1. Bổ sung tranh tụng vào nhóm những nguyên tắc quan trọng trong pháp luật tố tụng dân sự
Tranh tụng trong tố tụng dân sự xuất phát từ yêu cầu thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Nhà nước ta. Trước những yêu cầu của việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, để hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như đổi mới thủ tục tố tụng dân sự nói riêng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 24/5/2005 Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tiếp đó, ngày 02/6/2005, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cả hai nghị quyết này đều xác định nhiều định hướng quan trọng, toàn diện cho việc xây dựng hệ thống pháp luật và chương trình cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó trọng tâm là đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể tham gia tố tụng, người dân có cơ hội được tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua quá trình tranh tụng, góp phần giải quyết nhanh chóng các tranh chấp dân sự đang ngày càng gia tăng. Ngày 29/3/2011, khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định thêm Điều 23a về nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự. Tuy vậy, do tranh luận chưa phải là tranh tụng nên nguyên tắc này chưa thật sự bảo đảm được các yêu cầu của tranh tụng. Tiếp đó, khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, tại khoản 5 Điều 103 khẳng định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, đây là quy định mang tính chất bản lề cho việc xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc tranh tụng trong các luật tố tụng nói chung và trong luật tố tụng dân sự nói riêng. Vì vậy, khi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được thông qua thì nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự đã được khẳng định là một trong những nguyên tắc chung nhất của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam.
Tại Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử như sau:
“1. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.
2. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Bộ luật này.
3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định”.
Xác định nguyên tắc tranh tụng có mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với nhiều nguyên tắc quan trọng khác trong tố tụng dân sự như: Nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự”; nguyên tắc “cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự”; nguyên tắc “bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”; nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”; nguyên tắc “bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự”... Đồng thời với đó, sự xuất hiện của nguyên tắc tranh tụng đã làm thay đổi nhiều quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự như: Quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng dân sự; quy định về chứng cứ và chứng minh; quy định về trách nhiệm của Tòa án bảo đảm cho tranh tụng; quy định về thủ tục tố tụng... Trong đó, sự thay đổi lớn là phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã được cơ cấu lại theo hướng thực hiện tranh tụng bao gồm thủ tục bắt đầu phiên tòa; thủ tục tranh tụng tại phiên tòa; thủ tục nghị án và tuyên án.
Tuy nhiên, do thực tế còn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về khái niệm tranh tụng và nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự giữa các nhà khoa học lý thuyết cũng như thực tiễn nên việc Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định quá cụ thể về nguyên tắc này tại Điều 24 có thể dẫn tới việc không bao quát hết và không chính xác nội dung về nguyên tắc tranh tụng. Qua nghiên cứu cho thấy, Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga quy định rất ngắn gọn về quyên tắc tranh tụng tại Điều 12 như sau: “Việc xét xử được tiến hành theo nguyên tắc tranh tụng và bình đẳng giữa các bên”[1], đây có thể là do nhà xây dựng pháp luật của Nga đã lường trước được sự phức tạp trong việc áp dụng và bảo đảm thực hiện nguyên tắc này trong pháp luật dân sự nên họ quy định hết sức tổng quát, ngắn gọn về nguyên tắc tranh tụng, còn lại các nội dung liên quan sẽ được phát triển thêm ngoài Bộ luật.
Một điểm nữa là, tên của Điều luật (Điều 24 Bộ luật Tố dụng dân sự năm 2015) không phù hợp với các nội dung quy định của Điều này, nhất là quy định trong khoản 2. Tên Điều luật là “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”, vì “xét xử” là một trong các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án nên có thể hiểu Điều luật chỉ giới hạn nguyên tắc tranh tụng trong giai đoạn xét xử vụ án, nhưng tại khoản 2 đã quy định các quyền và nghĩa vụ về tranh tụng như: Thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ; thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp… Những quyền và nghĩa vụ này theo quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không được thực hiện trong giai đoạn xét xử hoặc phải thực hiện trước giai đoạn xét xử.
Như vậy, các nhà khoa học pháp lý và các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam cũng cần có sự nghiên cứu về vấn đề này để trong thời gian tới có những hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp.
2. Về cung cấp chứng cứ
Như pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam trước kia chú trọng mô hình tố tụng thẩm vấn thì các quy định về quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự hết sức hạn chế, việc thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự chủ yếu do Tòa án thực hiện. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 ra đời đánh dấu sự chuyển biến của mô hình tố tụng dân sự từ thẩm vấn sang kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng, cung cấp chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của đương sự và đương sự có quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án. Tòa án chỉ thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự tiến hành thu thập được và có yêu cầu bằng văn bản.
Tiếp tục phát triển các quy định về cung cấp chứng cứ và để phù hợp với mô hình tố tụng tranh tụng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định về thời hạn cung cấp chứng cứ của đương sự và người tham gia tố tụng khác bảo đảm các chứng cứ đều được công khai một cách sớm nhất và phục vụ tốt nhất cho việc giải quyết vụ án.
