch vụ phát triển kinh doanh. Để cung cấp những dịch vụ chuyên nghiệp như DVMT đòi hỏi phải có những chứng chỉ chuyên nghiệp do pháp luật quy định. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật cần thiết cho đến nay vẫn chưa được ban hành, dẫn đến sự lẫn lộn và không rõ ràng về các điều kiện và tiêu chí cho việc cung cấp loại hình dịch vụ này. Các thủ tục về cấp phép đối với DVMT là không rõ ràng và không minh bạch. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có cơ chế thị trường cho hàng hóa và DVMT phát triển. Việc xây dựng cơ chế thị trường cho DVMT sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngành. Một vấn đề cần điều chỉnh hoặc quy định cụ thể lại một cách thích hợp là mức thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp DVMT nhằm khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp. Hiện nay, trừ một số trường hợp đặc biệt, tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam đều phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ hai, chính sách ưu đãi chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ môi trường
Nhiều chính sách ưu đãi còn quy định chung chung, chẳng hạn, Nhà nước khuyến khích sử dụng các phương pháp quản lý môi trường mang tính hệ thống, những lợi ích của doanh nghiệp và cơ chế hỗ trợ chưa rõ ràng. Tương tự như vậy, việc khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, các nguồn nguyên liệu đầu vào không gây ô nhiễm, hạn chế khai thác tài nguyên, quy trình sản xuất sạch… phải có các quy định hoặc các cơ chế tài chính cụ thể để các doanh nghiệp có thể tiếp cận. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bằng vốn tự có, chưa có sự bảo lãnh của các cơ quan tài chính ngân hàng…
Thứ ba, công tác quản lý dịch vụ môi trường
Một thách thức lớn đối với hầu hết các nền kinh tế là trách nhiệm đối với ngành DVMT lại thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Hơn nữa, các tỉnh và các sở cũng chịu trách nhiệm về các hoạt động của ngành dịch vụ đó trong phạm vi của tỉnh. Kết quả là một hệ thống quản lý hành chính phức tạp với các mối liên kết hàng dọc và hàng ngang. Hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính phức tạp như vậy phụ thuộc vào một số điều kiện như độ minh bạch, tính rõ ràng, quá trình giám sát và đánh giá tốt.
2.2. Về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi trường
DVMT là phân ngành dịch vụ thuộc nhóm ngành hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhu cầu đời sống xã hội. Năng lực cạnh tranh của ngành DVMT nói chung và doanh nghiệp DVMT nói riêng nếu đáp ứng các cam kết quốc tế cần quan tâm một số vấn đề sau đây:
Một là, về khả năng cung cấp dịch vụ
Trình độ phát triển ngành DVMT ở Việt Nam còn ở mức thấp, một mặt là khó khăn song cũng chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư và tổ chức kinh doanh, khai thác thị trường và thu lợi nhuận. Thực tế là nhu cầu về cấp nước, xử lý ô nhiễm môi trường đang tăng với tốc độ rất nhanh và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Trong khi “cung” chưa đủ đáp ứng được “cầu” thì việc tham gia vào thị trường này luôn hứa hẹn khả năng thu lợi và đem lại cơ hội thành công cao cho các nhà đầu tư. Chủ trương xã hội hóa, mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển ngành DVMT đã được khẳng định trong các văn bản, chính sách, quy định của Việt Nam là thuận lợi rất cơ bản cho các doanh nghiệp xác định chiến lược kinh doanh dài hạn trong lĩnh vực này ở Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, bởi đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp dịch vụ là người tạo ra dịch vụ; tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực DVMT; đổi mới cách thức quản lý và tổ chức hoạt động kinh doanh của ngành DVMT ở Việt Nam; chủ động giáo dục hình thành thói quen sử dụng DVMT của đại đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Hai là, về các yếu tố về thị trường
Đây là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển rất rộng lớn trên cơ sở của một thị trường với quy mô doanh nghiệp lớn, đang trong quá trình phát triển. Sự phát triển kinh tế - xã hội trước hết tạo nên những nhu cầu về dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nhiều hơn là những nhu cầu về dịch vụ phục vụ đời sống, nhưng đến một giai đoạn nhất định thì những nhu cầu về dịch vụ phục vụ đời sống sẽ đóng vai trò quyết định cho sự tăng trưởng của toàn bộ khu vực dịch vụ. Việt Nam có thể được coi là một thị trường đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả ở hai nhóm ngành dịch vụ này. Theo đánh giá hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp còn bỏ ngỏ hay trốn tránh việc xử lý ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, do đó trong thời gian tới, việc thắt chặt hoạt động quản lý bảo vệ môi trường bằng các công cụ chính sách pháp luật sẽ mở ra một thị trường phát triển dịch vụ môi trường rất rộng lớn.
Tóm lại, các cam kết về DVMT của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở các tuyên bố chung, chưa tạo ra bước đột phá nào so với các cam kết trước đây. Tuy nhiên, đây được xem là một bước tiến thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại đối với vấn đề tự do hóa thương mại đối với dịch vụ môi trường do những khó khăn về thống nhất được danh mục và sự không đồng nhất của các quốc gia đàm phán, mà bản thân các cam kết về DVMT cũng như sự cam kết của Việt Nam đều chưa tạo ra nhiều khác biệt so với các cam kết đối với các nhóm dịch vụ khác. Đặc biệt là các cam kết trong TPP, EVFTA hiện nay cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ quá chung chung, do đó, thực tiễn áp dụng sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương
[1]. https://docs.wto.org.
[2].http://www.asean.org/communities/asean-economic-community/item/member-countries-horizontal-commitments-schedules-of-specific-commitments-and-the-list-of-most-favoured-nation-exemptions Annexes to the Protocol to Implement the Eighth Package of Commitments under the ASEAN Framework Agreement on Services.
[3]. Tài liệu Hội thảo chuyên đề “Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, Hà Nội, năm 2014.