Theo khoản 4 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ xác định các chứng cứ của vụ án mà đương sự phải giao nộp, đồng thời ấn định khoảng thời gian để giao nộp chứng cứ trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án.
Thủ tục giao nộp chứng cứ (tại Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) cũng được quy định cụ thể hơn so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác (khoản 5 Điều 96 nêu trên). Đối với trường hợp chứng cứ được gửi kèm theo đơn khởi kiện thì người khởi kiện có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Nếu vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ (khoản 9 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Quy định về việc giao nộp và trao đổi chứng cứ của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có nhiều điểm tương đồng với các quy định của pháp luật tố tụng dân sự nước Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga...[2]. Nhưng quy định trên của pháp luật Việt Nam có một số điểm hạn chế như sau:
Thứ nhất, thời hạn cung cấp chứng cứ không được xác định cụ thể (điểm đầu, điểm cuối) trong Điều luật dẫn tới làm khó cho người tham gia tố tụng bởi mỗi vụ án sẽ được thẩm phán ấn định khác nhau, người tham gia tố tụng sẽ bị động về thời hạn cung cấp chứng cứ trong vụ án của mình.
Thứ hai, về nguyên tắc, thời hạn cung cấp chứng cứ phải được thẩm phán ấn định và công bố cho người tham gia tố tụng biết trước khi kết thúc thời hạn đó một thời gian hợp lý để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ của mình nhưng Bộ luật cũng không đề cập về nội dung này.
Thứ ba, theo quy định, đương sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thì phải chịu hậu quả của hành vi đó. Tuy nhiên, chưa có quy định pháp luật nào về chế tài của hành vi đương sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp chứng cứ nên không có tính răn đe. Trái lại, đối với thẩm phán, nhu cầu thực tế là để giải quyết vụ án phải có đầy đủ tài liệu, chứng cứ của vụ án đó, nên khi đương sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thì thẩm phán là người sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết chính xác vụ án.
Như vậy, mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về thời hạn cung cấp chứng cứ và hậu quả của việc đương sự vi phạm nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, nhưng xem xét kỹ thì thấy chưa cụ thể mà chỉ chung chung, mang tính chất trao quyền cho thẩm phán trong việc ấn định thời hạn cung cấp chứng cứ. Thiết nghĩ, với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như vậy, cần phải có hướng dẫn chi tiết thi hành của Tòa án nhân dân tối cao và tránh việc trao quyền lớn cho thẩm phán, khi mà thẩm phán không thực sự khách quan, công minh hoặc sáng suốt sẽ làm ảnh hưởng tới quyền của đương sự về cung cấp chứng cứ phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi của họ tại Tòa án.
3. Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Pháp luật Việt Nam rất coi trọng việc hòa giải để giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn, bảo đảm giữ được mối quan hệ hài hòa giữa các bên tranh chấp. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn giữ thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự nhưng đã phát triển thành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (được quy định trong các điều 208, 209, 210, 211). Thủ tục phiên họp có xu hướng giống với phiên tòa sơ bộ trong pháp luật Liên bang Nga và tố tụng sơ đẳng hay “tố tụng chuẩn bị” trong pháp luật Nhật Bản[3]. Về trình tự, nội dung của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quy định này cũng còn một số hạn chế:
Một là, về trình tự phiên họp gần như tách riêng thành hai phần là kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; không có sự kết hợp, gắn kết nên nhiều thủ tục đã thực hiện trong phần trước đã lặp lại trong phần sau như: Đương sự trình bày yêu cầu và phạm vi khởi kiện; việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện; yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết… việc lặp lại này gây sự nhàm chán, kéo dài thời gian không cần thiết của phiên họp.
Hai là, tại điểm d khoản 2 Điều này quy định cho đương sự có quyền đề xuất thẩm phán hỏi đương sự khác về “những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết”. Quy định này không rõ ràng, “những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết” là những vấn đề gì? Nếu mở rộng những vấn đề mà đương sự có quyền yêu cầu thẩm phán hỏi đối với đương sự khác thì dẫn đến thủ tục của phiên họp đã dài lại càng tốn nhiều thời gian hơn.
Ba là, khoản 3 Điều 210 nêu trên quy định, thẩm phán sau khi nghe các đương sự trình bày xong sẽ “xem xét các ý kiến, giải quyết yêu cầu của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này”. Vậy, những yêu cầu nào của đương sự sẽ được xem xét, giải quyết? Yêu cầu khởi kiện (quy định tại điểm a khoản 2) có được giải quyết không? Quy định này cho thấy sự thiếu chặt chẽ và không rành mạch. Hơn nữa, một nội dung quan trọng là thẩm phán phải kết luận về giá trị của chứng cứ tại phiên họp giống như quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga[4] thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 của Việt Nam đã không quy định. Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao nên có hướng dẫn cụ thể các nội dung trong Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để các thủ tục tránh lặp lại; quy định đương sự có quyền đề xuất thẩm phán hỏi những vấn đề về chứng cứ của vụ án mà đương sự thấy cần thiết để tránh kéo dài thời gian của phiên họp.
Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương